12 con giáp là cách thức được người dân tại một số quốc gia phương Đông như Trung Quốc sử dụng để tính thời gian và gọi tên các năm.

Câu chuyện lâu đời nhất trong số những truyền thuyết giải thích về sự hình thành của 12 con giáp là kể về một cuộc đua.

Chuyện kể rằng, Ngọc Hoàng thượng đế - người đứng đầu cõi trời - muốn tìm ra một cách để phân định thời gian, cho nên đã tổ chức một cuộc đua với sự tham gia của những loài thú.

Mười hai con vật đầu tiên vượt qua được dòng sông sẽ có một vị trí trong lịch hoàng đạo, theo thứ tự về đích. Con chuột thức dậy và xuất phát rất sớm vào lúc Mặt Trời mọc, sau đó nó tình cờ gặp ngựa, hổ và trâu trên đường đến dòng sông.

Hình ảnh tượng trưng của 12 con giáp. Ảnh: Wikimedia.

Hình ảnh tượng trưng của 12 con giáp. Ảnh: Wikimedia.

Vì con chuột rất nhỏ và không bơi giỏi, nó đã nhờ các con khác to lớn hơn giúp đỡ. Trong lúc hổ và ngựa từ chối thì chú trâu tốt bụng đã đồng ý chở chuột qua sông. Tuy nhiên, khi chúng chuẩn bị sang đến bờ bên kia, chuột nhảy khỏi lưng trâu và về thứ nhất. Trâu về nhì còn hổ về thứ ba. Thỏ vì quá nhỏ bé để có thể chống lại dòng nước xiết, cho nên nó đã nhảy trên những tảng đá và khúc cây nổi trên sông để về thứ tư.

Về tiếp theo là rồng, mặc dù nó đã có thể bay thẳng qua sông nhưng phải dừng lại để giúp những con vật khác mà nó gặp trên đường. Sau rồng là ngựa, nó đang phi thật nhanh qua sông, nhưng khi chuẩn bị về đến đích thì một con rắn lại trườn qua, ngựa giật mình dừng lại, để cho rắn bò vào vị trí thứ sáu.

Ngọc Hoàng nhìn ra phía dòng sông, thấy dê, khỉ, gà đang ở trên một chiếc bè và cùng nhau đẩy hòng thoát khỏi đám rong rêu. Tới khi chúng đến được bờ bên kia thì cả ba lại quyết định nhường vị trí thứ tám cho dê, con vật hiền nhất trong nhóm, sau đó mới tới khỉ và gà. Tiếp theo là chó, nó đang cố gắng bò lên bờ sông. Mặc dù chó là một tay bơi cừ, nhưng do mải chơi đùa dưới nước nên chỉ về đích ở vị trí thứ mười một. Và vị trí cuối cùng thuộc về lợn. Nó vì đói quá nên đã dừng lại để ăn và ngủ một giấc ngắn trước khi bì bõm lội qua sông để về đích.


Kể từ đó, mỗi năm lại được tượng trưng bởi một con giáp theo thứ tự như trên, tạo thành một chu kỳ lặp lại sau đúng 60 năm. Tại sao lại là 60 mà không phải 12? Bởi vì lịch Trung Hoa cổ được xây dựng từ hai hệ thống kết hợp. 12 con giáp gắn với Thập Nhị Chi. Còn lại là hệ thống Thập Thiên Can, được tạo thành bởi năm nguyên tố Ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Mỗi nguyên tố lại được ghép với Âm hoặc Dương để tạo thành chu kỳ 10 năm.

Khi 12 con giáp của Thập Nhị Chi được ghép với một nguyên tố trong Ngũ Hành, cùng Âm hoặc Dương của Thiên Can, sẽ tạo thành 60 năm từ những tổ hợp khác nhau, gọi chung là Lục thập Hoa giáp, hay Can Chi.

Cuộc đua trong câu chuyện trên được xem như quyết định những con vật nào được thờ trong lịch Hoàng đạo của Trung Hoa. Nhưng khi hệ thống này trở nên phổ biến khắp châu Á, các nước khác đã cải biến vài nét cho phù hợp văn hóa của họ. Vì thế, khi xem lịch Hoàng Đạo của Việt Nam, chúng ta có thể thấy con mèo thay thế cho vị trí của thỏ. Hay như ở Thái Lan, một con rắn thần tên Naga sẽ thay thế rồng.