Diễn biến dịch bệnh ở Israel mới đây cho thấy chỉ riêng tiêm chủng, cho dù là tiêm mũi thứ ba, cũng không đủ để đẩy lùi biến thể Delta.

"Bây giờ là thời điểm quyết định," Bộ trưởng Bộ Y tế Israel Nitzan Horowitz cho biết khi được tiêm mũi vaccine COVID-19 thứ ba tăng cường vào ngày 13/8, ngày Israel trở thành quốc gia đầu tiên tiêm mũi vaccine thứ ba cho người từ 50 tuổi trở lên.

"Chúng ta đang trong cuộc chạy đua với đại dịch," Horowitz nói. Thông điệp của Horowitz dành hướng đến người Israel, nhưng nó cũng là một lời cảnh báo cho thế giới.

Israel là quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng COVID-19 cao - 78% người Israel từ 12 tuổi trở lên được tiêm chủng đủ hai mũi, chủ yếu tiêm vaccine Pfizer. Tuy nhiên, quốc gia này hiện là một trong những quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất thế giới, với gần 650 trường hợp mắc mới mỗi ngày trên một triệu người. Hơn một nửa số ca nhiễm là ở những người được tiêm chủng đầy đủ. Tình trạng này cho thấy khả năng lây truyền bất thường của biến thể Delta và làm dấy lên lo ngại rằng lợi ích của việc tiêm chủng sẽ giảm dần theo thời gian.

“Đây là một dấu hiệu cảnh báo rất rõ ràng cho cả thế giới. Nếu lây nhiễm có thể xảy ra ở đây, nó có thể xảy ra ở khắp mọi nơi," Ran Balicer, giám đốc đổi mới tại Clalit Health Services (CHS), tổ chức chăm sóc sức khỏe (HMO) lớn nhất của Israel, cho biết.

Nhân viên y tế tại một đơn vị cách ly COVID-19 ở Ashkelon, Israel, tuần trước. Các quan chức lo ngại số ca nhiễm tăng nhanh sẽ sớm lấp đầy các bệnh viện của Israel.

Tình hình dịch bệnh ở Israel luôn được giới y tế chú ý theo dõi bởi vì đây là một trong những quốc gia đầu tiên triển khai tiêm chủng vào tháng 12/2020, và nhanh chóng đạt tỷ lệ tiêm chủng trong dân vượt xa các quốc gia khác. Quốc gia 9,3 triệu dân này cũng có cơ sở hạ tầng y tế công cộng mạnh mẽ và toàn bộ người dân được chương trình HMO theo dõi chặt chẽ, tạo ra nhiều dữ liệu thực tế, chất lượng cao về hiệu quả hoạt động của vaccine.

“Tôi theo dõi [dữ liệu của Israel] rất chặt chẽ vì đó là một trong những dữ liệu tốt nhất trên thế giới," David O’Connor, chuyên gia giải trình tự virus tại Đại học Wisconsin, Madison, cho biết. Eric Topol, bác sĩ kiêm nhà khoa học tại Viện nghiên cứu hệ gen Scripps Research đồng ý: “Israel là hình mẫu. Tỷ lệ tiêm chủng trong dân số rất cao. Nước này là một phòng thí nghiệm thực tế để chúng tôi học hỏi.”

Các HMO của Israel theo dõi nhân khẩu học, bệnh đi kèm và một loạt các chỉ số liên quan đến virus corona như số ca nhiễm, ca bệnh nặng và tử vong. Balicer nói: “Chúng tôi có dữ liệu cấp độ cá nhân phong phú, cung cấp bằng chứng về dịch bệnh gần như theo thời gian thực." (Vương quốc Anh cũng thu thập rất nhiều dữ liệu, nhưng chiến dịch tiêm chủng của nước này diễn ra muộn hơn so với Israel, và Anh đã sử dụng ba loại vaccine khác nhau, khiến dữ liệu của họ khó phân tích hơn.)

Và hiện nay, các dữ liệu cho thấy tình trạng suy giảm khả năng miễn dịch có thể đã bắt đầu thể hiện ở những người Israel được tiêm vaccine đầu tiên. Trong một bản thảo công bố vào tháng trước, tác giả là bác sĩ Tal Patalon và các đồng nghiệp tại Maccabi Healthcare Services (MHS), cho thấy khả năng bảo vệ trước COVID-19 trong tháng 6 và tháng 7/2021 đã giảm. Những người được tiêm chủng vào tháng 1/2021 có nguy cơ bị nhiễm trùng vượt vaccine cao hơn 2,26 lần so với những người được tiêm chủng vào tháng 4/2021.

