Khảo sát của Nature cho thấy sự thiên vị và phân biệt đối xử đầy rẫy trong các chương trình thạc sĩ và tiến sĩ trên toàn thế giới.

Cuộc khảo sát thu được 3.253 câu trả lời từ các học viên thạc sĩ và nghiên cứu sinh tiến sĩ từ khắp nơi trên thế giới. 21% số người tham gia được xác định thuộc về các nhóm chủng tộc hoặc dân tộc thiểu số ở các quốc gia nơi họ sinh sống. Thông qua các câu trả lời trắc nghiệm và trả lời tự do bằng văn bản, họ mô tả những khó khăn không liên quan đến chuyên môn, từ phân biệt đối xử đến những hành vi xúc phạm từ đồng nghiệp.

Cụ thể, khoảng 35% những người thuộc các nhóm chủng tộc hoặc dân tộc thiểu số cho biết đã bị phân biệt đối xử hoặc quấy rối trong chương trình nghiên cứu đang tham gia. Trong khi đó, chỉ có 15% những người không thuộc các nhóm thiểu số gặp tình trạng tương tự.

Ảnh minh họa

Một nghiên cứu sinh ở Mỹ viết: “Mức độ phân biệt giới tính và phân biệt chủng tộc mà tôi phải đối mặt khi theo đuổi bằng tiến sĩ vượt quá bất cứ điều gì tôi có thể tưởng tượng".

Một học viên thạc sĩ ở Mỹ viết: “Người hướng dẫn không quan tâm đến việc nghiên cứu sinh của họ bị phân biệt chủng tộc, kỳ thị đồng tính, phân biệt giới tính và các rào cản khác như thế nào, nhưng sẽ vờ như quan tâm bằng cách sử dụng các đại từ trung tính hoặc đúng với bản dạng giới của nghiên cứu sinh và cờ cầu vồng”.

Khi được hỏi họ "ước biết trước điều gì trước khi bắt đầu học cao học", một học viên thạc sĩ từ Châu Phi đang học tập tại Trung Quốc viết: “Tôi ước gì mình biết trưởng khoa và ban quản lý phân biệt chủng tộc và có các hành vi tấn công cá nhân như thế nào”.

Trả lời cùng câu hỏi, một nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Mỹ cho biết: “Tôi ước gì mình biết được sự phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính phổ biến và 'bình thường' như thế nào trong giới học thuật."

38% những người thuộc các nhóm ít được đại diện (nghĩa là tỷ lệ nhóm này trong lĩnh vực được đề cập không tương ứng với tỷ lệ trong dân số) cho biết đã nhận được sự giúp đỡ để vượt qua chứng trầm cảm hoặc lo lắng do các chương trình sau đại học gây ra. Tỷ lệ này là 32% ở nhóm không thuộc các nhóm ít được đại diện.

Ba người được Nature phỏng vấn chi tiết - một nghiên cứu sinh người Mỹ gốc Phi ở Mỹ, một nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Tây Ban Nha đến từ Ấn Độ và một nghiên cứu sinh tiến sĩ người Brazil ở Canada - cho biết họ đã bị phân biệt chủng tộc trong quá trình đào tạo.

Trong đó, nghiên cứu sinh ở Mỹ kể anh đã nghe được những bình luận mang tính phân biệt chủng tộc từ cả những người hướng dẫn và bạn học tại một trường đại học ở miền đông nam nước Mỹ.

“Tôi thường là người da đen duy nhất trong cáclớp sinh học dành cho nghiên cứu sinh. Có rất nhiều hành vi xúc phạm. Mọi người bảo tôi 'nói rặn từng từ',tôi cảm thấy nhận xét này xuất phát từ động cơ phân biệt chủng tộc. Tôi nói tiếng Anh bình thường”,anhnói và cho biết không nhận thấy bất kỳ sự phân biệt chủng tộc nào trong chương trình sau đại học tại một trường đại học khác ở miền trung tây, nơi vừa có một hiệu trưởng mới để đảm bảo sự đa dạng và hòa nhập trong chương trình sau đại học, và mới tuyển dụng nhân viên tư vấn sức khỏe tâm thần.

Nghiên cứu sinh Ấn Độ ở Tây Ban Nha chia sẻ, cô cần các buổi tư vấn thường xuyên để vượt qua tình trạng căng thẳng và lo âu trong mối quan hệ với người hướng dẫn. Cô kể, người hướng dẫn đối xử rất khắc nghiệt với tất cả mọi người trong phòng thí nghiệm, không chỉ với những người thuộc các nhóm ít được đại diện, tuy nhiên dành một số nhận xét khó nghe nhất cho những sinh viên nước ngoài.

Một buổi sáng, cô đến muộn 15 phút sau khi làm thêm giờ vào đêm hôm trước. “Người hướng dẫn tỏ ra hách dịch với tôi và hỏi 'đây có phải là cách làm việc của người Ấn Độ không?'. Tôi thực sự bị sốc."

Cô cho biết các nhà nghiên cứu và sinh viên khác tại cơ sở này rất thân thiện và hợp tác. “Mọi người đều tôn trọng lẫn nhau.”

Nghiên cứu sinh người Brazil ở Canada đã thường xuyên bị người hướng dẫn coi thường kỹ năng tiếng Anh và khoa học ngay từ khi bắt đầu chương trình tiến sĩ. “Lúc đầu, tôi nghĩ người hướng dẫn chỉ cố gắng giúp tôi đạt kết quả tốt nhất, nhưng tôi nhận thấy cô ấy đối xử với tôi khác với những nghiên cứu sinh khác trong phòng thí nghiệm”, cô nói.

“Người hướng dẫn của tôi nói rằng thật sai lầm khi nhận tôi làm nghiên cứu sinh vì sinh viên Brazil không thể đạt được trình độ như sinh viên Canada, bởi vì nền giáo dục ở Brazil yếu kém”, cô kể lại.

Cảm thấy không được chào đón và không được hỗ trợ, nghiên cứu sinh người Brazil đã liên hệ với văn phòng phụ trách học thuật và được khuyên chuyển sang chương trình thạc sĩ và tốt nghiệp sớm, hoặc đổi phòng thí nghiệm và người hướng dẫn.

Nghiên cứu sinh người Brazilquyết định đổi phòng thí nghiệm và cho biết hiện cảm thấy thoải mái hơn nhiều, nhưng vẫn mong có một cách để những người hướng dẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi xúc phạm mà họ gây ra. "Nếu họ không phải đối mặt với hậu quả, điều đó sẽ tiếp tục xảy ra", cô nói.

Vấn đề phổ biến

Bất chấp việc ngày càng có nhiều các cuộc thảo luận về sự bình đẳng và đa dạng trong giới học thuật, tình trạng phân biệt chủng tộc dường như vẫn phổ biến hơn bao giờ hết, Kevin Lala, nhà sinh vật học tiến hóa tại Đại học St Andrew's, Vương quốc Anh, cho biết.

Nhà sinh vật học tiến hóa Kevin Lala.

Lala, người đã nhiều lần thảo luận công khai về vấn đề phân biệt chủng tộc trong giới học thuật, nói rằng những lời nói và hành vi phân biệt chủng tộc ít xảy ra hơn trong phòng thí nghiệm và lớp học hơn so với những nơi khác ở trong trường. “Dù vậy, phân biệt chủng tộc vẫn len lỏi sâu sắc vào các viện nghiên cứu và tổ chức học thuật, đặc biệt là khi tuyển dụng, thăng chức và giữ chân sinh viên."

Theo Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ, năm 2019, các nhóm sắc tộc và chủng tộc thiểu số chiếm chưa đến 10% số bằng tiến sĩ về khoa học, kỹ thuật và y tế ở nước này, mặc dù họ chiếm hơn 30% dân số.

Tương tự, một báo cáo của Hiệp hội Hoàng gia Vương quốc Anh ước tính các học giả da đen chiếm 1,7% số vị trí học thuật trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học ở Vương quốc Anh vào năm 2019, mặc dù họ chiếm 3,5% dân số ở Anh và xứ Wales.

“Trong giáo dục đại học nói chung, tỷ lệ đại diện của người da màu khá gần với tỷ lệ của họ trong dân số. Nhưng khi nhìn vào các trường đại học hàng đầu và các chương trình sau đại học, tỷ lệ đại diện của họ rất thấp”, Lala nói. Ông lưu ý rằng nhiều ủy ban tuyển dụng thiếu thành viên da màu và quảng cáo việc làm không tiếp cận đa dạng ứng viên.

Nguồn: