Thí điểm công nghệ vận hành hệ thống máy phân loại, bảo quản nông sản tập trung, ngày 26/10 UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức đánh giá kết quả và triển khai kế hoạch nhân rộng mô hình trung tâm sau thu hoạch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020.
Dự án xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp theo cách tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp giữa UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Tổ chức JICA Việt Nam bắt đầu triển khai từ tháng 8-2016, đến nay đã thu được những kết quả bước đầu.
Sử dụng hệ thống phân loại tự động giảm tới 75% chi phí lao động.
Cụ thể, mô hình thí điểm công nghệ vận hành hệ thống máy phân loại, bảo quản nông sản tập trung tại 1 đơn vị ở huyện Đức Trọng đã phân loại 4,3 tấn sản phẩm/giờ ở điều kiện lý tưởng. Hệ thống máy này có khả năng phân loại cà chua theo các tiêu chí về kích thước, màu sắc đã đáp ứng theo yêu cầu đặt hàng từ các hệ thống siêu thị và chợ đầu mối trong nước.
Hệ thống này đã giúp tăng năng suất phân loại cà chua từ 120 tấn/tháng lên 200 tấn/tháng; giảm công lao động từ 8 người/8 tiếng/ngày xuống còn 8 người/2 tiếng/ngày (giảm 75% công lao động/ngày).
Mô hình Trung tâm sau thu hoạch giúp giảm tổn thất nông sản khi sơ chế.
Theo Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, việc phát triển mô hình Trung tâm sau thu hoạch, ứng dụng công nghệ sau thu hoạch không chỉ giúp giảm tổn thất mà còn nâng cao chất lượng giá trị nông sản.
Trong năm 2017, địa phương sẽ hỗ trợ 3 doanh nghiệp, hợp tác xã hình thành Trung tâm sau thu hoạch với tổng số vốn đầu tư hơn 48 tỷ đồng, tổng công suất của 3 trung tâm này là hơn 43.000 tấn rau các loại/năm. Trong đó sẽ tập trung vào đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị chế biến, đóng gói sản phẩm và bảo quản đông lạnh.
Theo Sài Gòn Giải Phóng