Một mô hình tập huấn do các nhà khoa học tại Việt Nam và Úc cùng nhau phát triển sẽ giúp người dân tại các vùng nông thôn, khu công nghiệp có thể phát huy tối đa tiềm năng của trẻ xuyên suốt giai đoạn 1.000 ngày đầu tiên trong cuộc đời.

Các thành viên trong câu lạc bộ thực hành kỹ năng chăm sóc trẻ.
Các thành viên trong câu lạc bộ thực hành kỹ năng chăm sóc trẻ.

Từ cuối năm ngoái, các công nhân tại khu công nghiệp Quang Minh, Thăng Long, Nội Bài, Phú Nghĩa (Hà Nội) hào hứng đăng ký học các khóa chăm sóc trẻ trực tuyến. Các bài học được thiết kế hấp dẫn thông qua video clip và tranh infographic, cùng các đoạn thông điệp ngắn gọn. Trong hai tuần đầu tiên, đã có 260 công nhân đăng ký học. Một điều bất ngờ khác, đó là dù bận rộn trước bộn bề công việc, chỉ sau ba ngày, đã có 25 công nhân hoàn thành khóa học và chia sẻ tích cực về kết quả thu được. 1

Sự hào hứng của các công nhân không chỉ đến từ nội dung thú vị của của khóa học, mà còn vì ý nghĩa mà nó mang lại. Khóa học là một sự khơi gợi lẫn thôi thúc người học về một sự thay đổi - làm thế nào để trở thành người cha, người mẹ tích cực?

1.000 ngày vàng


Trong suốt thời thơ ấu, đâu là thời điểm quan trọng nhất để chuẩn bị cho sự phát triển của trẻ? Liệu có phải là thời điểm trẻ chập chững đi mẫu giáo? Hay ngày mà trẻ bập bẹ những từ đầu tiên? Theo nhiều nghiên cứu, 1.000 ngày đầu đời - từ lúc thụ thai cho đến khi trẻ hai tuổi (24 tháng) - đóng vai trò quan trọng quyết định sự phát triển lâu dài của trẻ. Đây là thời điểm não bộ, cơ thể và hệ thống miễn dịch của trẻ tăng trưởng và phát triển vượt bậc. Cách bộ não thích nghi với môi trường sẽ góp phần hình thành nên con người của trẻ về sau.

Ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, ước tính hằng năm có hơn 250 triệu trẻ nhỏ không được phát triển tối đa tiềm năng của mình. Đáng chú ý, khoảng 149 triệu trẻ dưới 5 tuổi bị còi cọc phát triển do suy dinh dưỡng mãn tính trong 1.000 ngày đầu tiên. Đây không chỉ là những con số mang tính thống kê. Chúng đại diện cho cuộc sống của trẻ em ở mọi nơi trên thế giới.

Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học tại Đại học Monash (Úc) và Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) phát hiện rằng “phụ nữ mang thai ở nông thôn Việt Nam thường bị suy dinh dưỡng năng lượng, nguồn thực phẩm dung nạp không đảm bảo về cả chất và lượng, chỉ số khối cơ thể BMI thấp <18,5, 80% bị thiếu iốt, 17% thiếu máu do thiếu sắt, 1/3 có nguy cơ trầm cảm lo âu trong quá trình mang thai và sau sinh, và 19% bị bạo lực gia đình”, nhóm cho biết. Trong bối cảnh đó, trẻ em ít nhận được sự chăm sóc đáp ứng từ người chăm sóc, tỷ lệ dinh dưỡng thấp còi cao, chỉ số phát triển trẻ thấp.

Đây là điều rất nguy hiểm, bởi khi người mẹ mang thai, sức khỏe, dinh dưỡng và tâm lý của mẹ có thể ảnh hưởng đến tương lai của em bé. Sau khi em bé được sinh ra, chế độ ăn uống (dinh dưỡng) phù hợp suốt thời thơ ấu sẽ giúp khả năng học tập, khả năng thể chất và cảm xúc của bé phát triển đúng cách.

Với mong muốn giảm nhẹ những tác động trên và tạo môi trường tích cực, giúp mẹ khỏe và giúp trẻ phát triển tối đa tiềm năng, các nhà khoa học tại Đại học Monash (Úc) và Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) đã xây dựng mô hình “Hành trình Đầu đời” (Early Journey of Life - EJOL), là mô hình đào tạo kỹ năng làm cha mẹ tích cực, tập trung vào giai đoạn 1000 ngày đầu đời của trẻ, thông qua tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng và tạo nhóm cộng đồng thúc đẩy thay đổi hành vi.

Dự án do GS. Jane Fisher, khoa Y tế Công cộng và Y tế Dự phòng, Đại học Monash, dẫn đầu. Liệu rằng một giáo sư người Úc có hiểu về tình hình Việt Nam để đưa ra mô hình phù hợp hay không, nhất là khi bối cảnh phát triển giữa hai nước có độ chênh đáng kể? Thực chất GS. Fisher không đơn độc tiến hành nghiên cứu, bà đã hợp tác với BS. TS Trần Tuấn (bác sĩ dịch tễ học tại Đại học Y Hà Nội), BS. ThS. Vũ Thị Thúy Lan (nguyên trưởng khoa hô hấp nhi bệnh viên Xanh Pôn, Hà Nội), ThS. Trần Thị Thu Hà (Giám đốc Trung tâm RTCCD) và các nhà khoa học khác.

Trong chương trình Hành Trình Đầu Đời, BS. Trần Tuấn đã tư vấn chiến lược xây dựng nội dung giúp giảm thiểu ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường đến sự phát triển của trẻ và tăng cường hiểu biết của cha mẹ về tiêm chủng trong quá trình mang thai và nuôi con. Trong khi đó, BS. Vũ Thị Thuý Lan tập trung nhiều vào khám lâm sàng kết hợp với hỏi bệnh và tư vấn kỹ, khám phát triển toàn diện trẻ 0-5 tuổi theo mô hình các nước phát triển.

Sự phối hợp giữa các chuyên gia Việt Nam và quốc tế đã cho ra đời bộ tài liệu đào tạo bao gồm 3 cuốn sách gia đình và 5 cuốn sổ tay cho cán bộ điều hành, cùng với 45 video clip và 30 áp - phích được phát triển trên cơ sở các bằng chứng hiện có và được nhóm chuyên gia của Bộ Y tế phê duyệt.

Câu lạc bộ Học tập

Nhằm đưa bộ tài liệu đến gần hơn với phụ nữ ở nông thôn, năm 2018, các nhà khoa học đã thiết kế chương trình Câu lạc bộ Học tập và lựa chọn 1253 phụ nữ mang thai dưới 20 tuần tại 84 xã của tỉnh Hà Nam để tham gia Câu lạc bộ Học tập đầu tiên trên thế giới.

“Ý tưởng mô hình Câu lạc bộ bắt nguồn từ những dự án đã triển khai trước đó tại Hà Nam – nơi chăm sóc trong giai đoạn đầu đời vẫn còn nhiều hạn chế như các cha mẹ còn thiếu kỹ năng chăm sóc trẻ, lạm dụng thuốc kháng sinh, mổ đẻ, tỷ lệ bú mẹ còn thấp, thiếu chăm sóc tâm lý cho phụ nữ trước và sau sinh”, Th.S Trần Thị Thu Hà chia sẻ trong buổi giới thiệu ý tưởng khi mô hình bắt đầu được triển khai. 2

Nhóm nghiên cứu đã phân chia ngẫu nhiên một nửa số xã chỉ được tiếp nhận dịch vụ chăm sóc sức khỏe thông thường và nửa còn lại được tham gia Câu lạc bộ Học tập. Phụ nữ sống trong các xã tham gia Câu lạc bộ Học tập được học cách giảm thiểu tám rủi ro chính đối với sự phát triển của trẻ: hội chứng thai chậm phát triển, suy dinh dưỡng thấp còi, thiếu máu do thiếu sắt, thiếu iot, chăm sóc thiếu chú ý đến phản hồi của trẻ, không đủ kích thích nhận thức, các vấn đề về sức khỏe tâm thần của người mẹ và bạo lực gia đình.

Các thành viên của hội phụ nữ xã, cán bộ y tế xã và giáo viên mầm non sẽ điều phối các buổi học của câu lạc bộ. Mỗi câu lạc bộ sinh hoạt 19 bài tại trạm y tế và một buổi thăm hộ gia đình trong vòng bảy ngày sau sinh, để thăm khám trẻ và mẹ, hướng dẫn thực hành, tư vấn các vấn đề cha mẹ đang bối rối khi chăm sóc bé sơ sinh.

Các buổi sinh hoạt của chương trình sẽ do các cán bộ điều hành đã được đào tạo tổ chức. Trong mỗi buổi sinh hoạt, diễn ra trong 60 – 90 phút, gia đình được mời xem các video clip với các hướng dẫn thực hành theo bước. Sau đó, gia đình thực hành luôn các kỹ năng đã xem trên búp bê, hoặc đóng vai, hoặc làm trực tiếp với trẻ. Sau đó, cha mẹ ông bà tham gia thảo luận về sự khác biệt giữa thực hành trước đây và thực hành theo khuyến cáo khoa học và cam kết thay đổi. Các thông điệp khuyến khích thay đổi hành vi được thiết kế dưới dạng hình ảnh áp-phích được chiếu trên màn hình ở câu lạc bộ để gia đình ghi nhớ. Chương trình không chỉ tập trung vào người mẹ, mà người cha cũng sẽ được tập huấn cách chăm sóc vợ con, làm việc nhà và tránh các hành vi bạo lực.

“Sau khi tham gia câu lạc bộ cùng vợ, em đã bố trí được nhiều thời gian giúp vợ trong việc nhà hơn. Những lúc con quấy em chơi với con, trông con hay bế con quấy khóc vào ban đêm để vợ em có thời gian ngủ đủ giấc”, anh Tâm (xã Thanh Phong, tỉnh Hà Nam), người tham gia sinh hoạt câu lạc bộ cùng vợ từ những ngày đầu, chia sẻ.

Chương trình diễn ra từ giữa thai kỳ đến 12 tháng sau khi sinh. Các nhà khoa học sẽ tiến hành kiểm tra sự phát triển về nhận thức, xã hội, vận động và ngôn ngữ của trẻ em ở cả hai nhóm sau khi trẻ được 2 tuổi. Kết quả cho thấy chương trình mang lại những lợi ích rõ ràng đối với sự phát triển của trẻ trong nhóm xã có cha mẹ tham gia Câu lạc bộ, mặc dù không có sự khác biệt về chiều cao và cân nặng giữa trẻ trong hai nhóm xã trong nghiên cứu.

Đáng chú ý, nhiều bậc cha mẹ tham gia Câu lạc bộ Học tập đã biết cách sử dụng đồ chơi tự chế phù hợp với lứa tuổi để kích thích nhận thức và sự khám phá của trẻ. Họ phản ứng nhanh hơn với các tín hiệu của con cái và có thể tương tác với con theo những cách thú vị. Nhiều bậc cha mẹ đã xây dựng được các thói quen thường nhật tích hợp, kết hợp các tương tác xã hội lành mạnh.

