Không chỉ gây ra những tác động trực tiếp như làm gia tăng tỉ lệ mất việc làm mà COVID còn gây ảnh hưởng lâu dàu khi cho học sinh nghèo khó tiếp cận giáo dục trong khoảng hai năm, trong bối cảnh chênh lệch về kết quả học tập của trẻ em nhóm 20% nghèo nhất và nhóm giàu nhất vẫn cao hơn chênh lệch bình quân ở các quốc gia khác.
Người di cư từ TP HCM trở về quê trong đại dịch COVID. Ảnh: Trương Thanh Tùng.
Không chỉ gây ra những tác động trực tiếp như làm gia tăng tỉ lệ mất việc làm mà COVID còn gây ảnh hưởng lâu dàu khi cho học sinh nghèo khó tiếp cận giáo dục trong khoảng hai năm, trong bối cảnh chênh lệch về kết quả học tập của trẻ em nhóm 20% nghèo nhất và nhóm giàu nhất vẫn cao hơn chênh lệch bình quân ở các quốc gia khác.
Thông tin mới đây từ báo cáo Đánh giá thực trạng nghèo của Việt Nam năm 2022 của Worldbank cho thấy, kết quả giảm nghèo ấn tượng trong một thập kỷ qua đã bị ảnh hưởng do đại dịch COVID. Trước đó, trong 10 năm, tính trung bình căn cứ vào chuẩn nghèo dành cho quốc gia thu nhập trung bình thấp của Ngân hàng Thế giới (3,20 USD/ngày theo ngang giá sức mua năm 2011) thì tỷ lệ nghèo đã giảm từ 16,8% năm 2010 xuống còn 5% vào năm 2020, có nghĩa là 10 triệu người đã thoát nghèo, số người nghèo đã giảm xuống còn 5 triệu người vào năm 2020.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 đột ngột bùng phát khiến cho tốc độ tăng lương và cải thiện chất lượng việc làm bị chững lại. Đến cuối năm 2020, khoảng 830.000 người không có đủ việc làm, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp; tỷ lệ đó tăng lên khi lao động trong các lĩnh vực chế tạo, chế biến và dịch vụ bị mất việc hoặc ngừng việc ở các thành phố dịch chuyển về quê. Theo số liệu thống kê chính thức, 9,1 triệu lao động (12,8% tổng số lao động) bị mất việc làm hoặc bị giảm lương trong quý một năm 2021. Nữ giới, làm việc ở khu vực phi chính thức, và các hộ gia đình thuộc nhóm 20% nghèo nhất có thu nhập hộ gia đình phục hồi chậm nhất.
Bất bình đẳng cũng gia tăng trong COVID-19. Nữ giới đảm nhiệm phần lớn việc chăm sóc gia đình, hoạt động của họ trên thị trường lao động bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với nam giới. Người lao động trong khu vực phi chính thức có mức độ tiếp cận với hệ thống an sinh xã hội thấp nhất và gặp nhiều khó khăn nhất trong việc đăng ký nhận hỗ trợ bằng tiền mặt của chính phủ. Tình hình đi học liên tục chưa đồng đều trong giai đoạn COVID-19, và đại dịch có thể nới rộng khoảng cách về đầu tư cho vốn nhân lực do các trường trên cả nước có năng lực không đồng đều.
Việc làm trong tương lai đòi hỏi phải có kỹ năng số nhiều hơn, trong khi hiện vẫn có khoảng cách về mức độ hòa nhập và sử dụng công nghệ số. Các hộ giàu có khả năng tham gia nền kinh tế số nhiều với tư cách là người bán và người mua trên các nền tảng số. Về lâu dài, COVID-19 làm gia tăng bất bình đẳng và sự chênh lệch về cơ hội, và có khả năng ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong tương lai đồng thời hạn chế khả năng vươn lên của nhiều người.
Ngoài người nghèo, khoảng một phần năm người dân Việt Nam thường sống dưới ngưỡng an ninh kinh tế, ngưỡng thu nhập cao hơn ngưỡng nghèo và bắt đầu có tích lũy dự phòng (5,50 USD/ ngày theo ngang giá sức mua năm 2011). Một phần mười dân số có nguy cơ đôi lúc bị rơi xuống dưới ngưỡng an ninh kinh tế do các cú sốc gây ra.
Tuy nhiên, hệ thống bảo trợ xã hội chưa đủ để bảo vệ đa số người dân, đặc biệt là người nghèo trước mọi rủi ro. Báo cáo đánh giá, hệ thống trợ giúp xã hội còn manh mún và chưa đầy đủ, và còn có các vấn đề về triển khai thực hiện. Các chương trình trợ giúp xã hội hiện nay mới tập trung vào các nhóm hộ gia đình cụ thể như người cao tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số và người khuyết tật. Chính vì vậy, nhiều hộ nghèo không đạt các tiêu chí trên đã bị loại ra. Thay vì triển khai một chương trình bảo trợ xã hội chủ đạo như ở Trung Quốc, Indonesia và Philippines, Việt Nam triển khai nhiều chương trình riêng ở quy mô nhỏ hơn, dẫn đến phải sử dụng các hệ thống triển khai thực hiện khác nhau, kém hiệu quả. Mức chi tương đối thấp so với các quốc gia thu nhập trung bình khác càng làm cho hiệu quả kém hơn. Mức chi thấp chủ yếu do mức phúc lợi thấp, dàn trải và vì vậy đem lại tác động tương đối thấp.
Theo một khảo sát cư dân, từ năm 2015 đến năm 2020, nghèo đói được chọn là vấn đề chính cần được chính phủ giải quyết. Khi được hỏi tại sao vấn đề nghèo là mối quan tâm chính, nhiều người dân Việt Nam tỏ ra lo ngại về khả năng tái nghèo, đồng thời một số đông người tham gia khảo sát cho rằng tình trạng nghèo là lực cản chung đối với nền kinh tế và làm giảm uy tín quốc gia.