Ngân sách đầu tư cho khoa học của Chính phủ Canada vừa được thông báo khiến cộng đồng khoa học cảm thấy lo lắng cho tương lai của khoa học cơ bản và các nhà khoa học trẻ tài năng.

Vào đầu tháng 11/2022, các nhà nghiên cứu tham dự hội nghị thường niên về chính sách khoa học đã đón nhận một số tin vui khi Bộ trưởng Bộ Khoa học Canada François-Philippe Champagne loan báo là chính phủ sẽ tăng lên con số một tỉ đô la Canada trong đầu tư cho khoa học. Khoản đầu tư này sẽ rót vào các chương trình tài trợ để hỗ trợ cho các nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực khác nhau và ở nhiều giai đoạn khác nhau trong sự nghiệp; hỗ trợ nâng cấp các cơ sở hạ tầng nghiên cứu đến mua thiết bị mới, hỗ trợ nghiên cứu sinh; đổi mới chương trình nghiên cứu xuất sắc Canada Research Chairs vốn dành cho những giáo sư nghiên cứu tại các trường đại học Canada để thúc đẩy khoa học nước này lên vị trí dẫn đầu thế giới và tạo điều kiện đào tạo một thế hệ nhà khoa học trẻ.

Trong những năm gần đây, đầu tư cho khoa học của đất nước này không theo kịp lạm phát và trên thực tế đã giảm nhẹ theo đà suy giảm của GDP từ năm 1999 đến năm 2019. May mắn là kể từ năm 2018, chính phủ đã có một khoản “bù” kịp thời vào nguồn ngân sách đầu tư cho khoa học. Nhưng có một thực tế là trong nhiều năm qua, các khoản ngân sách tài trợ cho ba hội đồng nghiên cứu chính của chính phủ vẫn không thay đổi trong năm nay. Theo Brad Wouters, một nhà nghiên cứu ung thư và phó chủ tịch hội đồng khoa học và nghiên cứu tại trường đại học Mạng lưới sức khỏe, các hội đồng nghiên cứu đang đối mặt với thách thức đáng kể về kinh phí tài trợ cho nghiên cứu ứng dụng bởi các nguồn ngân sách bị đình trệ.

Thủ tướng Justin Trudeau trao đổi với nhà nghiên cứu Krishnaraj Tiwari (trái), trong một chuyến đi thăm Trung tâm nghiên cứu điều trị Royalmount của NRC ở Montreal vào ngày 31/8/2020.

Viện nghiên cứu Sức khỏe Canada (CIHR) trong nhiều năm đã phải chịu cảnh cắt giảm 23,5% tất cả các khoản tài trợ trong hạng mục tài trợ lớn nhất của mình là Chương trình Tài trợ cho các dự án do các nhà nghiên cứu chính khởi xướng (The investigator-initiated Project Grants) – một chương trình được thiết lập để hỗ trợ các nhà nghiên cứu ở bất cứ giai đoạn nào của sự nghiệp xây dựng và triển khai các nghiên cứu liên quan đến sức khỏe và các dự án chuyển giao tri thức để thúc đẩy thành công của các ứng dụng. Trong năm 2018 đến năm 2020, tuy giải pháp cắt giảm đều lượng kinh phí đầu tư cho từng dự án cho phép CIHR “tiết kiệm” tiền để có thêm 87 khoản tài trợ mỗi đợt mở tài trợ nhưng tính trung bình thì mỗi dự án lại nhận được một khoản khiêm tốn hơn trước, từ 950.000 xuống còn 725.000 đô la Canada.

Với Tania Watts, một nhà miễn dịch học tại trường Đại học Toronto, việc cắt giảm tiền tài trợ có nghĩa tuyển ít kỹ thuật viên và thực tập sinh hơn. “Ở một số dự án phải cắt giảm cả người thực hiện”, cô nói và cho biết thêm là “thực sự không có đủ tiền để dành cho những gì chúng tôi muốn làm”.

Sự khủng hoảng kinh phí đầu tư cho khoa học làm ảnh hưởng nặng nề nhất đến nghiên cứu sinh và postdoc, Wouters nhận xét. Và kết quả là, việc làm cho các nghiên cứu sinh hoặc postdoc đang ngày một khan hiếm và những người đang nhận học bổng từ các hội đồng tài trợ của chính phủ cũng không có được những khoản lớn như trước đây, khi giá trị của những học bổng vẫn không thay đổi trong hai thập kỷ qua. Một khoản học bổng cho học viên cao học chỉ vào khoảng 17.500 đô la Canada một năm, còn một nghiên cứu sinh nhận 21.000 đô la Canada và một postdoc là 45.000 đô la Canada. Điều này khiến nhiều học viên cao học và postdoc phải vất vả để sống trong các thành phố nơi trường đại học của họ đặt khuôn viên và một số buộc phải rời Canada hoặc rời bỏ khoa học vĩnh viễn, Wouters cho biết.