Số ca nhiễm ở Israel, hiếm khi xuất hiện vào đầu mùa hè năm nay, đã liên tục tăng gấp đôi mỗi tuần kể từ đó đến nay, chủ yếu là nhiễm biến thể Delta. (Hiện số ca nhiễm đã tăng lên mức cao nhất kể từ giữa tháng Hai, và các ca nhập viện và nhập viện chăm sóc đặc biệt bắt đầu xuất hiện trở lại.) Bao nhiêu phần trăm của đợt bùng phát hiện tại là do khả năng miễn dịch suy yếu, và bao nhiêu là do sức mạnh của biến thể Delta, thì vẫn chưa chắc chắn.

Số ca nhiễm ở Israel liên tục tăng nhanh trong 1 tháng trở lại đây, đến nay trung bình 7 ngày mỗi ngày có gần 6.000 ca nhiễm mới. Nguồn:https://github.com/CSSEGISandData/COVID-19.

Nhưng rõ ràng là các trường hợp nhiễm bệnh “vượt vaccine” không phải là hiếm. Tính đến ngày 15/8, 514 người Israel đã phải nhập viện vì COVID-19 trong trình trạng nghiêm trọng hoặc nguy kịch, tăng 31% so với chỉ 4 ngày trước đó. Trong số đó, 59% đã được tiêm chủng đầy đủ. Và trong số những người được tiêm chủng, 87% từ 60 tuổi trở lên. "Một trong những bài học lớn từ Israel là: Vaccine hoạt động, nhưng không đủ tốt," theo Uri Shalit, nhà tin sinh học tại Viện Công nghệ Israel (Technion), người đã tư vấn về COVID-19 cho chính phủ Israel.

“Điều đáng sợ nhất là gánh nặng cho các bệnh viện,” Dror Mevorach, người chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Hadassah Ein Kerem và cố vấn cho chính phủ, nói. Tại bệnh viện của mình, Mevorach đang sắp xếp các bác sĩ gây mê và bác sĩ phẫu thuật để chuẩn bị cho tình trạng làn sóng lây nhiễm ở Israel như tháng 1/2021, khi bệnh nhân COVID-19 lấp đầy 200 giường.

Để khắc phục làn sóng lây nhiễm lần này, Israel đã chuyển sang tiêm mũi vaccine thứ ba tăng cường, bắt đầu từ ngày 30/7 với những người từ 60 tuổi trở lên, và từ ngày 13/8 thì mở rộng ra những người từ 50 tuổi trở lên. Tính đến đầu tuần này, gần 1 triệu người Israel đã được tiêm liều vaccine thứ ba, theo Bộ Y tế Israel. Các nhà lãnh đạo y tế toàn cầu bao gồm Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc của Tổ chức Y tế Thế giới, đã đề nghị các quốc gia phát triển không sử dụng liều thứ ba tăng cường vì hầu hết dân số thế giới chưa được tiêm dù chỉ một liều. Đến nay, các quốc gia giàu có đang cân nhắc hoặc đã sử dụng liều vaccine tăng cường cho những nhóm dân số đặc biệt như người bị tổn hại hệ miễn dịch và nhân viên chăm sóc sức khỏe.

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, mũi này làm kháng thể tăng nhanh chóng trong mũi và cổ họng, như một tuyến phòng thủ quan trọng đầu tiên chống lại virus. Mevorach cho biết quyết định của chính phủ Israel, bắt đầu tiêm mũi tăng cường cho những người từ 50 tuổi trở lên, dựa trên dữ liệu sơ bộ của Bộ Y tế cho thấy những người trên 60 tuổi tiêm mũi thứ ba có nguy cơ phải nhập viện chỉ bằng một nửa so với những người được tiêm hai mũi. CHS cũng báo cáo, trong số hơn 4.500 bệnh nhân được tiêm mũi tăng cường, 88% cho biết tác dụng phụ không nghiêm trọng hơn, và đôi khi nhẹ hơn so với mũi thứ hai.

Nhưng Dvir Aran, nhà khoa học dữ liệu y sinh tại Technion, cho rằng chỉ riêng giải pháp mũi thứ ba sẽ không có khả năng khắc phục tình hình lây nhiễm Delta. Theo Aran, điều quan trọng là tiêm vaccine cho những người vẫn chưa tiêm liều đầu tiên hoặc liều thứ hai, đồng thời quay trở lại với khẩu trang và giãn cách xã hội.

Thông điệp của Aran dành cho Mỹ và các quốc gia giàu có khác đang xem xét tiêm mũi thứ ba là: "Đừng nghĩ rằng mũi thứ ba là giải pháp."

Nguồn: