Để điều trị lá lách bị chấn thương, phương pháp thông thường là khâu bảo tồn lách hay cắt một phần lách. Tuy cắt lách là điều trị kinh điển của vỡ lách chấn thương, nhưng gây nhiều biến chứng nguy hiểm, tử vong cao.
Điều trị bảo tồn lách với kỹ thuật làm tắc động mạch lách qua can thiệp nội mạch là kỹ thuật ít xâm lấn được đề xuất trong thời gian gần đây. Kỹ thuật này được nhiều nước trên thế giới nghiên cứu và thực hiện đã lâu, tuy nhiên chưa được đề cập trong công trình nghiên cứu ở Việt Nam.
Trước thực tế đó, Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã thực hiện đề tài nghiên cứu “Đánh giá kết quả sớm điều trị vỡ lách chấn thương bằng phương pháp làm tắc mạch”, nhằm đánh giá tính khả thi, an toàn của kỹ thuật tắc mạch lách trong điều trị vỡ lách chấn thương.
Nghiên cứu tiến hành trên 43 bệnh nhân, độ tuổi trung bình là 31,8 - trong đó nhỏ nhất là 13 tuổi và cao nhất là 63 tuổi, bị chấn thương lách chủ yếu do tai nạn giao thông, tai nạn lao động và trong sinh hoạt. Các bệnh nhân được can thiệp trong vòng 12 giờ sau khi chấn thương,
Kết quả nghiên cứu ghi nhận, tỷ lệ thành công của kỹ thuật tắc mạch lách trong điều trị vỡ lách chấn thương là 93% (40/43 bệnh nhân được điều trị bảo tồn thành công). Các trường hợp còn lại điều trị bảo tồn thất bại, phải chuyển phẫu thuật cắt lách. Tỷ lệ thành công không biến chứng chiếm 70,3%; 21,6% thành công nhưng có biến chứng, đa số là các biến chứng nhẹ, chỉ cần điều trị nội khoa, chỉ có 7% chảy máu tiếp diễn. Chưa có ca nào tử vong liên quan đến tắc mạch lách. Sau điều trị, 86% số bệnh nhân nằm viện trong 2 tuần, trong đó có 33% số bệnh nhân nằm viện trong một tuần, ít nhất là 4 ngày. Chỉ có 14% bệnh nhân phải nằm viện hơn hai tuần, lâu nhất là 28 ngày.
Theo TS Mai Phan Tường Anh, Chủ nhiệm đề tài, các tỷ lệ thành công và tai biến này tương tự như ở các nước trong khu vực và trên thế giới. Ngoài ra, chi phí làm can thiệp thấp, do kỹ thuật nút mạch sử dụng vật liệu thuyên tắc rẻ như Coil (vòng xoắn kim loại), hạt vi cầu embozene, xốp sinh học (gelfoam), keo sinh học N-butyl cyanoacrylate (NBCA), hạt nhựa PVA, hỗn hợp giữa keo NBCA và thuốc lipiodol,..
Đề tài nghiên cứu đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu trong năm qua.