Trong số 16 doanh nghiệp được cố vấn, có 4 doanh nghiệp có kết quả vượt bậc về hoàn thiện sản phẩm và phát triển thị trường sau đó - có doanh nghiệp tăng doanh số hơn 300%, có doanh nghiệp mở rộng thị trường hơn ra 15 nước.
Đội ngũ cố vấn (mentor) đóng vai trò vô cùng quan trọng trong từng chặng đường của startup. Bởi vậy, từ những ngày đầu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam, Bộ KH&CN đã chú trọng nâng cao năng lực cho các cá nhân, chuyên gia trong nước để đưa họ trở thành cố vấn, huấn luyện viên khởi nghiệp sáng tạo.
Giờ đây, đội ngũ mentor đang được mở rộng ra quốc tế. Tháng 8/2021, lần đầu tiên Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) đã phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại Giao) tổ chức Chương trình Cố vấn khởi nghiệp toàn cầu -
Global Mentoring program for V-Startups (GMPV).
Chương trình được tổ chức dưới hình thức cố vấn 1-1 với mentor là các chuyên gia người Việt về công nghệ/khởi nghiệp sống Mỹ, Đức, Úc, Anh, Nhật Bản,... Họ hoạt động trên nhiều lĩnh vực như Fintech, Edtech, Agritech, từng cố vấn cho tối thiểu 3 doanh nghiệp hoặc từng khởi nghiệp và vận hành doanh nghiệp trên 5 năm.
Trong khi đó, những doanh nghiệp Việt được cố vấn (Mentee) phải đáp ứng một trong ba tiêu chí: thuộc Top 10 startup TECHFEST các năm; dẫn đầu tại các cuộc thi mà Đề án 844 (Lab2Market, Hack4Growth,,..) là đối tác tổ chức; hoặc đã có sản phẩm khả dụng, đang kiểm chứng thị trường, đang ở vòng gọi vốn Pre-Series A và có định hướng phát triển thị trường quốc tế.
Trong khuôn khổ TECHFEST 2022 ở Bình Dương, chương trình GMPV đã tổ chức buổi tổng kết hoạt động của mình vào ngày 4/12 và báo cáo có hơn 1.600 startup đã tiếp cận Chương trình trong 3 tháng của GMPV mùa đầu (từ tháng 9 đến 11/2021) để tìm hiểu thông tin về các Mentor. Trong số đó, hơn 60 doanh nghiệp bày tỏ nguyện vọng kết nối với các trí thức, chuyên gia, doanh nghiệp kiều bào Việt Nam ở nước ngoài. Cuối cùng, 16 startup được lựa chọn để ghép cặp trực tiếp Mentor-Mentee.
Ông Phạm Dũng Nam, Giám đốc Văn phòng Đề án 844, đơn vị đồng triển khai chương trình GMPV cho biết, theo khảo sát với các doanh nghiệp sau khi ghép cặp cố vấn, có 4 doanh nghiệp đã đạt được kết quả rất xuất sắc sau đó. "Có doanh nghiệp đã tăng doanh số hơn 300%, trong khi có doanh nghiệp lại mở rộng thị trường hơn ra 15 nước," ông Nam nói.
Ngược lại, các trí thức, chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài cũng có cơ hội chuyển giao những kết quả nghiên cứu và know-how trong lĩnh vực mà mình am hiểu thành những mô hình thành công trong nước hoặc quốc tế, từ đó giúp cho thế hệ doanh nhân Việt phát triển mạnh mẽ hơn.
Với những người "mai mối" hỗ trợ khởi nghiệp, đó là động lực để họ tiếp tục phát động chương trình GMPV mùa 2.
"Chúng tôi đã kết nối được với 21 hiệp hội tri thức Việt Nam ở nước ngoài và sẽ kết nối thêm với những hiệp hội khác - chẳng hạn, trong năm vừa rồi đã có 5-6 hội tri thức tập trung vào đổi mới sáng tạo được thành lập - từ đó tập hợp nguồn lực và làm [công tác tổ chức] một cách bài bản để xác định nhu cầu đôi bên và kết nối tạo ra các giá trị," ông Nam nói.