Trong khi giáo dục nghệ thuật ở đại học đang chậm đổi mới thì trên thực tế, ngày càng có nhiều trung tâm, cơ sở hoặc cá nhân tham gia đào tạo, cung cấp những tri thức nghệ thuật một cách bài bản và hiệu quả.

Việc họ đang “ăn nên làm ra” ở lĩnh vực được coi kén đối tượng tham gia như nghệ thuật khiến các trường đại học phải tự xem xét lại hướng đi của mình.

Mô hình lý tưởng: Giảng viên và nghệ sĩ cùng đứng lớp

Giảng dạy nghệ thuật, như đã nói, là lĩnh vực đặc thù. Ngoài kiến thức sách vở, lí thuyết, rất cần đến kinh nghiệm thực hành. Bởi thế, nếu bắt buộc người dạy phải có bằng cấp (từ Thạc sĩ trở lên) thì sẽ hạn chế những nghệ sĩ danh tiếng, có thành tựu nhưng không hẳn là “ông Trạng bà Nghè” tham gia đứng lớp.

Do đó, đối với các trường không chuyên, nới lỏng yêu cầu bằng cấp của người dạy là thao tác cần thiết để khắc phục bất cập trong việc mời giảng viên thỉnh giảng.

Giáo dục nghệ thuật ở bậc đại học rất cần sự cập nhật kiến thức. Trong khi tài liệu, bài soạn chỉ là điều kiện cần thì việc được nắm bắt thông tin, diễn biến đời sống nghệ thuật thường xuyên mới là điều kiện đủ. Không thể có một bài giảng hay giáo trình nghệ thuật dùng cho nhiều năm, nhiều đối tượng học khác nhau được.

Vì thế, cơ cấu lí tưởng của chương trình giảng dạy là có số giờ học thực tế, thực hành ngang bằng hoặc cao hơn giờ lí thuyết. Khi có số giờ học thực tế đủ phong phú, giáo viên đảm trách bộ môn có thể mời hoặc tổ chức các buổi trao đổi, thảo luận với chuyên gia về một vấn đề nghệ thuật cụ thể, thời sự. Cùng với việc tham quan bảo tàng, triển lãm, xem phim…, việc có nhiều hơn một giảng viên dạy bộ môn sẽ giúp cho sinh viên nhìn thấy sự tương đồng và khác biệt trong cái nhìn và cảm quan nghệ thuật, điều quá hữu ích khi mới bước vào tìm hiểu thế giới nghệ thuật.

Họa sĩ Lê Thiết Cương từng giảng về hội họa cho sinh viên báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội. Ảnh: MAT

Tuy nhiên, không nhiều trường đại học thực sự hào phóng cung cấp kinh phí tối thiểu cho các hoạt động giáo dục nghệ thuật ngoài chương trình. Nếu không vướng vào bằng cấp, giáo dục nghệ thuật lại vướng vào vấn đề thù lao cho người giảng dạy. Trả công giờ dạy cho nghệ sĩ danh tiếng, thiết nghĩ, không thể cào bằng hay quá thấp. Chuyện “cái khó bó cái khôn” trong mời chuyên gia, nghệ sĩ thỉnh giảng, quả thật, chưa dễ gì khắc phục.

Từng đảm nhận công việc mời chuyên gia, nhiều lúc, tôi phải vận đến “tình cảm cá nhân” để thuyết phục họ nhận lời. Rõ ràng, xây dựng và áp dụng cơ chế tài chính riêng cho hoạt động giáo dục nghệ thuật là một việc cần làm ngay. Chỉ khi xã hội đối đãi đích đáng với người nghệ sĩ, với công việc giáo dục nghệ thuật, với sự trau dồi mĩ cảm và tâm hồn thì chúng ta mới thực sự yên tâm về một tương lai phát triển hài hòa, nhân văn.

Học nghệ thuật ở các không gian văn hóa, tại sao không?

Ở Hà Nội hiện nay có khá nhiều trung tâm, cá nhân mở các lớp học nghệ thuật. Chẳng hạn, Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển điện ảnh (TPD) đã mở hàng chục khóa học làm phim, biên kịch và nghiên cứu-cảm nhận phim dành cho học sinh, sinh viên hoặc cả những người đã đi làm. Mô hình giáo dục của trung tâm này là mời các đạo diễn, nhà sản xuất, các nhà biên kịch và phê bình phim trực tiếp giảng bài trong khoảng thời khá hợp lí (thường là một vài tuần đến hai, ba tháng). TPD đang tạo được hiệu ứng rất tốt nhờ chính kết quả dạy và phản hồi tích cực của người học.

Một tên tuổi khác, Mô hình Giáo dục, Nghiên cứu và Thực hành nghệ thuật độc lập (CUCA), tuy mới xuất hiện vài năm, nhưng đã gây chú ý vì tính chất hiện đại, chuyên nghiệp và đa dạng trong cách tổ chức, điều hành. CUCA tập trung vào giáo dục cảm thụ nghệ thuật (hội họa, múa, âm nhạc, văn chương, kiến trúc…) dưới hình thức các khóa học hoặc các buổi nói chuyện, thảo luận.

Cần phải nói rằng chi phí tham dự các khóa học của TPD hay CUCA không hề thấp nhưng vẫn có nhiều người theo học. Lý do không gì khác ngoài uy tín người dạy và sức hấp dẫn của nội dung chương trình.

Cần tính đến những liên kết đào tạo giữa nhà trường và các trung tâm văn hóa nghệ thuật. Nếu nhà trường có lợi thế ở khâu tuyển sinh, văn bằng, chứng chỉ thì các trung tâm có điểm mạnh về truyền thông, chương trình, giảng viên. Khi tiến đến mô hình đại học tự chủ thì về cơ bản, các đại học cũng phải tự thu tự chi như các đơn vị doanh nghiệp. Do đó, sớm tìm ra cách thức học hỏi, liên kết lẫn nhau sẽ giúp đại học trở nên năng động, thích ứng tốt hơn.

Mặt khác, trong thời đại giáo dục nghệ thuật gắn chặt với công nghệ số như hiện nay, đại học không nên tự coi mình là nơi duy nhất có thể tạo ra uy tín học thuật. Các nhà nghiên cứu, các nghệ sĩ thực hành hoạt động độc lập đang chứng tỏ điều đó một cách thức thời và tốt hơn nhờ truyền thông và mạng xã hội.

Xu hướng dịch chuyển không gian văn hóa-tri thức từ nhà trường ra công cộng là khá rõ ở Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh. Nhiều quán café giờ đây đã là những địa chỉ tin cậy và quen thuộc trong hoạt động truyền bá tri thức, nghệ thuật. Yếu tố “không gian” theo nghĩa vật chất thuần túy (đẹp, sang trọng, tiện nghi hoặc tự do, thoải mái) tác động rất lớn đến hứng thú và khả năng biểu đạt cảm xúc nghệ thuật. Trong khi các phòng học gây cảm giác ngột ngạt và đơn điệu thì tại sao không đặt vấn đề những giờ học nghệ thuật ngoài trời hoặc ngay tại các không gian văn hóa được tư nhân hóa?

Giáo dục nghệ thuật ở đại học nếu không tự xây dựng một tinh thần phục vụ tốt, dĩ nhiên, sẽ chẳng hút được ai và lại phải thực hiện mệnh lệnh điểm danh cứng nhắc mới có sinh viên miễn cưỡng đến lớp mỗi giờ.