Nghiên cứu mới của Trung Quốc cho thấy các hạt vi nhựa tham gia vào quá trình hình thành mây và cũng chịu tác động từ mây.

Từ đáy biển cho tới tuyết trên đỉnh núi cao, thậm chí là trong bầu không khí lơ lửng trên thành phố, các hạt vi nhựa đang xuất hiện ngày càng nhiều. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Sơn Đông và Phúc Đán đã phân tích các hạt vi nhựa trong mây núi và chỉ ra rằng những hạt siêu nhỏ này có thể có vai trò trong quá trình hình thành mây, và từ đó tác động đến thời tiết.

Các hạt vi nhựa – những mảnh nhựa nhỏ hơn 5mm – có nguồn gốc từ vô số vật dụng mà chúng ta sử dụng hằng ngày: quần áo, bao bì đóng gói và lốp xe. Khi lĩnh vực nghiên cứu vi nhựa phát triển, các nhà khoa học không chỉ phát hiện hạt vi nhựa trong khí quyển, mà còn tìm hiểu vai trò của chúng trong quá trình phát triển các đám mây.

Chẳng hạn, một nhóm nhà nghiên cứu mới đây đã phát hiện các hạt nhựa có bề mặt hút nước trong các đám mây trên đỉnh núi ở Nhật Bản. Vì thế, để tìm hiểu thêm, Yan Wang và các đồng nghiệp bắt đầu tìm kiếm hạt vi nhựa trong mây núi, và sử dụng các mô hình máy tính để tìm hiểu hạt vi nhựa tới đây bằng cách nào, chúng có thể gây ra tác động như thế nào đến mây, cũng như chúng bị mây tác động ra sao.

Ban đầu, Wang và nhóm nghiên cứu thu thập 28 mẫu chất lỏng từ các đám mây trên đỉnh núi Thái Sơn ở phía đông Trung Quốc. Sau đó, họ phân tích các mẫu và phát hiện:

- Các đám mây ở nơi thấp hơn và những đám mây dày hơn chứa nhiều hạt vi nhựa hơn.

- Các hạt vi nhựa được làm từ các polymer thông thường, gồm polyetylen terephthalate, polypropylen, polyetylen, polystyren và polyamit.

- Các hạt vi nhựa thường có chiều dài dưới 100 micromet, mặc dù một số hạt có chiều dài tới 1.500 micromet.

- Những hạt cứng hơn, cũ hơn có nhiều chì, thủy ngân và oxy gắn trên bề mặt hơn, các nhà nghiên cứu cho rằng điều này có thể tạo điều kiện hình thành mây.

Để điều tra nguồn gốc của hạt nhựa trong mây, Wang và nhóm nghiên cứu đã phát triển mô hình máy tính mô phỏng cách các hạt di chuyển đến núi Thái Sơn. Kết quả gợi ý rằng luồng khí thổi từ những vùng đông dân trong đất liền là nguồn chính, chứ không phải các luồng khí thổi từ đại dương vào hay thổi đến từ các ngọn núi xung quanh.

Trong các thử nghiệm ở phòng phí nghiệm, nhóm nghiên cứu chứng minh hạt vi nhựa tiếp xúc với những điều kiện giống như đám mây – tia cực tím và nước lấy từ đám mây – có kích cỡ nhỏ hơn và bề mặt cứng hơn so với khi tiếp xúc với nước tinh khiết hay không khí.

Ngoài ra, các hạt chịu tác động của các điều kiện như đám mây có nhiều chì, thủy ngân và những nhóm chứa oxy hơn. Những kết quả này chi ra rằng mây biến đổi hạt vi nhựa theo những cách có thể khiến cho hạt vi nhựa ảnh hưởng tới quá trình hình thành mây và số phận của các kim loại trong không khí.

Các nhà nghiên cứu đề xuất cần tiến hành thêm nhiều công trình hơn nữa để tìm hiểu đầy đủ ảnh hưởng của hạt vi nhựa tới mây và thời tiết.

Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Environmental Science & Technology Letters thuộc Hiệp hội Hóa học Hoa Kỳ.

Nguồn: