Một nghiên cứu đột phá mới đây cho phép các nhà khoa học dự đoán chính xác hơn sự ấm lên của các hồ trên thế giới trong tương lai do biến đổi khí hậu, cũng như dự đoán các mối đe dọa tiềm tàng đối với các loài nước lạnh.

Nghiên cứu đã phát minh ra hệ thống đầu tiên phân loại các hồ trên toàn cầu, đặt mỗi hồ vào một trong chín "vùng nhiệt".

Các hồ được phân nhóm tùy theo kiểu nhiệt độ nước mặt theo mùa, với vùng nhiệt lạnh nhất bao gồm các hồ ở Alaska, Canada, miền bắc Nga và Trung Quốc; và các hồ ấm nhất ở xích đạo Nam Mỹ, Châu Phi, Ấn Độ và Đông Nam Á.

Giám sát dài hạn của UKCEH đã tiết lộ nhiệt độ trung bình hàng năm ở Hồ Windermere, Anh, cao hơn khoảng 1 ° C so với những năm 1980.

Bằng cách kết hợp các mô hình biến đổi khí hậu, các nhà khoa học dự đoán rằng vào năm 2100, đối với kịch bản biến đổi khí hậu khắc nghiệt nhất, nhiệt độ trung bình của các hồ sẽ ấm hơn khoảng 4 độ C và 66% các hồ trên toàn cầu sẽ được phân loại ở vùng nhiệt ấm hơn so với vùng phân loại hiện tại.

Nghiên cứu được thực hiện bởi Trung tâm Sinh thái & Thủy văn Vương quốc Anh (UKCEH), Đại học Dundee, Glasgow, Reading và Stirling, Viện Công nghệ Dundalk, và đã được công bố trên tạp chí Nature Communications.

"Nhờ phương pháp phân tích tiên tiến sử dụng hình ảnh vệ tinh của hơn 700 hồ, chụp hai lần một tháng trong 16 năm, chúng tôi đã tạo ra sơ đồ phân loại nhiệt độ hồ toàn cầu đầu tiên. Kết hợp với với mô hình hồ và các kịch bản biến đổi khí hậu, chúng tôi có thể xác định rằng các hồ phía bắc, chẳng hạn như ở Anh, sẽ đặc biệt nhạy cảm với biến đổi khí hậu," GS Stephen Maberly từ UKCEH, tác giả chính của nghiên cứu, giải thích.

Ngay cả những thay đổi tương đối nhỏ về nhiệt độ cũng có thể tác động tiêu cực đáng kể đến động vật hoang dã dưới nước, ảnh hưởng đến tốc độ trưởng thành và sinh sản của sinh vật. Dưới tác động này, con mồi và động vật ăn thịt có chu kỳ sinh sản và kiếm ăn ngày càng khác nhau, làm giảm lượng thức ăn tiềm năng có sẵn.

Nhiệt độ ấm lên cũng làm tăng nguy cơ tảo nở hoa (quá nhiều tảo sinh sản với số lượng nhanh trong nước), có thể có tác động tiêu cực đến môi trường nước, thực vật thủy sinh và cá.

"Đặc biệt là các loài cá nước lạnh có thể bị căng thẳng do nhiệt độ ấm hơn. Họ cá hồi như cá hồi chấm và cá hồi chấm hồng Bắc Cực, chẳng hạn, đóng vai trò sinh thái trung tâm trong lưới thức ăn và giá trị kinh tế lớn. Tác động tiêu cực tiềm tàng với các loài này là đáng quan ngại," GS Maberly nói.

"Đây là một ví dụ về nghiên cứu tiên phong cung cấp khả năng giám sát các vùng nước trong lục địa ở quy mô toàn cầu từ các nền tảng dựa trên vệ tinh," GS Andrew Tyler của Đại học Stirling, người đứng đầu dự án GloboLakes bao gồm nghiên cứu này, nói.

Ứng dụng để phân loại các hồ thành chín vùng nhiệt hiện có sẵn bằng ngôn ngữ lập trình R tại GitHub - https://github.com/ruth-odonnell/LakeThermalRegions/

Nguồn:

https://phys.org/news/2020-03-world-first-lakes-globally.html
https://www.sciencedaily.com/terms/algal_bloom.htm