Nghiên cứu được thực hiện tại Yên Bái và Thanh Hoá. Ở những khu vực này, thói quen ăn cá sống hoặc cá nấu chưa chín và rau sống rất phổ biến và phần lớn nguồn cung cấp cá là câu trong hồ hoặc sông hồ tự nhiên.

Chuyên gia Bỉ đào tạo kỹ thuật cho cán bộ y tế địa phương. Ảnh: VAST
Chuyên gia Bỉ đào tạo kỹ thuật cho cán bộ y tế địa phương. Ảnh: VAST

Ở Việt Nam, tỷ lệ nhiễm sán lá ở người tương đối cao và đã được ghi nhận trước đây ở các tỉnh phía Bắc. Với mong muốn kiểm soát phần nào căn bệnh này, quỹ ARES (Bỉ) đã tài trợ TS. Bùi Thị Dung và các cộng sự thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) tiến hành đề tài “Nghiên cứu bệnh sán lá lây truyền cho người và động vật qua thức ăn và kiểm soát tổng hợp ở Việt Nam”.

Theo thông tin từ Trung tâm Thông tin - Tư liệu (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), dự án thực hiện từ năm 2017 đến năm 2023 tại 2 tỉnh Yên Bái và Thanh Hóa. Ở những khu vực này, thói quen ăn cá sống hoặc cá nấu chưa chín và rau sống rất phổ biến và phần lớn nguồn cung cấp cá là câu trong hồ hoặc sông hồ tự nhiên.

Kết quả điều tra của dự án cho thấy: tỷ lệ nhiễm sán lá gan nhỏ ở người của cả 2 tỉnh là 40,2%, sán lá gan lớn 5,64%, sán lá ruột 15,9%. Tỷ lệ nhiễm sán lá ở nam cao hơn nữ, và phổ biến ở độ tuổi từ 31-50 tuổi. Tỷ lệ nhiễm sán lá gan nhỏ và sán lá ruột ở chó, mèo lần lượt là 19,6% và 47,1% ở Yên Bái, và 10,4% 11,8% ở Thanh Hóa. Tỷ lệ nhiễm sán lá gan lớn ở cả hai tỉnh là 19,4%. Loài cá nhiễm ấu trùng sán lá gan nhỏ gồm cá tép dầu, cá mương, cá thiểu. Loài ốc đóng vai trò vật chủ trung gian của sán lá gan nhỏ là Parrafosarulus striatulus. Loài ốc đóng vai trò vật chủ trung gian của sán lá gan lớn là Austropeplea viridis.

Tuy nhiên, vì bệnh gây ra do giun sán nói chung và sán lá nói riêng không gây chết người nhanh như bệnh gây ra do virus hay những bệnh truyền nhiễm khác nên rất ít được các cơ quan ban ngành, các nhà hoạch định chính sách quan tâm. Tuy vậy, bệnh sán lá gây hại tới sức khỏe con người một cách âm ỉ và tồn tại lâu trong cơ thể người. Do đó, việc truyền thông liên tục và lâu dài thực sự cần thiết. Các nhà khoa học đã tiến hành những hoạt động song hành như nâng cao nhận thức và nâng cao năng lực. Chiến dịch nâng cao nhận thức đã được tổ chức cho người dân địa phương và xây dựng năng lực cho các nhà nghiên cứu và nhân viên y tế ở cấp tỉnh, huyện và xã.