Nhóm tác giả ở Bệnh viện Chợ Rẫy đã xây dựng mô hình giúp phân loại mức độ nặng, nguy cơ tử vong của bệnh nhân để tập trung nguồn lực cứu chữa hoặc chuyển viện kịp thời.

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, mỗi năm ở nước ta có khoảng hơn 9.000 người chết và khoảng 30.000 người bị thương do tai nạn giao thông. Tỷ lệ tử vong trong các trường hợp sốc chấn thương, đa chấn thương rất cao, từ 10 - 54% tùy theo mức độ nặng. Trong khi đó, hệ thống cấp cứu trước bệnh viện tại Việt Nam vẫn chưa hoàn chỉnh, năng lực cấp cứu chấn thương tại các tuyến y tế chưa đồng bộ. Do đó, cần có những công cụ đơn giản, khách quan giúp các nhân viên y tế phân loại mức độ nặng, nguy cơ tử vong của bệnh nhân để tập trung nguồn lực cứu chữa hoặc chuyển viện kịp thời.

v
Tiên lượng tử vong ở bệnh nhân chấn thương. Ảnh: NNC

Trong đề tài “Xây dựng mô hình tiên lượng tử vong ở bệnh nhân chấn thương vào khoa cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy”, nhóm tác giả tiến hành nghiên cứu 1.500 trường hợp chấn thương vào Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy ở độ tuổi từ 20 - 60,tỷ lệ nam/nữ là 2,8/1; tỷ lệ bị chấn thương sọ não là 53,1%. Kết quả cho thấy, tỷ lê ̣tử vong sớm (trong 24 giờ đầu) là 2,1%; tỷ lệ tử vong trong bệnh viện (30 ngày) là 6,3% chủ yếu tập trung vào tuần đầu nhập viện.

Dựa trên các biến số thu được ở bệnh nhân chấn thương tại thời điểm vào khoa Cấp cứu, nhóm tác giả dùng phân tích hồi quy đa biến để xác định các yếu tố liên quan đến tử vong sớm và tử vong trong bệnh viện. Từ đó, xây dựng mô hình tiên lượng tử vong sớm và tử vong trong bệnh viện. Mô hình này được mã hóa thành các công cụ sử dụng trên hệ thống máy vi tính và các thiết bị điện tử thông minh. Nhờ đó, các thấy thuốc lâm sàng có thể cá thể hóa nguy cơ tử vong cho từng bệnh nhân chấn thương tại thời điểm vào khoa Cấp cứu.

v
Nghiên cứu có thể ứng dụng cho nhiều cơ sở y tế. Ảnh: NNC

Ngoài ra, phần mềm còn giúp theo dõi, báo cáo kết quả điều trị và thống kê, so sánh kết quả điều trị theo thời gian và theo từng cơ sở y tế khác nhau. Phần mềm tiên lượng tử vong ở bệnh nhân chấn thương có thể tích hợp vào phần mềm quản lý bệnh viện tại các cơ sở y tế. Kết nối dữ liệu này, sẽ có dữ liệu chấn thương ở từng khu vực và sau đó là toàn quốc.

Theo TS.BS Tôn Thanh Trà, Chủ nhiệm đề tài, kết quả nghiên cứu này có thể ứng dụng tại Bệnh viện Chợ Rẫy và mở rộng cho các cơ sở y tế khác.

Đề tài vừa nhận giải ba trong lĩnh vực Khoa học kỹ thuật của Giải thưởng sáng tạo TPHCM năm 2021.