Ở Kenya, làn sóng Omicron không hề bùng lên, mặc dù người ta hầu như không có biện pháp phòng chống virus nào đáng kể. Chúng ta có thể rút ra bài học gì từ đây.

Chỉ có những cái khẩu trang làm người ta nghĩ đến đại dịch corona tại đây. Nhiều người nghĩ omikcon chỉ là một bệnh cúm vô thưởng vô phạt.

Bỗng nhiên mọi người đều bị cúm. Xét nghiệm Covid-19 ở thủ đô Nairobi của Kenya khá tốn kém. Vả lại nếu kết quả dương tính thì rất lôi thôi, có thể bị cách ly, phải nghỉ việc. Do đó người ta chỉ kêu bị cúm, thế là ổn.

Tại một trong những bệnh viện khá lớn, người ta cũng tiến gần tới sự thật hơn một chút. Đây là nơi tầng lớp trung lưu thành thị đến để khám và điều trị bệnh. Trong phòng chờ nhiều người bị ho, ngủ gà ngủ gật. Một bác sĩ điều trị cho biết trong khoảng thời gian từ giáng sinh đến đêm giao thừa, 70% các xét nghiệm corona đều cho kết quả dương tính.Theo số liệu thống kê chính thức (cần xem xét các số liệu này một cách thận trọng), tỷ lệ dương tính ở thời điểm này là 35%. Omicron đã tràn qua Kenya như một trận cháy rừng, tuy nhiên biến thể omicron không để lại hậu quả kinh hoàng.

Theo một số nhà nghiên cứu, những đợt sóng trước đây cũng ít nghiêm trọng hơn so với ở châu Âu, tuy vậy chúng cũng đủ làm cho hệ thống y tế yếu kém ở nước này điêu đứng. Khi biến thể Delta xuất hiện tràn lan ở Kenya thì tại các bệnh viện các phòng chăm sóc đặc biệt đều chật kín. Ở nhiều nơi, ngay đến oxy cũng khan hiếm. Bác sỹ Shamsa Ahmed, phụ trách phòng chăm sóc đặc biệt ở bệnh viện M.P.-Shah, ở Nairobi cho hay “Từ giữa tháng 12 đã có một số ca phải nhập viện vì covid-19, nhưng hầu như không có ca bị bệnh nặng nào. Tất cả bệnh nhân đều chưa được tiêm chủng chỉ có vài ba người trong số này bị chết“. Nói chung ở Kenya, số ca phải nhập viện điều trị đặc biệt ít hơn nhiều so với các làn sóng trước đó.

Trong khi đó, số ca lây nhiễm đang giảm nhanh chóng như nó từng tăng vọt trước Giáng sinh. Kenya đã trải qua làn sóng mới mà không bị phong tỏa hay giới nghiêm nghiêmnghiêm. Không giống như ở Nam Phi, nơi áp dụng lệnh giới nghiêm. Các quán bar, nhà hàng và câu lạc bộ vẫn mở cửa và luôn đông đúc. Vào thời điểm Giáng sinh, đám đông tụ tập trên các bãi biển của Mombasa. Các chuyến xe liên tỉnh luôn kín chỗ. Virus hoàn toàn không bị ngăn chặn. Vì vậy, hiếm có gia đình nào mà không có ít nhất một người bị “cúm”.

Ô tô vẫn chật kín hành khách.

Trên văn bản, giấy tờ thì chính phủ Kenya tỏ ra rất cứng rắn. Theo đó, nhiều khu vực của cuộc sống công cộng, như nhà hàng, siêu thị và giao thông địa phương, chỉ tiếp nhận những người có thẻ tiêm chủng. Các quy định của chính phủ ở Kenya vào loại nghiêm ngặt nhất thế giới.Tuy nhiên tòa án đã dừng các lệnh này trong khi bộ Y tế kiên quyết đòi giữ nghiêm các quy định trên. Song có lệnh nhưng lệnh không được thi hành!

Viktor, chủ một xe khách nói, “Nếu chỉ những người đã tiêm chủng mới được lên xe thì đào đâu ra hành khách? Chúng tôi tự biết điều gì tốt nhất đối với mình”. Bản thân hành khách cũng chẳng mấy người để ý đến các quy định của nhà nước. Một người nói, "tôi đào đâu ra thẻ tiêm chủng kia chứ?" Ông Viktor cho rằng, “corona chả làm ảnh hưởng gì đến chúng tôi cả” đồng thời cho biết là chưa thấy ai bị bệnh nặng cả. Tóm lại, Corona chỉ là “con ngáo ộp” với người dân Kenya mà thôi.

Cho đến nay, chính quyền cũng không thi hành các biện pháp một cách cứng rắn cho dù hầu như chả ai thực hiện các biện pháp do nhà nước quy định. Kế hoạch tiêm chủng ban đầu đầy tham vọng, tuy nhiên cho đến nay chỉ có 16,5% người lớn đã tiêm chủng đầy đủ. Câu hỏi đặt ra là vì sao tỷ lệ tiêm chủng chỉ đạt rất thấp nhưng tỷ lệ bệnh nhân phải nhập viện cũng không đáng kể? Phải chăng Omicron thực sự vô hại?

Các nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng tỷ lệ nhiễm virus corona cao đã góp phần giảm nhẹ lây nhiễm ngay cả ở các làn sóng virus trước omicron. Theo một số nghiên cứu có tới 70% người dân ở các đô thị đông dân cư như Johannesburg hoặc Nairobi đã bị nhiễm corona, điều này có thể dẫn đến một dạng miễn dịch cơ bản. Độ tuổi trung bình ở Châu Phi cũng trẻ hơn nhiều so với châu Âu vả lại có thể người dân ở đây đã thường xuyên tiếp xúc với các loại virus tương tự corona.


Ai muốn thì được tiêm chủng bổ sung, vaccine tự chọn

Tuy nhiên, các nhà dịch tễ học cảnh báo không nên lạc quan tếu. Catherine Kyobutungi, phụ trách Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe và Dân số châu Phi cho biết: “Lúc này chưa có thể nói đại dịch corona đã kết thúc hay chưa. “Cũng không nên quá lạc quan cho rằng biến thể tiếp theo sẽ nhẹ hơn và bảo vệ khỏi các bệnh lây nhiễm trước đó.” Lời khuyên của chuyên gia này là hãy tiếp tục tiêm chủng, tiêm chủng và tiêm chủng.

Tin vui là, hiện tại ở hầu hết các nước châu Phi không còn tình trạng thiếu vaccine. Rất nhiều vaccine đã có sẵn ở Kenya mà bất cứ ai quan tâm gần đây đều có thể tiêm tăng cường.