Tương tự, việc định nghĩa giáo dục tinh hoa chỉ dựa vào tỷ lệ giữa số người nhập học trên tổng số người trong độ tuổi đi học ở một bậc học cụ thể (gross enrolment ratio - GER) ở một quốc gia cũng là thiển cận.
Vị trí không thể thay thế của đại học tinh hoa
Khi theo dõi sự phát triển của giáo dục đại học châu Âu ở thế kỷ 20,Trow Martin (1973) báo cáo rằng, sự dịch chuyển từ giáo dục
đại học tinh hoa sang đại chúng xảy ra khi chỉ số GER lên quá 15%. Ông đề xuất chỉ số GER dưới 15% là giáo dục tinh hoa; từ 15%-50% là giáo dục đại chúng; trên 50% là giáo dục phổ quát.
Tuy vậy, Trow cũng nhấn mạnh rằng sự chuyển dịch này không triệt tiêu sự tồn tại của đại học tinh hoa. Đó là bởi đại học tinh hoa luôn đóng vai trò riêng, mang sứ mệnh riêng và không thể thay thế.
Đại học tinh hoa tồn tại là một phần của giới tinh hoa, để dành cho giới tinh hoa, phục vụ cho giới tinh hoa, và vì sự tồn tại và phát triển của giới này ở mỗi quốc gia. Đây là nơi hệ thốnghóa và phát triểncác quan điểm, học thuyết của tầng lớp tinh hoa thống trị, giúp giới tinh hoa giải quyết các bài toán siêu vĩ mô của quốc gia và tham gia vào thế giới siêu vĩ mô quốc tế.
Nói tóm lại, giáo dục đại học tinh hoa có vai trò “định hình hệ tư tưởng và nhân cách của tầng lớp thống trị”, đào tạo cho sinh viên năng lực lãnh đạo trong chính phủ và các lĩnh vực chuyên nghiệp (Trow, 1973).
Không gian tôn nghiêm ở Đại học Oxford, một đại học tinh hoa lâu đời của nước Anh.
Ảnh: Reuters
Nắm giữ và điều khiển đại học tinh hoa thường là
các nhóm tinh hoa nhỏ bao gồm lãnh đạo của các tổ chức kinh tế, chính trị, học thuật quyền lực có quen biết nhau, có chung hệ giá trị và quan điểm, và ra quyết định thông qua họp kín phi chính thức. Nhóm người này có thể bao gồm: các bộ trưởng, hiệu trưởng trường đại học, thành viên ủy ban đại học. (Trow, 1973, tr.12)
Trow cũng chỉ ra sự khác biệt giữa giáo dục đại học tinh hoa và đại chúng nằm ở (1) Thái độ đối với việc tiếp cận giáo dục đại học, (2) Vai trò của giáo dục đại học, (3) Chương trình đào tạo và phương thức giảng dạy, (4) Đặc điểm, tính chất, chuẩn mực học thuật của nhà trường, (5) Trung tâm quyền lực và ra quyết định trong nhà trường, (6) Việc sàng lọc, lựa chọn người học, và (7) Hành chính – quản trị nhà trường.
Bất chấp những vấn đề mà giới nghiên cứu giáo dục đại học quan ngại về đại học tinh hoa như bất bình đẳng giai cấp, giàu nghèo, chủng tộc, đại học tinh hoa vẫn tồn tại sừng sững với danh giá không hề suy chuyển. Tuy vậy, không phải các đại học tinh hoa luôn cứng nhắc với bức tường hàng rào của họ.
Các đại học như Harvard, Yale hay Princeton đều cấp học bổng cho các sinh viên xuất sắc xuất thân từ tầng lớp thu nhập thấp và trung bìnhvà những suất học bổng này vẫn luôn được coi là học bổng ‹quý tộc›.
Việt Nam: Bước vào đại chúng hóa mà chưa hình thành tinh hoa
Công thức ‘GER 15%’ của Trow phản ánh chính xác sự phát triển đại học ở các nước châu Âu và Mỹ nơi giáo dục đại học phát triển liên tục qua nhiều thế kỷ và đã từng có thời kỳ là đặc quyền chỉ dành cho tầng lớp trung lưu, quý tộc. Khi áp dụng vào một quốc gia như Việt Nam, tiêu chí này trở nên thuần túy định lượng, và dẫn tới sự nhầm lẫn giữa sự xuất sắc (excellence) với tinh hoa (elitism).
Giáo dục Việt Nam nói chung, giáo dục đại học nói riêng, với hệ thống các trường chuyên, lớp chọn, hệ thống đào tạo cử nhân tài năng... chứng tỏ chúng ta đã phát triển mô hình đào tạo xuất sắc, dành cho những người học có năng lực nổi trội. Tuy nhiên để xem xét đây có phải là giáo dục tinh hoa không thì cần phân tích nhiều yếu tố khác như nó dành cho giới tinh hoa, phục vụ giới tinh hoa và có thể đào tạo ra giới tinh hoa của đất nước hay không.
Dựa trên phân tích theo những giác độ Trow khái quát về đại học tinh hoa phương Tây, có thể nói rằng Việt Nam chưa hình thành đại học tinh hoa với đúng vai trò, sứ mệnh và năng lực kỳ vọng của nó. Nói cách khác, trước khi bước vào giai đoạn đại chúng hoá (chưa có con số thống nhất nhưng GER của đại học Việt Nam được cho là nằm trong khoảng 16-20%), đại học Việt Nam chưa hình thành giáo dục tinh hoa.
Điều này có nghĩa hệ thống đại học Việt Nam chủ yếu là đại học đại chúng, có bao gồm đào tạo xuất sắc. Với sự khởi động ứng dụng 4.0 vào đào tạo, đại học trong nước bắt đầu có chút xu hướng của đại học phổ quát cho phép người học có cơ hội tiếp cận giáo dục đại học không giới hạn về cả phương tiện và chi phí, không gian và thời gian.
Tuy nhiên, sự thiếu vắng những đại học tinh hoa đã làm cho chính phủ thiếu đi những trung tâm tư vấn về chiến lược để định hướng điều hành đất nước ở tầm vĩ mô, siêu vĩ mô một cách hệ thống và hiệu quả. Đặc biệt ở tầm siêu vĩ mô, nó khiến chính phủ rơi vào trạng thái bị động, bị dẫn dắt và phải vay mượn chính sách trong các cuộc chơi toàn cầu.
Để bù đắp vào khoảng trống này, hiển nhiên việc xây dựng và phát triển một hoặc một vài đại học tinh hoa ở Việt Nam là cần thiết. Đại học tinh hoa nhất thiết phải tập hợp được đội ngũ trí thức ưu tú đầu ngành để có thể nghiên cứu xác lập trường phái, học thuyết, mô hình chi phối sự phát triển của Việt Nam, phù hợp với vị thế địa chính trị của Việt nam trên bản đồ thế giới, phù hợp với nền tảng văn hoá, xã hội của Việt Nam để ứng dụng giải quyết các bài toán thực tiễn của đất nước.
Khi nói về giới tinh hoa hay tầng lớp tinh hoa, các nhà nghiên cứu và lập thuyết về ‘tinh hoa’ như Gaetano Mosca, Pareto, Anthony Giddens, Alan Zuckerman, đều chỉ dẫn đến giới tinh hoa chính trị (political elite), được xác định là nhóm thiểu số những cá nhân nắm giữ các vị trí quyền lực đầu não ở một tổ chức.
Trong các tài liệu học thuật bàn về giới tinh hoa, giới này được gọi tên bằng những thuật ngữ như “tầng lớp thống trị”, “tầng lớp thượng lưu”, “tầng lớp chính trị”, “tinh hoa chính trị”, “tinh hoa quyền lực”, hay “thiểu số thống trị” (Jan 2012; Giddens 1972; Zuckerman 1977).
Mặc dù giữa các học giả còn có nhiều tranh luận, nhìn chung có thể thấy câu chuyện về giới tinh hoa không phải chỉ là vấn đề tiền, của cải, và sự giàu có, mà còn là quyền lực và vai trò của giới này trong các vấn đề quốc gia thông qua năng lực trí tuệ. |
Tài liệu tham khảo:
Giddens, A. (1972). Elites in the British Class Structure. [Article]. Sociological Review, 20(3), 345-372, doi:10.1111/j.1467-954X.1972.tb00214.x.
Higley, J., & Burton, M. G. (1988). Democratic Transitions and Democratic Breakdowns: The Elite Variable. Institute of Latin American Studies.
Jan, P. (2012). The Weberian Foundations of Modern Elite Theory and Democratic Elitism. [research-article]. Historical Social Research / Historische Sozialforschung(1 (139)), 38.
Trow, M. (1973). Problems in the Transition from Elite to Mass Higher Education. Carnegie Commission on Higher Education, Berkeley C. A.
Zuckerman, A. (1977). The Concept “Political Elite”: Lessons from Mosca and Pareto. [research-article]. The Journal of Politics(2), 324.