Ba nhà khoa học được giải Nobel Kinh tế năm nay - Daron Acemoglu, Simon Johnson và James A. Robinson - đã xem xét các hệ thống chính trị và kinh tế khác nhau để đưa ra lời giải thích cho lý do tại sao một số quốc gia giàu và những quốc gia khác lại nghèo khó.

Ba nhà kinh tế học Daron Acemoglu, Simon JohnsonvàJames A. Robinson (từ trái qua) nhận giải Nobel Kinh tế 2024. Ảnh: NobelPrize
Ba nhà kinh tế học Daron Acemoglu, Simon Johnson và James A. Robinson (từ trái qua) nhận giải Nobel Kinh tế 2024. Ảnh: NobelPrize

Câu chuyện về hai thành phố

Việc xác định mối quan hệ nhân quả giữa thể chế và sự thịnh vượng không phải là vấn đề đơn giản, bởi vì sự phát triển của một xã hội là kết quả của nhiều yếu tố tương tác với nhau. Dù thể chế và mức độ giàu có của quốc gia có mối tương quan với nhau, nhưng điều đó cũng không đồng nghĩa với việc cái này phải là nguyên nhân dẫn đến cái kia. Hơn nữa, các nước giàu khác với các nước nghèo ở rất nhiều khía cạnh - không chỉ là các thể chế - vì vậy có thể có những lý do khác cho cả sự thịnh vượng và loại hình thể chế. Thậm chí, có lẽ sự thịnh vượng mới là nhân tố ảnh hưởng đến các thể chế của một xã hội, chứ không phải ngược lại?

Acemoglu, Johnson và Robinson đã sử dụng cách tiếp cận thực nghiệm, phân tích các xã hội từng bị châu Âu thuộc địa hóa từ thế kỷ 16 và xem xét hướng phát triển từ đó tới nay, coi đó như một cơ hội “thí nghiệm tự nhiên”. Họ đã đi đến ba kết luận quan trọng.

Thứ nhất, các thể chế chính trị và kinh tế xuất hiện từ thời thuộc địa vẫn định hình nền kinh tế ngày nay. Các thể chế chiếm đoạt/khai thác (extractive institutions) - được thiết kế để bóc lột dân cư địa phương và khai thác tài nguyên thiên nhiên - đã kìm hãm tăng trưởng kinh tế dài hạn. Trong khi đó, các thể chế dung hợp (inclusive institutions) - được thiết kế để khuyến khích người dân châu Âu sang định cư ở các nước thuộc địa - đã cho phép các quốc gia phát triển mạnh mẽ. Ở đây, các nhà nghiên cứu không biện minh cho chủ nghĩa thực dân, vốn mang tính bóc lột, nhưng tìm thấy mối tương quan tích cực ở những nơi mà chế độ thực dân đã đưa người định cư và góp phần vào sự phát triển này.

Thứ hai, mật độ dân cư của khu vực bị chiếm đóng quyết định bản chất của thể chế. Các khu vực đông dân bản địa sẽ có sự kháng cự mạnh mẽ đối với người bên ngoài, do vậy có ít người châu Âu đến đây định cư. Vì thế, ở đây sẽ hình thành các thể chế nghiêng về tìm cách khai thác của cải và sức lao động người bản địa, đồng thời mang lại lợi ích cho một số ít người, ví dụ như giới tinh hoa địa phương hoặc các nhà thực dân ở quốc mẫu. Điều này sẽ gián tiếp tước đoạt đi nguồn lực và cơ hội của số đông. Người dân không có quyền bầu cử và có rất ít các quyền chính trị khác. Các khu vực này bao gồm nhiều nước châu Á và châu Phi đã từng bị thuộc địa.

Ngược lại, các khu vực dân cư thưa thớt (như Mỹ, Canada, Úc, NewZealand v.v) đã thu hút nhiều người châu Âu sang định cư, do vậy cần phải xây dựng các thể chế mang tính hòa nhập để khuyến khích những người định cư này làm việc chăm chỉ và đầu tư vào quê hương mới của họ, bao gồm những quyền dân chủ nổi bật về bầu cử và chính trị để trao cho đông đảo người hơn.

Chênh lệch giữa các quốc gia giàu nhất và nghèo nhất. Ảnh: NobelPrize
Chênh lệch giữa các quốc gia giàu nhất và nghèo nhất. Ảnh: NobelPrize

Thứ ba, là sự đảo ngược vận mệnh. Nếu chúng ta nhìn vào đô thị hóa như một thước đo của sự thịnh vượng thì những khu vực giàu có nhất cách đây khoảng 500 năm giờ lại trở nên nghèo hơn. Lý do là, ở những nơi từng nghèo nhất và thưa dân nhất, thực dân châu Âu đã thiết lập và duy trì các thể chế hòa nhập có khả năng thúc đẩy thịnh vượng lâu dài. Ngược lại, ở những nơi từng giàu có và đông dân nhất, các thể chế thường mang tính khai thác, và ít có khả năng dẫn đến thịnh vượng cho người dân địa phương.

Một ví dụ thuyết phục cho mô hình "thể chế quyết định sự thịnh vượng" của Acemoglu, Johnson và Robinson là Nogales, thành phố nằm giữa biên giới Mỹ-Mexico, ngăn cách bởi một hàng rào. Phía bắc Nogales thuộc về bang Arizona, Mỹ, nơi có cư dân tương đối khá giả, tuổi thọ trung bình cao và hầu hết trẻ em đều được tốt nghiệp trung học. Quyền sở hữu tài sản được bảo đảm và mọi người biết rằng họ sẽ được hưởng hầu hết các lợi ích từ các khoản đầu tư của họ. Người dân có các cuộc bầu cử cho phép họ thay thế những chính trị gia mà họ không hài lòng.

Ngược lại, phía nam Nogales thuộc về bang Sonora của Mexico. Mặc dù đây là một phần tương đối giàu có của Mexico, cư dân ở thành phố nói chung nghèo hơn đáng kể so với ở phía bắc biên giới. hàng rào. Tội phạm có tổ chức làm cho việc khởi nghiệp và kinh doanh ở đây khá rủi ro. Các chính trị gia tham nhũng, mặc dù ít phổ biến hơn kể từ khi Mexico dân chủ hóa, vẫn tiếp tục cản trở tiến bộ và phát triển trong khu vực.

Rõ ràng, cả hai phần của Nogales đều có chung địa lý, khí hậu và nhân khẩu học - nhưng khác nhau về thể chế của chúng. Trong khi Mỹ đã xây dựng các thể chế dung hợp để bảo vệ các quyền chính trị và cơ hội kinh tế, lịch sử bị Tây Ban Nha khai thác thuộc địa của Mexico tiếp tục cản trở sự phát triển của nó.

Sự đảo ngược vận mệnh. Ở những khu vực nghèo nhất và dân cư thưa thớt nhất, thực dân châu Âu đã đem đến các thể chế xã hội góp phần vào sự thịnh vượng lâu dài. Sau cuộc cách mạng công nghiệp, điều này có nghĩa là các thuộc địa cũ từng nghèo nhất đã trở thành giàu nhất.Ảnh: NobelPrize
Sự đảo ngược vận mệnh. Ở những khu vực nghèo nhất và dân cư thưa thớt nhất, thực dân châu Âu đã đem đến các thể chế xã hội góp phần vào sự thịnh vượng lâu dài. Sau cuộc cách mạng công nghiệp, điều này có nghĩa là các thuộc địa cũ từng nghèo nhất đã trở thành giàu nhất.Ảnh: NobelPrize

Các nhà nghiên cứu đoạt giải Nobel cũng chỉ ra, sự đảo ngược thịnh vượng này là duy nhất trong lịch sử. Trước thời thuộc địa, họ không tìm thấy một mô hình tương tự: những khu vực giàu có hơn và đô thị hóa hơn vẫn tiếp tục duy trì được sự giàu có và đô thị hóa của mình. Ngoài ra, nếu nhìn vào những khu vực không bị thuộc địa hóa, có thể thấy không có bất kỳ sự đảo ngược vận mệnh nào.

Sự đảo ngược này cũng chủ yếu diễn ra cùng với cuộc cách mạng công nghiệp. Ví dụ, vào giữa thế kỷ 18, sản xuất công nghiệp ở khu vực ngày nay là Ấn Độ cao hơn ở Mỹ. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi cơ bản kể từ đầu thế kỷ 19, chủ yếu do sự khác biệt về thể chế. Những đổi mới kỹ thuật trên toàn thế giới chỉ có thể phát huy ở những nơi đã thiết lập được các thể chế tạo điều kiện cho đa số người dân được hưởng lợi.

Thoát khỏi tình trạng mắc kẹt

Trên thực tế, các thể chế chính trị và kinh tế có xu hướng tồn tại rất lâu. Mặc dù các hệ thống kinh tế chiếm đoạt có thể mang lại lợi ích cho tầng lớp thống trị trong ngắn hạn, nhưng việc chuyển sang các thể chế dung hợp hơn, ít bóc lột và đảm bảo pháp quyền hơn sẽ tạo ra lợi ích lâu dài cho tất cả mọi người. Vậy tại sao tầng lớp tinh hoa không đơn giản là thay thế hệ thống kinh tế hiện có?

Các nhà khoa học đoạt giải Nobel giải thích, nguyên nhân gốc rễ nằm ở xung đột về quyền lực chính trị và sự thiếu tin tưởng giữa tầng lớp tinh hoa cầm quyền và dân chúng. Chừng nào hệ thống chính trị còn mang lại lợi ích cho giới tinh hoa, dân chúng không thể tin tưởng những lời hứa về một hệ thống kinh tế cải cách sẽ được thực hiện. Một hệ thống chính trị mới, cho phép người dân thay thế các lãnh đạo không giữ lời hứa thông qua các cuộc bầu cử tự do, có thể giúp cải cách kinh tế. Tuy nhiên, giới cầm quyền không tin rằng sẽ bù đắp những mất mát về lợi ích kinh tế một khi hệ thống mới được đưa ra. Đây được gọi là vấn đề cam kết khả tín (commitment problem), rất khó để vượt qua. Vì vậy, các xã hội này bị mắc kẹt với các thể chế chiếm đoạt, tình trạng đói nghèo lan rộng và một giới tinh hoa giàu có.

