Nghiên cứu này cung cấp căn cứ để có thể đánh giá cơ sở thức ăn cho nguồn lợi thủy sản vùng thềm lục địa miền Trung Việt Nam.
Sinh vật phù du đóng vai trò rất quan trọng trong bất cứ nghiên cứu ở thủy vực nào trên thế giới. Tuy nhiên, hiện nay các nghiên cứu trên vùng thềm lục địa, đặc biệt là dải thềm lục địa hẹp Nam Trung bộ, có liên quan đến sinh vật phù du, vẫn còn hạn chế. Điều này một phần là do nghiên cứu về tác động của các quá trình hải dương học đến sinh vật phù du trong vùng thềm lục địa là một lĩnh vực rộng và phức tạp do sự đa dạng của các quá trình hải dương học và tác động khác nhau ở những vùng địa lý khác nhau trong vùng thềm lục địa rộng lớn ở các đại dương.
Với mục tiêu làm sáng tỏ các tác động khác nhau của các quá trình hải dương đến cấu trúc và đặc trưng quần xã của sinh vật phù du trong vùng thềm lục địa Nam Trung Bộ, làm cơ sở khoa học cho việc đánh giá nguồn lợi thủy sản, GS.TS. Đoàn Như Hải và nhóm nghiên cứu Viện Hải dương học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã tiến hành đề tài “Tác động của các quá trình hải dương đến quần xã SVPD vùng thềm lục địa Nam Trung bộ Việt Nam”.
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học tập trung quan tâm đến tác động cơ bản của nước trồi tại vùng sườn lục địa và những hiệu ứng khác đến từ các tác động vật lý và thủy văn khác nhau đến biến động của quần xã sinh vật phù du.
Theo thông tin từ Trung tâm Thông tin - Tư liệu (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), kết quả nghiên cứu cho thấy, các phân tích thực địa và số liệu dài hạn đã cung cấp minh chứng về sự hình thành phông sườn lục địa (shelf-break front) trên mép thềm lục địa hẹp Nam Trung Bộ do các yếu tố vật lý hải dương tạo nên. Phông này rõ ở phía bắc mũi Varella (mũi Đại Lãnh) và có sự tác động của dòng chảy trên thềm lục địa tương tác với khối nước ngoài khơi (dòng biên Biển Đông).
Đối với quần xã sinh vật phù du, sự thay đổi về thành phần và độ phong phú thể hiện rất rõ ảnh hưởng của vùng ven bờ và mép thềm lục địa do các chất dinh dưỡng. Cấu trúc quần xã sinh vật phù du chịu ảnh hưởng từ phông sườn lục địa và từ vùng ven bờ. Cụ thể, ảnh hưởng từ ven bờ là do hàm lượng dinh dưỡng từ đất liền, ảnh hưởng ở ngoài mép thềm là do nước trồi tại mép thềm lục địa (phông sườn lục địa).
Qua quá trình mô hình hóa chế độ dòng chảy, các nhà khoa học đã chỉ ra hiện diện một cặp xoáy nghịch (gần bờ) và xoáy thuận (xa bờ) tương đối ổn định ở phía bắc mũi Varella. Ở phía nam Varella, có hình thành một xoáy thuận có biên sát bờ và có thể mở rộng hơn ra ngoài khơi. Các kết quả mô hình phù hợp với các kết quả đo dòng chảy thực tế với hướng dòng chảy ở mặt cắt 1 có ngược so với 2 mặt cắt còn lại nằm ở phía ngoài mũi Varella.
Kết quả trên là căn cứ để các nhà khoa học trong tương lai có thể đánh giá cơ sở thức ăn cho nguồn lợi thủy sản vùng thềm lục địa miền Trung Việt Nam, cũng như tiến hành các nghiên cứu về hải dương học, sinh học hải dương, và biến đổi khí hậu.
Theo GS Đoàn Như Hải, đề tài đã gợi mở một hướng nghiên cứu mới liên kết tác động của các quá trình vật lý hải dương đến sinh vật phù du - nhóm sinh vật sản xuất quan trọng trong vùng thềm lục địa hẹp - ở Nam Trung Bộ. Kết quả đạt được của đề tài sẽ là cơ sở để có thể phát triển thành một dự án có sự phối hợp giữa các ngành khoa học biển và cũng là cơ hội phát triển hợp tác quốc tế trong lĩnh vực sinh học - hải dương học trong giai đoạn tiếp theo.