Nhóm tác giả Bệnh viện Chợ Rẫy đã nghiên cứu khả năng chấn đoán nhiễm khuẩn huyết bằng các chỉ dấu sinh học mới (CD64, HLA – DR), có thể áp dụng cùng với các chỉ dấu sinh học khác.
Nhiễm khuẩn huyết là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Vì vậy, chẩn đoán sớm nhiễm khuẩn huyết để sử dụng kháng sinh sớm và đúng sẽ giúp giảm bớt được tình trạng tử vong.
Procalcitonin (một protein gồm 116 axit amin, phần lớn biểu lộ trên tế bào của tuyến giáp), được xem là chỉ dấu sinh học hữu ích trong chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết với độ nhạy khoảng 77%. Tuy nhiên, gần đây một số nghiên cứu cho thấy hai chỉ dấu sinh học tốt hơn cả procalcitonin trong chẩn đoán sớm nhiễm khuẩn huyết là CD64 trên bạch cầu đa nhân trung tính (BCĐNTT) và HLA-DR trên bạch cầu đơn nhân (BCĐoN).
CD64 là một kháng nguyên trên bề mặt bạch cầu. Nếu CD64 trên BCĐNTT tăng, biểu hiện trong quá trình tiền viêm đáp ứng với nhiễm khuẩn. CD64 trên BCĐNTT tăng nhanh vài giờ sau tác nhân kích thích như nhiễm khuẩn, duy trì trong máu ổn định 30 giờ, giảm sau 48 giờ và về bình thường 7 ngày khi không có kích thích.
HLA-DR là một phần của kháng nguyên phức hợp nằm trên nhiễm sắc thể số 6. Ở nhóm người khoẻ mạnh BCĐoN biểu hiện > 90% HLA-DR. Ở bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết, BCĐoN giảm biểu hiện của HLA-DR, cho thấy quá trình rối loạn miễn dịch với ức chế miễn dịch kéo dài trong nhiễm khuẩn huyết.
Hiện Việt Nam chưa có nghiên cứu nào được công bố về HLA-DR trên BCĐoN. Đối với nghiên cứu về CD64 trên BCĐNTT, mới chỉ có một nghiên cứu ghi nhận sự khác biệt về CD64 trên BCĐNTT giữa hai nhóm nhiễm khuẩn và không nhiễm khuẩn, chưa đưa ra được giá trị chẩn đoán của CD64.
Trước thực tế đó, nhóm tác giả đã thực hiện đề tài “Vai trò của chỉ dấu sinh học CD64 trên bạch cầu đa nhân trung tính, HLA-DR trên bạch cầu đơn nhân ở bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn tại Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Chợ Rẫy”.
Trong 1,5 năm nghiên cứu, nhóm tác giả đã phân tích 140 bệnh nhân Khoa Hồi sức tích cực. Trong đó có 85 bệnh nhân nhiễm khuẩn, 55 bệnh nhân không nhiễm khuẩn. Kết quả cho thấy, CD64 trên BCĐNTT có khả năng chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết với độ nhạy 90,6%, độ đặc hiệu 74,5%. HLA-DR trên BCĐoN có khả năng chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết với độ nhạy 65,9%, độ đặc hiệu 94,5%. Ngoài ra, HLA-DR trên BCĐoN tại thời điểm 48 giờ nhập hồi sức có khả năng tiên lượng tử vong ở nhóm nhiễm khuẩn huyết hoặc sốc nhiễm khuẩn (nếu giảm 1000 phân tử HLA-DR trên BCĐoN sẽ làm tăng tỷ lệ tử vong thêm 20%).
Kết quả đề tài cũng xây dựng được quy trình kỹ thuật thực hiện xét nghiệm CD64 trên BCĐNTT, HLA-DR trên BCĐoN. Quy trình đã được hội đồng kỹ thuật Bệnh viện Chợ Rẫy thông qua. Theo nhóm tác giả, các chỉ dấu sinh học CD64 trên BCĐNTT, HLA-DR trên BCĐoN đều có giá trị cao trong chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết, tiên lượng tử vong, có thể áp dụng cùng với các chỉ dấu sinh học khác để phục vụ chẩn đoán.
Đề tài đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu.