Những nỗ lực số hóaChỉ vài năm trước đây thôi, nếu muốn thưởng lãm một bức tranh hay tìm hiểu về một tác phẩm trong kho lưu trữ nào đó, người quan tâm không có cách nào khác là phải đến tận nơi để tìm kiếm. Nhưng những đổi mới gần đây liên quan đến việc số hóa, từ các tác phẩm, hiện vật trong bảo tàng đến các tư liệu tại các viện nghiên cứu, đã giúp cho những sản phẩm văn hóa này ngày càng dễ dàng được tiếp cận hơn đối với công chúng.
Viện Bảo tồn Di tích là một trong những đơn vị đã có những nỗ lực như vậy. Theo TS. Chu Thu Hường (Viện Bảo tồn Di tích), ngay từ những thời kỳ đầu, viện đã rất quan tâm đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu và đã có một kho tư liệu rất đồ sộ về di tích với trên 3.000 hồ sơ tài liệu, trong đó có rất nhiều bản vẽ được thực hiện trên giấy dó và các bản rập. Nguồn tài liệu này gần đây đã được viện triển khai số hóa, tập trung vào hai hướng chính: số hóa thông tin về di tích (bao gồm các lớp tài liệu) và xây dựng hồ sơ 3D về di tích. “Một di tích có rất nhiều tài liệu trải qua nhiều giai đoạn khác nhau dưới dạng hồ sơ khoa học, các đề tài nghiên cứu hoặc các dự án trùng tu. Ngoài ra, viện cũng hướng tới việc xây dựng số hóa các quy trình trong tu bổ di tích và thông qua các phim tư liệu về các quy trình lắp dựng bộ khung gỗ, hoặc quy trình lợp mái và các thành phần trang trí. Thông qua những thước phim được xây dựng và số hóa như vậy, tất cả mọi người có thể chứng kiến tận mắt và tìm hiểu về quy trình xây dựng - điều sẽ đóng góp rất nhiều cho công việc tu bổ di tích hiện nay”, TS. Chu Thu Hường cho biết tại Hội thảo: “Định hướng phát triển cơ sở dữ liệu ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức vào đầu tháng 10.
Không chỉ vậy, từ năm 2010, thông qua công tác số hóa di tích, viện đã xây dựng được một ngân hàng dữ liệu số về di tích với số lượng lớn các di tích trong cả nước, giúp người dùng tìm kiếm di tích ở nhiều cấp độ và phương thức tìm kiếm khác nhau. “Khi ngân hàng dữ liệu này hoạt động, chúng tôi nhận được những phản hồi tích cực từ nhiều chuyên gia nghiên cứu cũng như đội ngũ thợ nghề, đội ngũ thi công - những người không có điều kiện để tiếp cận với các di tích ở một số lượng lớn cũng như có tính hệ thống như vậy”, TS. Chu Thu Hường cho biết. Thông qua ngân hàng dữ liệu này, người dùng dù ngồi đâu cũng có thể tìm hiểu về di tích, biết được vị trí của di tích cũng như các lớp thông tin chứa đựng trong mỗi tệp file, chẳng hạn các cụm di tích, tài liệu và bản đồ. Hiện nay, Viện Bảo tồn Di tích cũng đã hướng tới việc xây dựng một phương pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản nhờ công nghệ 3D, AI và Metaverse.
Việc xây dựng một nền tảng dữ liệu tập trung và hiệu quả không chỉ giúp cải thiện trong công tác quản lý mà còn tạo điều kiện cho việc phát triển các dịch vụ du lịch thông minh, bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành trên trường quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan
|
Những nỗ lực số hóa như vậy cũng là điều mà Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (với 20.000 hiện vật, những tác phẩm quý về nghệ thuật tạo hình) hướng đến. Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, hiện nay, bảo tàng này đang có ba hoạt động ứng dụng công nghệ số: ứng dụng trưng bày trực tuyến (giúp người xem thưởng thức tác phẩm nghệ thuật và tương tác trực tuyến), hệ thống bán vé điện tử liên thông đa phương thức, và công nghệ mapping (đưa vào những hiệu ứng để tăng cường sự tương tác và trải nghiệm cho khách tham quan). Bảo tàng cũng đã phát triển ứng dụng thông minh tự động iMuseum VFA - khi quét mã QR, tất cả thông tin về hiện vật sẽ được truyền qua thiết bị nghe của khách tham quan và giới thiệu những tác phẩm nghệ thuật trưng bày tại bảo tàng.
