Năm 1439, thời điểm đại dịch Cái Chết Đen đang hoành hành khắp nước Anh, Nhà vua Henry VI đã ban lệnh cấm nghi thức chào hỏi bằng cách hôn má. Lệnh cấm này dường như vẫn còn hiệu lực đến ngày nay, khi mà người Anh duy trì thói quen bắt tay để chào hỏi.

Virus corona lây lan một cách khó lường qua tiếp xúc bằng tay, một số tổ chức y tế cộng đồng đã khuyến cáo người dân nên tránh bắt tay. Gần đây, đội tuyển cricket Anh cũng đã thay hành động bắt tay bằng cách chạm nắm đấm vào nhau. Trong khi đó, cơ quan y tế Canada khuyến khích cách chạm khuỷu tay với ý nghĩa tương tự như một cái vẫy tay thân thiện. Trên các trang mạng xã hội tại Trung Quốc và Iran cũng đã xuất hiện các video về nghi thức chào hỏi bằng cách chạm chân vào nhau, hay còn được gọi vui là “chào kiểu Vũ Hán”.

Hình minh họa. Nguồn: Getty Images

Tốc độ thay đổi trong các nghi thức của con người ngày càng nhanh hơn, nhà nghiên cứu Sheryl Hamilton đến từ Đại học Ottawa cho biết. Trong nghiên cứu chung với nhà nhân chủng học Neil Gerlach, Hamilton lập luận rằng chúng ta đang sống trong thời đại nhận thức về bệnh tật cao hơn bao giờ hết, hay nói cách khác, khái niệm "văn hóa đại dịch" ngày càng trở nên phổ biến và thay đổi cách thức tương tác giữa người với người theo những cách tinh tế hơn. “Chúng ta đang trở nên ý thức hơn rằng mọi bề mặt chúng ta chạm vào trong cuộc sống hàng ngày đều chứa rất nhiều vi khuẩn.”, cô cho biết.

Tuy nhiên, Hamilton cũng không cho rằng những cái chạm khuỷu tay hay chạm chân có thể thay thế được tính chính thống và độ phổ biến của việc bắt tay. Thay vào đó, chúng ta nên thử tìm phương án thay thế không yêu cầu tiếp xúc trực tiếp, chẳng hạn như mỉm cười hoặc gật đầu. Nhờ thay đổi trong nhận thức của con người, cô tin rằng những phương án thay thế này sẽ được duy trì trong thời gian dài kể cả sau khi dịch bệnh kết thúc.

Kể từ khi đại dịch SARS bùng phát năm 2003, thái độ của con người với bệnh tật đã thay đổi rõ rệt, đặc biệt thể hiện ở nỗi lo lắng khi thực hiện các nghi thức xã giao như bắt tay. Và hiện tại, chúng ta đang chứng kiến những bong bóng không gian cá nhân được dựng lên xung quanh các cá nhân – khái niệm được các nhà khoa học gọi là không gian giao tiếp. Khái niệm này cũng có sự khác biệt giữa các nền văn hóa. Ví dụ, người Bắc Mỹ và châu Âu có xu hướng giữ khoảng cách với người xung quanh nhiều hơn so với người châu Á.

Cuối cùng, Hamilton cho rằng, nếu không có nghi thức nào thay thế được cái bắt tay, nhiều nền văn hóa sẽ lâm nguy khi không thống nhất được phương thức giao tiếp chung.

Nguồn: https://www.wired.com/story/the-coronavirus-could-put-an-end-to-handshakes/