Hiện sinh viên và postdoc đang kêu gọi chính phủ tăng thêm tài trợ cho các học bổng và chương trình trao đổi học thuật. Tại hội nghị chính sách khoa học vào ngày 16/11/2022, Bộ trưởng Champagne cho biết ông đã nghe thấy những lời kêu gọi này và cho là những thông điệp đã chuyển thẳng tới những người có trách nhiệm. Tuy nhiên, ông lại không có chỉ dấu nào về việc nguồn tài trợ mới sẽ tới nay mai.

Vì vậy, Wouters sợ hãi những điều phía trước sẽ quá mức chịu đựng cho các nhà nghiên cứu trẻ. “Nếu chúng tôi không có được sự đầu tư lớn hơn, chúng tôi sẽ mất đi toàn bộ một thế hệ các nhà khoa học tài năng”, ông nói.

Rất nhiều nhà khoa học đang lo ngại là tỉ lệ tài trợ dành cho khoa học cơ bản sẽ giảm xuống so với tài trợ cho các lĩnh vực và dự án mà chính phủ đã xác định cần được ưu tiên chiến lược - như máy tính lượng tử, khoa học hệ gene và gần đây là chuẩn bị cho đại dịch. Watts cho biết, trong bối cảnh bị cắt giảm kinh phí vào năm 2001, khoảng 80% lượng tài trợ dành cho cho nghiên cứu do các nhà khoa học đề xuất ở CIHR cũng đã được trao nhưng về giá trị tài trợ đã sụt giảm tới 54%.

Các nhà nghiên cứu phản ánh, sự quan tâm đến các lĩnh vực mang tính chiến lược của chính phủ đang ảnh hưởng đến các quyết định về việc có nên tài trợ cho các dự án đơn lẻ không. Mùa hè năm trước, CIHR đã cân nhắc các đề xuất của chương trình tài trợ trị giá 90 triệu đô la Canada để hỗ trợ cho các dự án thử nghiệm lâm sàng trong y học. nhưng rồi kết quả lại thay đổi. Sau một vòng bình duyệt của các chuyên gia trong hai hội đồng, trong đó không có ai từng hiểu biết khoa học, đã quyết định về các khoản tài trợ về việc liệu các đề xuất của các nhà khoa học có phù hợp với Chiến lược Sản xuất sinh học và Khoa học sự sống của chính phủ hay không. Trong một số trường hợp, điều đó có nghĩa là đề xuất được đánh giá thấp trong vòng bình duyệt do các chuyên gia khoa học thực hiện lại có thể dẫn đầu với điểm số tốt hơn. Ví dụ, Dylan MacKay, một nhà hóa sinh dinh dưỡng tại trường Đại học Manitoba, gửi hồ sơ đề xuất để so sánh hai cách tiếp cận trong việc điều trị bệnh thận. Các nhà chuyên môn xếp hồ sơ này vào vị trí thứ tư trong số 130 hồ sơ đề xuất nhưng rút cục nó chỉ là một trong số 22 hồ sơ lọt vào vòng hai.

MacKay bị sốc trước tình huống này “Chưa ai từng chứng kiến điều tương tự ở CIHR”, ông nói.

MacKay cho biết việc để cho các hội đồng không có nhà khoa học được phép ra quyết định cuối cùng giống như một vi phạm vào ý tưởng ban đầu là các quyết định tài trợ phải từ các chuyên gia khoa học, điều mà ông gọi là “một nguyên tắc cốt lõi” của việc vận hành hệ thống tài trợ cho khoa học của Canada. “Nghiên cứu không có bất cứ giới hạn nào về quan điểm xét duyệt, tài trợ mới là cách để Canada vượt lên khỏi chính mình”, ông nói.

Sẽ có những khoản tài trợ thúc đầy sự đa dạng trong cộng đồng khoa học Canada, hướng đến các nhà khoa học Canada da màu còn phải chịu sự bất bình đẳng trong nghiên cứu.

François Philippe Champagne

Nguồn:science.org; canada.ca