Mô hình vườm ươm đổi mới sáng tạo trong trường đại học được kỳ vọng sẽ truyền cảm hứng cho sinh viên, tạo điều kiện cho những ý tưởng được nuôi dưỡng và khai phá. Không ở đâu phù hợp với điều đó hơn trường đại học - nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với những nhà khoa học hàng đầu.

Cái khó của Đà Nẵng

Trong chương trình khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng - SURF 2022, bà Ngô Thị Kim Yến - Thành ủy viên, Phó chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp thành phố Đà Nẵng bày tỏ kỳ vọng, thành phố sẽ trở thành là một trong những điểm đến thu hút, liên kết các nguồn lực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tiếp cận với các nguồn lực chuyên gia, các nhà đầu tư, nguồn vốn và công nghệ. Kỳ vọng của người lãnh đạo thành phố cho thấy quyết tâm của Đà Nẵng có thể biến đổi mới sáng tạo trở thành động lực cho sự phát triển của thành phố.

Một gian hàng giới thiệu sản phẩm tại Đà Nẵng - SURF 2022. Ảnh: BTC

Là người từng tham gia xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tại Đà Nẵng và đang hoạt động tại TP.HCM, ông Hồ Quang Dũng – Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp BSSC nhận thấy hệ sinh thái của hai thành phố có nhiều khác biệt. Nếu như ở TP.HCM, các hoạt động pitching, gọi vốn diễn ra liên tục thì ở Đà Nẵng lại rất ít ỏi.

“Tôi muốn đẩy mạnh hơn nữa các cuộc pitching ở Đà Nẵng. Ở TP.HCM, những cuộc gặp gỡ này không phải lúc nào cũng chính thức, đôi khi chỉ là ai đó đứng lên kêu gọi mọi người đi gặp gỡ” – ông Dũng mô tả lại.

Đang dẫn dắt hoạt động tại Song Han Incubator, ông Lý Đình Quân cũng thừa nhận điều đó: “Trong các chương trình vườn ươm, việc tuyển đơn là thách thức lớn nhất. Để có một chương trình ươm tạo thành công thì phải tuyển được đơn, nếu không sẽ thất bại. Bảy năm qua, chúng tôi không tìm ra được tài năng nào ở Đà Nẵng, ít nhất là trong lĩnh vực du lịch, ẩm thức, văn hóa – vốn là thế mạnh của một thành phố trung tâm miền Trung như Đà Nẵng”.

Việc có thể xây dựng các vườn ươm trong trường đại học trở thành “niềm khát khao” của những người như ông Lý Đình Quân. Ông tin rằng: “Những vườn ươm nuôi dưỡng khơi dậy khát khao khởi nghiệp trong mỗi sinh viên và trường đại học là môi trường tốt nhất cho hạt giống nảy mầm. Khi có môi trường tốt thì tài năng sẽ xuất hiện”. Dẫu rằng, hành trình này có thể kéo dài 2-3 năm hoặc hơn thế để một thế hệ tài năng ra đời.

“Quá trình ươm tạo đòi hỏi nhiều chất dinh dưỡng như giá trị văn hóa, hệ sinh thái kết nối đa dạng các nguồn lực, tri thức và đặc biệt phải kết nối với các ngành công nghiệp. Khi các ngành công nghiệp, doanh nghiệp được đưa vào trường đại học sẽ làm cho sinh viên nhìn thấy rõ ràng cơ hội phát triển.” – ông Quân bày tỏ.

Hiểu rõ những cái khó đó, nên không phải ngẫu nhiên, SURF 2022 được lựa chọn tổ chức tại Đại học Đông Á. Theo lãnh đạo Sở KH&CN Đà Nẵng - đơn vị chủ trì sự kiện, giữa nhiều lựa chọn, tư duy sáng tạo không giới hạn của sinh viên là điều được nghĩ đến. Hơn hết, khuôn viên trường đại học cũng là nơi dễ dàng có nhiều founder tiềm năng. Bởi vậy, SURF đã lựa chọn Đại học Đông Á - nơi cũng vừa kịp khánh thành Không gian khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Cũng trong khuôn khổ sự kiện, trường đại học này cùng thành đoàn Đà Nẵng ký kết hợp tác về phát triển phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt là tạo sóng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong thanh niên và sinh viên.

Để tạo sóng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, không chỉ cần các phong trào mà rất cần một mô hình hoạt động bài bản, đã cho thấy hiệu quả. Ở Việt Nam, mô hình vườn ươm trong Khu công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TP.HCM được xem làm một thành công điển hình. Từ đây, nhiều hạt giống đã nảy mầm, đâm chồi ra hoa kết trái. Có thể kể tới như Busmap, AirCity – Quản gia công nghệ,…

Mô hình vườn ươm của trường đại học

Bus Map là dự án được Lê Yên Thanh phát triển khi là sinh viên ngành công nghệ thông tin, trường ĐH Khoa học Tự nhiên. Ban đầu, Busmap phục vụ nhu cầu tra cứu tuyến xe bus chạy trong thành phố và được lãnh đạo thành phố đưa vào sử dụng rộng rãi. Sau khi ra trường, Lê Yên Thanh nhận thấy tiềm năng của sản phẩm này nên tiếp tục phát triển thêm nhiều tính năng khác nhằm hướng tới phục vụ giao thông thông minh trong thanh phố. Giờ đây, Busmap đã trở thành thành viên của Tập đoàn Phenikaa và hỗ trợ tập đoàn phát triển sản phẩm xe tự hành.

