Các nhà nghiên cứu tại Đại học Khoa học và Công nghệ King Abdullah (KAUST) ở Ả Rập Xê Út đã phá kỷ lục về hiệu suất của loại pin Mặt trời silic-perovskite, lần đầu tiên đạt mức 33,2% vào tháng 4/2023.

Pin mặt trời song song perovskite/silicon. Ảnh: Johannes Beckedahl/Lea Zimmerman/HZB
Pin mặt trời song song perovskite/silicon. Ảnh: Johannes Beckedahl/Lea Zimmerman/HZB

Kỷ lục trước đó thuộc về các nhà các nhà khoa học tại trung tâm nghiên cứu Helmholtz Zentrum Berlin (HZB)ở Đức với mức hiệu suất 32,5%.

Pin Mặt trời silic từ lâu đã thống trị ngành công nghiệp sản xuất pin năng lượng Mặt trời nhờ sự kết hợp giữa tính hiệu quả, độ bền, chi phí thấp và dễ sản xuất. Nhiều thập kỷ tiến bộ công nghệ đã liên tục làm tăng hiệu suất của loại pin Mặt trời này, đạt đến gần giới hạn lý thuyết của vật liệu là 29,4%. Do đó, pin Mặt trời silic không còn nhiều chỗ cho sự phát triển.

Pin Mặt trời perovskite nhanh chóng nổi lên như một giải pháp mới, nhưng không thể thay thế hoàn toàn pin Mặt trời silic.

Hai vật liệu silic và perovskite hấp thụ các bước sóng ánh sáng khác nhau – silic vượt trội hơn ở dải ánh sáng đỏ và hồng ngoại, trong khi perovskite hấp thụ tốt phần màu xanh lá cây và xanh lam của quang phổ. Do đó, pin Mặt trời kết hợp cả hai loại vật liệu silic-perovskite đạt hiệu suất chuyển đổi cao hơn so với loại pin chỉ dùng một loại vật liệu.