Để đi đến được những kết quả này, Bảo tàng đã trải qua không ít khó khăn. Theo ông Nguyễn Đức Kiên, trước năm 2022, những hiện vật được quản lý tại bảo tàng qua hệ thống sổ đăng ký, sổ phân loại. Những hệ thống sổ sách này qua thời gian cũng đã cũ và không đảm bảo được phần tra cứu. Khi đưa hiện vật về bảo tàng, trước đây cũng đăng ký thành hai hệ thống sổ: những hiện vật như tranh được đăng ký vào hệ thống sổ hai chiều, còn đối với những hiện vật tượng thì đăng ký vào sổ ba chiều (3D). “Điều này gây ra khó khăn khi thống kê, tổng hợp số lượng hiện vật, phải tính toán cộng sổ lại, mất rất nhiều thời gian. Thông tin về hiện vật cũng chưa đầy đủ, và cuối cùng, phần hình ảnh cũng còn thiếu khi thực hiện khai thác thông tin hiện vật”, ông Nguyễn Đức Kiên cho hay và rút ra bài học, “công tác xây dựng cơ sở dữ liệu và làm sạch dữ liệu là rất cần thiết đối với Bảo tàng Mỹ thuật nói riêng cũng như các đơn vị bảo tàng nói chung”. Bên cạnh đó, việc nhập dữ liệu này tốn rất nhiều thời gian và công sức và đơn vị này đã phải dành khoảng hai năm để nhập dữ liệu vào phần mềm.
Dù khó khăn, nhưng kết quả đem lại khiến những người quản lý bảo tàng cảm thấy nỗ lực đã bỏ ra là xứng đáng. “Khi đưa dữ liệu vào quản lý, chúng tôi đã lưu giữ được trên 90% thông tin hiện vật đã cập nhật. Hiện vật của bảo tàng được hệ thống phân loại theo những nhóm chức năng, loại hình, chất liệu một cách khoa học, dễ theo dõi, dễ cập nhật thống kê, đặc biệt là quản lý về lịch sử hiện vật”, ông Nguyễn Đức Kiên cho biết. Đối với một hiện vật bình thường, khi quản lý bằng hệ thống sổ sách có thể chỉ có được thông tin cơ bản, thế nhưng khi đưa vào phần mềm quản lý hiện vật, họ có thể theo dõi lịch sử hiện vật đã tham gia bao nhiêu cuộc trưng bày, triển lãm, bao nhiêu lần bảo quản, tu sửa, và những hồ sơ kèm theo như quyết định sưu tầm, quyết định công nhận bảo vật quốc gia (nếu là bảo vật quốc gia) và những tài liệu, bài báo viết về hiện vật. Việc ứng dụng trong việc tìm kiếm, rà soát, xuất báo cáo theo nhu cầu khai thác cũng được cải thiện rõ rệt. “Chúng tôi có thể tra cứu nhanh chóng thông tin qua hệ thống phần mềm, và theo thống kê, chỉ trong 1 đến 2 phút, chúng tôi đã có thể tra cứu thông tin về hiện vật. Một số điều đáng lưu ý là việc khai thác cơ sở dữ liệu cũng đã được liên thông với một số đơn vị trong hệ thống quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch như cơ sở dữ liệu của trung tâm tư liệu. Hiện nay, hệ thống quản lý hiện vật tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng đã được liên thông với các bảo tàng quốc tế như bảo tàng Mỹ, bảo tàng Pháp và một số hệ thống bảo tàng khác”, ông Nguyễn Đức Kiên cho biết.
Đảm bảo tính đồng bộ Dù đã có những nỗ lực và kết quả rất đáng chú ý như vậy, nhưng trên thực tế, công tác quản lý thông tin và dữ liệu trong ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch hiện còn gặp nhiều khó khăn, từ việc lưu trữ dữ liệu phân tán, chưa đồng bộ, cho đến hạn chế trong việc khai thác và kết nối dữ liệu giữa các đơn vị, theo bà Nguyễn Thị Hoàng Lan - Phó trưởng ban Ban chỉ đạo chuyển đổi số Bộ VHTT&DL. Do đó, việc xây dựng một nền tảng dữ liệu tập trung và hiệu quả không chỉ giúp cải thiện trong công tác quản lý mà còn tạo điều kiện cho việc phát triển các dịch vụ du lịch thông minh, bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành trên trường quốc tế.
Hiện nay, theo TS.Phạm Thị Khánh Ngân (Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTT&DL), một khó khăn nằm ở việc xây dựng phần mềm. “Dù chúng tôi đã xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu trên toàn quốc này, nhưng chưa có hành lang pháp lý nào yêu cầu tất cả các địa phương phải tham gia một cách tự nguyện và khuyến khích họ phải tham gia. Đó là việc mà chúng tôi đã bổ sung vào luật di sản văn hóa, có ba điều để đưa ra những thông tư kết hợp”, bà cho biết. Bên cạnh đó, hiện nay kinh phí không đồng bộ và gần như không có sự bảo trì, điều này gây ra khó khăn lớn cho Cục Di sản Văn hóa trong việc lưu trữ cơ sở dữ liệu chung cho toàn quốc; các cơ sở dữ liệu này cũng chưa được kết nối với nhau.