Ông Lê Nhật Quang - Phó Giám đốc Khu Công nghệ phần mềm ĐHQG-TP.HCM hào hứng phát biểu tại hội thảo Mô hình vườn ươm đổi mới sáng tạo trong trường đại học tại SURF 2022 rằng: “Busmap chỉ là một trong những hạt giống đã nảy mầm tại vườn ươm đổi mới sáng tạo trong trường đại học”. Tất nhiên để có được sản phẩm thành công như Busmap, Khu Công nghệ phần mềm ĐHQG mà trực tiếp là vườn ươm khởi nghiệp đã làm nhiều việc. Trước hết phải kể đến quan điểm chính xác ngay từ khi bắt tay vào làm.

Không đặt mục tiêu phải có bao nhiêu startup, ông Quang cho biết, lãnh đạo của ĐH Quốc gia TP.HCM xác định rất rõ: “Nhiệm vụ của vườn ươm đổi mới sáng tạo khi đặt trong khu công nghệ phần mềm là thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên. Không thể có chuyện, chúng ta đào tạo 1000 sinh viên thì tất cả đều khởi nghiệp. Mục tiêu quan trọng là thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, tư duy đổi mới sáng tạo, ươm mầm và kết nối”.

Đưa ra sáu bước của hành trình doanh nhân gồm: Truyền cảm hứng; Khám phá; Trải nghiệm; Startup; Mở rộng; Nhà vô địch (IPO), ông Quang cho rằng, vườn ươm khởi nghiệp chỉ nên tập trung làm tốt ba việc đầu tiên. Làm sao để sinh viên được truyền cảm hứng về đổi mới sáng tạo, được thôi thúc và sẵn sàng đưa ra ý tưởng mới, được trải nghiệm, có cái nhìn sâu sắc về khởi nghiệp. Nếu vườn ươm trong trường đại học làm tốt được ba bước này sẽ mang lại lượng startup chất lượng tốt cho hành trình ươm tạo phía sau.

Để làm được việc đó, Khu Công nghệ phần mềm ĐHQG-TP.HCM đã làm những gì? Ông Quang và những người chịu trách nhiệm xây dựng vườn ươm đã đi tham quan nhiều mô hình vườn ươm đổi mới sáng tạo trong trường đại học như ĐH Stanford, ĐH Quốc gia Singapore, ĐH Tsukuba (Nhật Bản) để học hỏi. Là một trong sáu điểm để phát triển khu đô thị sáng tạo phía Đông của TP.HCM, ĐH Quốc gia cùng với Khu công nghệ cao là hai điểm đầu tiên để phát triển cho thành phố Thủ Đức và được hứa hẹn sẽ có nhiều cơ chế riêng. Bởi vậy mô hình của ĐH Quốc gia Singapore đã được học hỏi với hình thái của Block71. Dự án này không chỉ xây dựng một tòa nhà, không gian làm việc chung cho những người có ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp mà còn hình thành những cơ chế để “chắp cánh” những ý tưởng thiết thực, phát triển thành những sản phẩm, doanh nghiệp cụ thể…

Với tư duy “làm sao để sinh viên được nhúng mình vào hệ sinh thái khởi nghiệp”, vườn ươm của ĐH Quốc gia TP.HCM triển khai cùng lúc nhiều chương trình. Để truyền cảm hứng, Startup Open Day, Hành trình doanh nhân, Hỗ trợ câu lạc bộ khởi nghiệp, Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp liên tục được tổ chức. Sinh viên được khuyến khích khởi nghiệp nhờ các chân rết đến từ các câu lạc bộ khởi nghiệp trong bảy trường đại học thành viên. Các doanh nhân được mời đến để chia sẻ cả thành công và thất bại, các hoạt động pitching liên tục được tổ chức để sinh viên trình bày ý tưởng.

Sinh viên cũng được huấn luyện khởi nghiệp trong các bootcamp. Khi có ý tưởng, họ được đưa vào các vườn ươm incubator (vườn ươm doanh nghiệp) và accelerator (chương trình tăng tốc).

“Chúng tôi không vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp của những startup được định giá vài triệu USD. Các bạn sinh viên sẽ được tham quan công ty khởi nghiệp đang ở giai đoạn đầu còn nhiều khó khăn. Họ phải nghe thấy mùi mồ hôi, mùi mì gói, những điều phía sau các startup long lanh thường thấy. Sinh viên phải được hiểu rằng khởi nghiệp rất gian nan, chua chát… để xác định con đường cho mình” – ông Quang nói.

Một trong những điều kiện quan trọng được ông Quang khuyên các trường đại học cần làm khi mở vườn ươm đổi mới sáng tạo là phải làm “nhúng được hệ sinh thái của mình vào các khu công nghiệp”, hoặc phải cần lôi kéo một số doanh nghiệp vào không gian của mình. Theo đó, các doanh nhân sẽ trực tiếp đưa ra bài toán, hướng dẫn sinh viên xây dựng sản phẩm cụ thể chứ không phải điều mông lung.

Nhờ vậy trong thời gian đại dịch, một startup tập hợp các sinh viên ngành công nghệ thông tin, sư phạm, tâm lý, marketing… đã ra đời cùng xây dựng một sản phẩm, đưa lên chợ ứng dụng và mang lại doanh thu lên tới 70 triệu đồng.