Nhờ đó, trẻ 2 tuổi trong nhóm có cha mẹ tham gia Câu lạc bộ có điểm nhận thức Bayley-III trung bình cao hơn đáng kể so với trẻ trong nhóm đối chứng (Công cụ Bayley–III đánh giá sự phát triển của trẻ dưới 1 tuổi và trẻ từ 1 đến 3 tuổi thông qua năm phần: Nhận thức, Ngôn ngữ, Vận động, Cảm xúc xã hội và thích ứng). Những khác biệt này giữa hai nhóm thử nghiệm thể hiện rõ ràng hơn khi trẻ được một tuổi. Và ngay cả khi chương trình đã kết thúc, sự khác biệt trong việc chăm sóc trẻ và không khí thoải mái trong gia đình vẫn được duy trì và tăng lên khi trẻ lên hai.

Cơ hội triển khai trên quy mô lớn

Từ thành công của thử nghiệm, mô hình giáo dục kỹ năng làm cha mẹ tích cực Hành trình Đầu đời đã được giới thiệu thí điểm tới năm nhà máy trên địa bàn Hà Nội. Các công nhân tại nhà máy đa phần là lao động di cư từ nông thôn ra thành thị và còn trẻ, trong độ tuổi sinh đẻ, nuôi con nhỏ, có nhiều khó khăn về nhà ở, nhà trẻ mẫu giáo gửi con và còn thiếu kiến thức, kỹ năng về chăm sóc sức khỏe và sức khỏe sinh sản cho bản thân và gia đình, đặc biệt là kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ.

Để tiện cho những người không có thời gian đến lớp học, các nhà nghiên cứu đã phát triển chương trình học trực tuyến Hành trình đầu đời bao gồm bốn khóa học online dành cho cha mẹ và hoàn toàn miễn phí.

Trong một số trường hợp, cha mẹ có thể kết hợp học online kết hợp tham gia ba buổi sinh hoạt trực tiếp tại câu lạc bộ để thực hành nội dung chuẩn bị cho cuộc đẻ (thở), chăm sóc sơ sinh (tắm bé, thay tã bỉm, vệ sinh, mát-xa), cách chơi để kích thích phát triển trẻ, kỹ năng sơ cấp cứu trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

GS. Fisher tiết lộ một trong những điểm đáng chú ý của Câu lạc bộ Học tập đó là giúp thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ và giảm bạo lực trên cơ sở giới. “Ở hầu hết các gia đình có thu nhập thấp và trung bình, quan niệm truyền thống cho rằng mang thai và sinh nở là thiên chức của phụ nữ và nam giới không thể chăm sóc con nhỏ,” bà phân tích. Các buổi học đã tăng cường sự tham gia của người đàn ông vào các công việc gia đình và chăm sóc trẻ sơ sinh.

Sự thay đổi này vô cùng quan trọng, bởi tám rủi ro chính đối với sự phát triển của trẻ nhỏ “ngày càng phổ biến trên toàn cầu, nhưng phụ nữ mang thai ở các nước có thu nhập thấp và trung bình vẫn bị suy dinh dưỡng, nghèo đói, bạo lực giới, mắc phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần và không được tiếp cận đầy đủ với dịch vụ chăm sóc sức khỏe xã hội, với tỷ lệ cao hơn so với phụ nữ ở các nước có thu nhập cao,” bà nhận định. Những điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ về lâu dài.

Không chỉ Việt Nam, chương trình hứa hẹn có thể được triển khai ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình khác để cải thiện sự phát triển của trẻ nhỏ và giúp chúng có cuộc sống tốt hơn. Chương trình thậm chí cũng có thể hỗ trợ các gia đình khó khăn ở các quốc gia có thu nhập cao như Úc.

Chú thích
[1] https://rtccd.org.vn/gioi-thieu-mo-hinh-hoc-truc-tuyen-hanh-trinh-dau-doi-toi-cong-nhan-khu-cong-nghiep-tai-ha-noi/
[2] https://rtccd.org.vn/hoi-thao-trien-khai-chuong-trinh-can-thiep-cau-lac-bo-1000-ngay-dau-doi/