Học từ phụng sự cộng đồng
Service learning - Học thông qua phục vụ cộng đồng, hay học trong cộng đồng – cho tới giờ vẫn còn là một mô hình học tập tương đối mới tại Việt Nam, dù cũng đã có nhiều trường đại học tiên phong ứng dụng, chẳng hạn Đại học Hoa Sen TP.HCM.
Nó được định nghĩa là trải nghiệm giáo dục mà ở đó, sinh viên tham gia hoạt động có tổ chức nhằm phục vụ cộng đồng, đáp ứng nhu cầu đã được xác định của cộng đồng, nhờ đó có sự am hiểu hơn về nội dung môn học, phản hồi hoạt động phục vụ cộng đồng, qua đó có đánh giá bao quát hơn về chuyên ngành và gia tăng ý thức trách nhiệm công dân.Đại học Không giảng đường – một sáng kiến của Trung tâm Hành động vì Đô thị (Action for the City) được thực hiện với sự hỗ trợ của Irish Aid bắt đầu triển khai từ năm 2014, và từng bước hoàn thiện cũng như gia tăng sức hút của mình. Người viết bài có được rủ tham gia chia sẻ tại chương trình năm 2016, và đó là một trải nghiệm không bao giờ quên.
Không quên được, vì lần đầu tiên có một chương trình ở Việt Nam thử nghiệm ứng dụng mô hình Tổng hạnh phúc Quốc dân (Gross National Happiness – mô hình đo đếm sự phát triển của quốc gia Bhutan thông qua hạnh phúc chứ không phải chỉ số kinh tế GDP).
Hoạt động kết nối với những người cao tuổi ở cộng đồng để được nghe câu chuyện ký ức và vẻ đẹp của cuộc sống bản địa.
Những lớp học diễn ra ngay ở nhà cộng đồng dân cư của xã Cẩm Thanh, Hội An với những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi hừng hực đam mê khám phá bản thân, khám phá thế giới. Tôi được phân công nói chủ đề về phát triển kinh doanh – nghe rất khác lạ so với mục tiêu chương trình. Nhưng không được nói một mình, mà phải nói chung với chị Hằng Mai – founder của Xanh Shop – một tổ chức được xây dựng dựa trên mô hình nông nghiệp thuận tự nhiên với tôn chỉ “có sinh thái mới có sinh nhai”.
Mọi người nói vui, đó là một buổi cọ xát nảy lửa giữa “nhóm chỉ số kinh tế GDP” và “nhóm chỉ số hạnh phúc GNH”. Ồ, đó không phải là một buổi giảng bài, mà giống như một buổi tranh luận giữa hai giảng viên, nhưng trên nền tảng yêu thương và chia sẻ góc nhìn của nhau. Không có một kết luận nào được đưa ra trong buổi học, chỉ có những góc nhìn đa chiều được mở ra, để nhìn ngắm thế giới một cách tự do hơn. Sau đó mọi người cùng nhau ra vườn rau của xã, để cùng nông dân ở đó cày xới mảnh vườn không có thuốc, không có phân mà chỉ có trồng xen canh và dùng rượu gừng để chống các loài sâu hại…
Và một cộng đồng người trẻ rất khác
Tiến sĩ Nguyễn Phương Nga của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn sau lần tham gia Đại học Không giảng đường, quyết định về “dạy” hẳn ở chương trình không có chứng chỉ, không có bằng cấp này. Chị bảo: “Không giảng đường trong tôi là... giọt nước tràn ly. Ly là những suy nghĩ, những trăn trở và ấp ủ, những áp lực, hoang mang... cứ như đang lên men, sôi sùng sục nhưng vẫn bị kìm giữ bởi những quán tính của công việc và cơm áo. Hai khoá Đại học không giảng đường như cú hích cuối cùng để tôi nhìn nhận lại những giá trị, để có những quyết định rõ ràng hơn, để nhẹ nhàng từng bước thay đổi cuộc sống theo những giá trị mình theo đuổi”.
Cái từ khóa “giá trị” mà cô tiến sĩ – kiến trúc sư còn rất trẻ này, cũng chính là điều nối kết các thành viên tổ chức và học viên các khóa với nhau. Tôi không còn tham gia với vai trò giảng viên nữa, nhưng những học viên khóa 2016, và những khóa sau nữa, vẫn luôn là những người bạn trong một cộng đồng rất đặc biệt: những người có một sứ mệnh sẻ chia với cộng đồng.
Đó là Phong, chàng kiến trúc sư chọn làm hướng dẫn viên cho việc sử dụng tre nứa thay cho đồ nhựa để giảm rác thải. Đó là Nhi, cô phiên dịch viên cao cấp chọn mở các lớp học ngoài đồng ruộng cho trẻ con để khơi dậy cái kết nối giữa con trẻ với đất trời, hạt giống và cỏ cây…
Mùa đông năm nay, lại một thế hệ mới của Đại học không giảng đường, sẽ cùng nhau nói chủ đề “Sống như một món quà”. Bởi đơn giản, bạn biết không, bạn chính là món quà đặc biệt của cuộc sống này, dành cho gia đình, bạn bè và những người xung quanh. Bởi vì trong bạn luôn có những phẩm chất thật đáng quý. Nhưng đôi khi, dòng đời tấp nập khiến bạn quên mất điều này rồi, phải không? Nên hãy dừng lại, cảm nhận và tham gia để tìm lại chính mình.
Sống như một món quà là cách diễn đạt của khái niệm Giftivism. Đây được hiểu là tinh thần trao tặng, dâng hiến vô điều kiện vì một thế giới tốt đẹp hơn. Hãy nghĩ đến những người như Thánh Gandhi, Mẹ Teresa, Mục sư Martin Luther King, Nelson Mandela, họ là những người trao tặng, dâng hiến cả cuộc đời để mang đến những thay đổi tốt đẹp hơn cho thế giới. Ai cũng có thể làm được như họ, không cần ghi tên mình vào lịch sử, mà là người hùng của cuộc sống thường nhật, và truyền cảm hứng cho bao người khác - như một món quà.
Đại học Không giảng đường được thiết kế với triết lý “chuyển hoá bên trong để tạo thay đổi bên ngoài xã hội”. Ba trọng tâm của khoá học là: (i) kết nối với bản thân, (ii) kết nối với xã hội và (iii) kết nối với tự nhiên. Khoá học tập trung vào việc tạo ra một trải nghiệm trong đó mỗi người tìm về với chính mình, gặp gỡ những con người khiến mình phải đặt câu hỏi về giá trị sống, và trực tiếp tham gia làm những công việc nhỏ có ý nghĩa.
Sau khi tham gia Đại học Không giảng đường, các bạn trẻ có cơ hội gặp gỡ cộng đồng những người bạn cùng theo đuổi giá trị. |