Từ góc nhìn của đơn vị làm về công nghệ, ông Lê Phú Cường (Công ty Cổ phần Phát triển nguồn mở và Dịch vụ FDS), cho rằng, việc xây dựng cơ sở dữ liệu không đơn thuần là số hóa, mà bản chất là xây dựng một nền tảng dữ liệu số. Cơ sở dữ liệu sẽ bao gồm dữ liệu nghiệp vụ, dữ liệu tích hợp dùng chung, và các cơ sở dữ liệu mở. “Để xây dựng được các dữ liệu này, chúng tôi cho rằng cần phải lưu tâm đến bốn yếu tố quan trọng:Thứ nhất, chúng ta phải phân loại danh mục một cách rõ ràng và có tổ chức.Thứ hai, về mặt thuật ngữ, trong lĩnh vực của bộ có nhiều mảng quản lý khác nhau. Nếu không thống nhất được các thuật ngữ, sẽ dẫn đến việc các hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành được xây dựng rời rạc, có thể chồng chéo lên nhau. Thứ ba, dữ liệu phải có đặc tả và ngữ nghĩa dữ liệu được chuẩn hóa. Đây là một kinh nghiệm khi chúng tôi xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về môi trường, khoa học công nghệ, và các lĩnh vực quản lý khác của các bộ, ngành. Thứ tư, các dữ liệu cần gắn kết với các ứng dụng nghiệp vụ để phục vụ công tác quản lý và điều hành”, ông Lê Phú Cường cho biết.
Đó là lý do ông đề xuất hai mô hình. Mô hình thứ nhất là tập trung, xây dựng tập trung tại trung ương, phân quyền cho địa phương truy cập, sử dụng và đóng góp dữ liệu. Dữ liệu được quản lý tập trung tại hệ thống của bộ. Mô hình thứ hai là phân tán, tùy thuộc vào lĩnh vực quản lý, chúng ta có thể phân cấp cho địa phương chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu, sau đó đồng bộ và tích hợp với trung ương. “Với hai mô hình này, chúng tôi khuyến nghị cần xây dựng tiêu chuẩn dữ liệu rõ ràng, tránh việc mỗi địa phương tự phát triển riêng, dẫn đến khó khăn trong việc đồng bộ và quản lý”, ông Lê Phú Cường đề xuất.
“Chúng ta đã biết rằng bảo tồn di tích hiện nay không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn vật thể của di tích, hay hướng tới việc trùng tu cũng như áp dụng các kỹ thuật trùng tu di tích. Hiện nay, nhờ công nghệ, chúng ta có thể đưa ra giả định đối với việc phục dựng các di tích còn thiếu cơ sở dữ liệu khoa học. Ví dụ như hình ảnh này, công nghệ 3D và AI cùng công nghệ mới sẽ hỗ trợ đắc lực trong việc phục dựng các di sản gốc và bảo vật cổ vật còn đang lưu lạc ở nước ngoài. Hoặc đối với những kiến trúc đã mất chỉ còn lưu lại trong tư liệu hiện nay, khi chưa đủ dữ liệu khoa học và khả năng để phục dựng lại trên thực tế, chúng ta hoàn toàn có thể phục dựng trong không gian ảo”, TS. Chu Thu Hường cho biết. Điều này cho phép các nhà khoa học hoặc chủ nhân của di tích trải nghiệm trước, từ đó nhận được ý kiến phản hồi và lựa chọn đưa ra về việc di tích đã đủ cơ sở khoa học chưa, khi được phục dựng sẽ như thế nào. Đây là một hướng ứng dụng công nghệ mới trong kỹ thuật bảo tồn di tích, trong phương án và bảo tồn di tích. “Sự kết hợp giữa di sản và công nghệ đang thúc đẩy hình thành các khái niệm mới về di sản phái sinh. Ví dụ như di sản số, rõ ràng di sản tồn tại ngoài thực tế, di sản tồn tại trong tư liệu ghi chép và di sản trên công nghệ số là ba bước khác nhau.Chúng ta cũng cần phải nghĩ tới những định danh hoặc hệ thống pháp luật đi kèm theo”, TS. Chu Thu Hường nhận định.
Đối với bà, các ngành trong lĩnh vực văn hóa đều là ngành có kiến thức nền rất rộng. “Vì thế, khi dữ liệu của các ngành từ các viện trong bộ được chia sẻ một cách rộng rãi và mọi người đều có thể tiếp cận được nó một cách dễ dàng, ít nhất nó sẽ cung cấp cho các nhà nghiên cứu và các nhà quản lý khả năng tiếp cận với một khối lượng kiến thức rộng lớn và giúp ích cho việc nghiên cứu. Điều này sẽ đảm bảo được tính khoa học và có sự liên ngành với nhau rất mạnh mẽ”, TS. Chu Thu Hường nhận định.