25-30% là tỷ lệ tổn thất trung bình trong ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay - con số được đưa ra trong báo cáo Logistics Việt Nam 2017 vừa được Bộ Công Thương công bố mới đây không gây bất ngờ cho nhiều người quan tâm tới ngành nông nghiệp Việt Nam. Trong đó tổn thất đối với sản phẩm thủy hải sản là 35%, với trái cây và rau quả, tùy theo phương thức chế biến và vận chuyển, mức tổn thất có thể lên tới 45%.
Còn trong Báo cáo Phát triển Việt Nam 2016 của Ngân hàng Thế giới (World Bank), trên thang điểm 100, Việt Nam hiện đạt 55,7 điểm về hoạt động chuỗi cung ứng, 60,6 điểm về quản lý chất lượng sản phẩm và 48,4 điểm về thương mại kinh doanh nông sản. So với Philippines, Việt Nam trội hơn về quản lý chất lượng nhưng lại kém về hoạt động chuỗi cung ứng và thương mại. Thậm chí điểm số về thương mại của Việt Nam còn thấp hơn hai nước láng giềng là Lào và Campuchia.
Khảo sát của World Bank cho thấy mức chi phí logistics tại Việt Nam cao hơn Thái Lan 6%, Malaysia 12%, còn so với Singapore thì cao hơn tới ba lần và chiếm rất lớn trong giá thành của nhiều ngành hàng tại Việt Nam: với ngành thủy sản chi phí này chiếm hơn 12%, đồ gỗ chiếm 23%, rau quả 29,5% và ngành gạo chiếm đến gần 30% giá thành.
Vậy đâu là vấn đề của chuỗi cung ứng (logistics) ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tổn thất cao được các chuyên gia phân tích, trong đó một nguyên nhân quan trọng là trình độ công nghệ và hạ tầng kỹ thuật lạc hậu, phản ánh qua những hạn chế về mức độ cơ giới hóa, năng lực vận chuyển và lưu kho.
Hiện nay, “doanh nghiệp nông nghiệp và logistics vẫn chưa có được sự liên kết chặt chẽ. Giao dịch giữa hai bên phần lớn vẫn chỉ thực hiện dưới hình thức cho thuê theo hợp đồng chưa có sự liên kết hỗ trợ nhau về giá giúp nâng cao chất lượng dịch vụ. Vì vậy nếu không cải thiện những vấn đề này thì sản phẩm nông nghiệp Việt Nam khó có thể tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu” - PGS-TS An Thị Thanh Nhàn - Trưởng khoa Logistics kinh doanh, Đại học Thương mại – phân tích.