Vậy làm sao để thoát khỏi tình trạng này? Acemoglu, Johnson và Robinson đã xây dựng một khung lý thuyết minh họa cách mà các thể chế có thể được định hình và thay đổi gồm ba phần. Thứ nhất, xung đột về cách phân bổ nguồn lực và ai là người nắm giữ quyền ra quyết định trong xã hội (giới tinh hoa hay quần chúng). Thứ hai, quần chúng đôi khi có thể thực thi quyền lực bằng cách huy động và đe dọa giới cầm quyền, chẳng hạn thông qua các cuộc đình công, biểu tình hoặc cách mạng. Thứ ba, giới cầm quyền (thường là miễn cưỡng) chia sẻ quyền lực hoặc trao lại quyền ra quyết định cho dân chúng.

Mô hình này đã được sử dụng để giải thích quá trình dân chủ hóa ở Tây Âu vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, hoặc tại sao một số quốc gia hiện nay lại xen kẽ giữa dân chủ và phi dân chủ. Nó cũng dùng để chỉ ra lý do tại sao các quốc gia không có thể chế dung hợp rất khó đạt được tăng trưởng ngang bằng với những quốc gia đang có, và tại sao giới tinh hoa cầm quyền đôi khi có thể hưởng lợi từ việc ngăn chặn việc áp dụng công nghệ mới.

Những ngoại lệ

Mặc dù thừa nhận các đóng góp của những người đoạt giải Nobel là “rất xuất sắc”, nhưng TS. Yuen Yuen Ang, nhà kinh tế chính trị của Đại học John Hopkins đã không đồng ý với mô tả lý tưởng của họ về hai dạng thể chế, và đề xuất nên xây dựng các mô hình thể chế đặc thù theo từng bối cảnh, thay vì sao chép các mô hình phương Tây.

Viết trên mạng xã hội X ngay sau thông báo về giải Nobel, bà cũng chỉ ra, các nhà nghiên cứu vẫn gặp khó khăn trong việc giải thích trường hợp của Trung Quốc hay lý do tại sao kinh tế Mỹ thịnh vượng, mặc dù quốc gia này “có mức độ tham nhũng tương tự như Trung Quốc.”

Từ lâu, các nhà phê bình kinh tế Mỹ chỉ ra lý thuyết của Acemoglu, Johnson và Robinson không giải thích được sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc hiện đại. Theo quan điểm của họ, đất nước này có các thể chế kinh tế “khai thác”, nhưng nền kinh tế Trung Quốc vẫn là một động lực tăng trưởng toàn cầu, với tốc độ tăng trưởng hằng năm hơn 10% trong bốn thập kỷ, từ 1979 đến 2017.

Trong cuốn sách bán chạy nhất của mình, “Tại sao các quốc gia thất bại” (Tựa gốc: Why Nations Fail: The Origins of Power, Prosperity, and Poverty) xuất bản năm 2012, hai tác giả Acemoglu và Robinson đã ghi nhận Trung Quốc là một trường hợp “may mắn”, một “ngoại lệ” đối với lý thuyết của họ.

Các tác giả cho rằng, tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc đã được thúc đẩy bởi cải cách theo định hướng thị trường và tự do hóa kinh tế. Họ thừa nhận Trung Quốc ở một mức độ nào đó có sự đóng góp của [các thể chế] dung hợp, nhưng điều đó sẽ không đủ để giúp đất nước đạt được mức bình quân đầu người cao như Tây Ban Nha hoặc Bồ Đào Nha, và sự tăng trưởng như vậy là không bền vững. Tăng trưởng kinh tế nhanh của Trung Quốc, theo nhận định của Acemoglu và Robinson khi đó, có thể là một phần của hiệu ứng bắt kịp.

Một số nhà nghiên cứu khác cũng từng đặt câu hỏi về các trường hợp như Ấn Độ, nơi có nền dân chủ tốt hơn Trung Quốc nhưng tăng trưởng lại tụt lại phía sau; hoặc Singapore, nơi không hoàn toàn được coi là dân chủ nhưng lại có các thể chế mạnh mẽ và nền kinh tế thịnh vượng.

Trong nhiều thảo luận từ khi cuốn sách nổi tiếng của mình ra đời, Acemoglu và Robinson đã nhấn mạnh lý thuyết của họ phân biệt giữa các thể chế chính trị và kinh tế, và không phải là các thể chế chính trị đóng góp trực tiếp cho tăng trường, mà đúng hơn là các thể chế kinh tế được định hình bởi các thể chế chính trị. Nói cách khác, các thể chế kinh tế có thể không hoàn toàn trùng khớp với cái “nhãn” chính trị mà chúng được gán cho.

Tham khảo: Nobel Prize Anouncement, CNBC, The Economist

Bài đăng số 1314 (số 42/2024) KH&PT