Các hoạt động của con người như mở rộng đất trồng trọt hoặc định cư đã gây ra mối đe dọa trên quy mô lớn đối với đa dạng sinh học ở châu Á, đặc biệt là ở Đông Nam Á. Trong đó Malaysia, Campuchia và Việt Nam phải đối mặt với mức độ đe dọa lớn nhất.

Hai chú voọc chà vá chân nâu tại khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Đây là loài linh trưởng đang bị đe dọa. Ảnh: GreenViet
Hai chú voọc chà vá chân nâu tại khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, TP Đà Nẵng. Đây là loài linh trưởng đang bị đe dọa. Ảnh: GreenViet

Đa dạng sinh học là yếu tố cực kỳ cần thiết để duy trì an ninh lương thực, sinh kế, sức khỏe hệ sinh thái và phát triển kinh tế cũng như ngăn ngừa dịch bệnh trong tương lai. Châu Á, chiếm gần 60% dân số thế giới, là khu vực ưu tiên bảo tồn đa dạng sinh học khẩn cấp do có số lượng lớn các loài bị đe dọa, đồng thời nhiều quốc gia trong khu vực đang phải đối mặt với các mối đe dọa sinh thái và đa dạng sinh học.

Hình ảnh quan sát từ vệ tinh đã chỉ ra rằng các hoạt động của con người (mở rộng đất trồng trọt hoặc định cư) ở châu Á đã gia tăng nhanh chóng từ thế kỷ 21 và đang tiếp tục tiến đến các vùng đồi núi. Có thể thấy những hoạt động này đã gây ảnh hưởng tiêu cực và chia cắt môi trường sống trên diện rộng, từ đó đe dọa đa dạng sinh học.

Do đó, các nhà khoa học cần đánh giá toàn diện về mức độ đe dọa do hoạt động mở rộng diện tích sống của con người đối với đa dạng sinh học, đặc biệt là sự khác biệt trong quá trình mở rộng giữa vùng đồng bằng và vùng cao. Điều này có thể cung cấp nền tảng và kiến thức mới cho hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững. Tuy nhiên, thật không may, cho đến nay hầu như chưa có nhiều thông tin về các mối đe dọa từ sự mở rộng hoạt động của con người ở vùng đồng bằng và vùng cao đến đa dạng sinh học.

Để tìm lời giải, nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Thâm Quyến - gồm Chao Yang, Qingquan Li và các đồng nghiệp - đã đề xuất một chỉ số mới, có tên chỉ số mức độ đe dọa (chủ yếu tích hợp bản đồ mật độ mở rộng, diện tích mở rộng và số lượng các loài bị đe dọa liên quan đến các hoạt động mở rộng của con người). Chỉ số này giúp tìm hiểu mức độ đe dọa và sự khác biệt giữa các cảnh quan khác nhau ở quy mô lục địa (Châu Á), quốc gia (48 quốc gia Châu Á) và điểm nóng (6.502 khu bảo tồn trên cạn ở Châu Á đi vào hoạt động trước năm 2000).

Kết quả của họ cho thấy sự mở rộng diện tích sống của con người gây ra mối đe dọa trên quy mô lớn đối với đa dạng sinh học ở châu Á, đặc biệt là ở Đông Nam Á, trong đó Malaysia, Campuchia và Việt Nam có mức độ đe dọa lớn nhất (gấp khoảng 1,5 – 1,7 lần mức trung bình của châu Á). Sự mở rộng của con người ở vùng cao gây ra mối đe dọa lớn hơn đối với đa dạng sinh học so với vùng đồng bằng ở 1/3 các nước châu Á (hầu hết các nước Đông Nam Á). Hơn nữa, sự mở rộng của con người ở vùng cao có nhiều khả năng gây ra mối đe dọa cho đa dạng sinh học hơn.

Khoảng 75% khu bảo tồn trên cạn (tương đương 4.866 khu bảo tồn ở 26 quốc gia) có chứa những khu vực đang đối diện với nguy cơ giảm thiểu đa dạng sinh học. Sự mở rộng quy mô hoạt động của con người tại khu bảo tồn gây ra mức độ đe dọa đa dạng sinh học cao hơn so với các khu vực không thuộc khu bảo tồn.

Phát hiện của các nhà khoa học đã hé lộ một sự thật rằng việc mở rộng hoạt động sống của con người ở các quốc gia và khu bảo tồn Đông Nam Á có thể cản trở nỗ lực hiện thực hóa SDG-15 (Mục tiêu Phát triển Bền vững số 15: Bảo vệ, khôi phục và thúc đẩy sử dụng bền vững các hệ sinh thái trên cạn, quản lý rừng bền vững, chống sa mạc hóa, ngăn chặn và đảo ngược suy thoái đất và ngăn chặn mất đa dạng sinh học). Để giảm thiểu mức độ đe dọa, các tác giả kêu gọi tất cả các quốc gia nên tăng cường quy định về đa dạng sinh học.

Các nước đang phát triển ở châu Á - đặc biệt là các nước Đông Nam Á - cần giảm bớt quá trình phát triển thiếu bền vững ở vùng cao. Các nước phát triển trên thế giới nên giảm nhu cầu buôn bán động vật hoang dã từ các nước Đông Nam Á để giảm bớt mức độ hoạt động của con người ở các khu bảo tồn và vùng cao.

Những phát hiện này được công bố trên tạp chí Research.