Ngay từ những năm 1980, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết tâm xây dựng ngành công nghệ sinh học trở thành một ngành quan trọng trong chiến lược phát triển của đất nước.

Nhằm đạt mục tiêu đó, Bộ KH&CN Hàn Quốc đã đặt ưu tiên chuyển sang tập trung vào các công nghệ tiên tiến thay vì chỉ tập trung cho các lĩnh vực nghiên cứu truyền thống. Hệ thống các văn bản pháp luật hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ sinh học đã ra đời. Thậm chí, Hàn Quốc ra hẳn một bộ luật riêng, Luật Thúc đẩy về Kỹ thuật Di truyền vào năm 1983 (hiện nay được gọi là Luật Thúc đẩy Công nghệ Sinh học), đặt nền tảng cho sự phát triển khoa học sinh học của Hàn Quốc.

Không chỉ có hành lang pháp lý vững chắc, sự ra đời của các hiệp hội nghiên cứu dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo ở giai đoạn những năm 1990 sau đó đã củng cố sức mạnh cho ngành công nghệ sinh học. Các hiệp hội bao gồm Hiệp hội nghiên cứu kỹ thuật di truyền Hàn Quốc (Korean Genetic Engineering Research - KBRA, ngày nay là Viện Nghiên cứu Sinh học và Công nghệ sinh học Hàn Quốc), Hiệp hội Công nghiệp Sinh học Hàn Quốc (Bioindustry Association of Korea - BAK), Hiệp hội sinh học mạo hiểm Hàn Quốc (Korea Bio Venture Association - KoBioVen)là những đơn vị “mở đường” cho ngành công nghệ sinh học và công nghiệp sinh học Hàn Quốc.

Năm 2008, ba hiệp hội sinh học lớn này đã hợp tác để thành lập một hiệp hội mới lớn hơn được gọi là Tổ chức Công nghệ công nghiệp Sinh học Hàn Quốc (Korea Biotechnology Industry Organization - Korea BIO) hỗ trợ cộng đồng ngành công nghiệp sinh học và chính phủ.

Công ty công nghệ sinh học của Hàn Quốc Nutribiotech đầu tư xây dựng nhà máy mới ở Melbourne, Úc. Ảnh: http://www.invest.vic.gov.au/

Cơ chế đầu tư cho giáo dục, đặc biệt là cam kết đầu tư cho giáo dục đại học cũng đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đua của Hàn Quốc để trở thành một cường quốc trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Hàn Quốc đầu tư hơn 5% tổng GDP cho giáo dục trình độ cao, và là một trong những nước chi tiêu nhiều nhất cho giáo dục đại học, theo xếp hạng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Đất nước này cũng là một trong những nước có thành tích cao nhất trong lĩnh vực toán học, đọc sách, khoa học, đặc biệt trong ngành công nghiệp khoa học đời sống.

Để hiện thực hóa những mục tiêu đó, về mặt tài chính, chi phí cho nghiên cứu và phát triển trong công nghệ sinh học của Hàn Quốc tăng gần 40 lần chỉ trong vòng 10 năm, kể từ 1980 đến giữa những năm 1990 (chi khoảng 337 tỉ won, tương đương 311 triệu USD).

Nhưng một bước ngoặt lớn nhất phải kể tới là vào năm 1994, Hàn Quốc cho ra đời bản Kế hoạch cơ bản về Xúc tiến Công nghệ sinh học. Kể từ đó, đầu tư của chính phủ cho ngành này đã tăng với tốc độ trung bình trên 24%/năm. Việc đầu tư đáng kể vào R&D mang lại kết quả mạnh mẽ. Đến năm 2004, có hơn 500 công ty Hàn Quốc sử dụng công nghệ sinh học trong công nghiệp.

Không dừng lại ở đó, Chính phủ Hàn Quốc liên tục tăng cường đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng cho các ngành công nghiệp. Với hơn 5 tỷ USD đầu tư vào cho cơ sở hạ tầng ngành công nghiệp từ năm 2004-2007, đầu tư của Hàn Quốc xếp thứ 7 trong 59 quốc gia và vùng lãnh thổ, theo đánh giá năng lực cạnh tranh của Viện Nghiên cứu Quản lý và Phát triển Quốc tế (IMD).

Tưởng chừng không thể tập trung đầu tư hơn được nữa, thì năm 2006, Hàn Quốc lại tiếp tục thông qua “Tầm nhìn – sinh học tới năm 2016” (Bio-Vision 2016), đặt mục tiêu đưa nước này trở thành nước dẫn đầu về công nghệ sinh học trên thế giới nhằm: tăng cường sự phối hợp đa ngành, phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp tiên tiến, thúc đẩy tính liêm chính và đạo đức học thuật trong văn hóa nghiên cứu, và đạt được những bước đột phá.

Tất cả các Bộ Giáo dục, Khoa học và Công nghệ; Kinh tế tri thức; Sức khỏe và phúc lợi; Thực phẩm, Nông nghiệp, Lâm nghiệp; Môi trường và Đất đai, Giao thông và Hàng hải đều phải tập trung vào thực hiện các mục tiêu này. Chính sách này cũng đã có ảnh hưởng mạnh tới ngành công nghiệp, chuyển ngành công nghiệp sang hướng nghiên cứu y học tái tạo, phát triển ngành công nghiệp thiết bị y tế và tăng cường năng lực nghiên cứu và phát triển.

Đầu tư cho công nghệ sinh học của Chính phủ Hàn Quốc.

Vào năm 2012, Hàn Quốc ký hiệp định Thương mại Tự do Hoa Kỳ-Hàn Quốc (KORUS FTA) và cả hai nước đều đồng ý với các điều khoản nhằm tạo điều kiện chăm sóc sức khoẻ có chất lượng cao và cải thiện việc tiếp cận các sản phẩm dược phẩm sáng tạo và an toàn và hiệu quả. Việc thực hiện KORUS cũng đưa tới một loạt các cải tiến chính sách khác nhau, bao gồm cả việc bảo vệ dữ liệu và thực thi quyền sở hữu trí tuệ theo luật định.

Hàn Quốc cũng tập trung thúc đẩy gia tăng năng lực công nghiệp và hỗ trợ cho các hiệp hội công nghệ sinh học địa phương nhằm phát triển các cụm khu công nghiệp sinh học trong cả nước. Đến nay, đã có 28 trung tâm công nghệ sinh học địa phương được xây dựng tại 13 tỉnh thành của Hàn Quốc.

Nhờ chính sách tích cực đó của chính phủ, ngành công nghệ sinh học đã có những bước tiến vượt bậc. Cụ thể, số lượng công bố quốc tế của Hàn Quốc trong lĩnh vực công nghệ sinh học tăng mạnh (trung bình hơn 17.2% hằng năm) và hiện nay đang đứng thứ 11 trên thế giới.

Quy mô ngành công nghiệp sinh học của Hàn Quốc đã tăng từ 244,8 tỉ won vào năm 1994 lên tới 4347 tỉ won trong năm 2007 (tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 30%/ năm), với 834 công ty, bao gồm hơn 600 công ty liên doanh và hơn 20.000 người đang làm việc trong ngành.

Những nỗ lực này đã đưa Hàn Quốc trở thành quốc gia năng động nhất trong khu vực về công nghệ sinh học và tiếp tục đặt mục tiêu trở thành nơi cung cấp 22% tổng sản phẩm về công nghệ sinh học cho toàn cầu vào năm 2020 tới đây. Khi được hỏi về bước đi tiếp theo là gì, thì bất cứ ai trong ngành công nghệ sinh học Hàn Quốc đều có thể trả lời: mở rộng quan hệ đối tác toàn cầu và xây dựng để Hàn Quốc trở thành trung tâm công nghệ sinh học toàn cầu.