Gần đây, xu hướng mua lại trong khối đại học tư nhân ở Trung Quốc diễn ra mạnh mẽ do các tập đoàn giáo dục đại học đang cạnh tranh để giành thị phần.

Ở Trung Quốc, nếu muốn gia nhập thị trường giáo dục thì mua lại là cách hiệu quả hơn so với xây trường mới bởi muốn được cấp phép hoạt động, các tổ chức trước hết phải chứng minh quyền sở hữu đối với mảnh đất xây trường.


Theo Deloitte, năm 2015, trị giá các cuộc sáp nhập và mua lại trong ngành giáo dục Trung Quốc tăng 165% so với năm trước. Tháng 12 năm ngoái, Tập đoàn Giáo dục Trung Quốc (CEG) bắt đầu niêm yết ở Hongkong.

4 nhà đầu tư lớn đăng ký mua cổ phiếu trong đợt IPO của CEG bao gồm Tập đoàn Tài chính Quốc tế của Ngân hàng Thế giới, Tập đoàn Đầu tư của Chính phủ Singapore, công ty quản lý đầu tư tư nhân Greenwoods của Trung Quốc, và Value Partners của Hongkong. CEG thu về 420 triệu USD trong đợt IPO và sáu tháng sau khi niêm yết, trị giá cổ phiếu của tập đoàn này đã tăng hơn 80%.

Ba tháng sau khi niêm yết, CEG cũng mua lại trường đào tạo nghề lớn nhất Trung Quốc với 24 nghìn sinh viên ở Trịnh Châu, bằng tổng số sinh viên của các trường xếp từ thứ 2 đến thứ 5 cộng lại; và trường kỹ thuật lớn nhất Trung Quốc với 20 nghìn sinh viên ở Tây An.

Trịnh Châu và Tây An đều là những trung tâm ở miền tây Trung Quốc, nơi kinh tế phát triển nhanh và có nhu cầu cao về nhân lực. Vị trí, mức độ bằng cấp, quy mô và lĩnh vực đào tạo được cho là những yếu tố quyết định việc các tập đoàn giáo dục tư nhân có mua lại một trường nào đó hay không.

Để xây dựng chương trình đào tạo mới, những trường được mua lại có thể sử dụng nguồn lực và kinh nghiệm từ các trường khác thuộc tập đoàn, nhờ vậy sẽ tiết kiệm thời gian và chi phí. Việc mua lại/sáp nhập các trường do đó mang về nhiều lợi ích, trong đó trước hết là tăng số người học.

Tuy nhiên, trên thực tế, phần nhiều các cuộc sáp nhập và mua lại không đạt được lợi nhuận như kỳ vọng. Một số người ước tính tỷ lệ thành công chỉ dưới 20%.

Theo Frost & Sullivan, trong tổng số thanh niên thất nghiệp ở Trung Quốc thì tỷ lệ sinh viên mới ra trường đã tăng từ 35% vào năm 2005 lên 45% vào năm 2016. Bởi vậy, thành công của các cuộc mua lại sẽ phụ thuộc vào khả năng các tập đoàn giáo dục tận dụng nguồn lực của mình để giúp các trường được mua lại đáp ứng nhu cầu luôn thay đổi của thị trường lao động ra sao.

Hiện Trung Quốc có hơn 740 trường đại học tư; và hàng nghìn trường đào tạo nghề, trường kỹ thuật - đa số do tư nhân thành lập, tài trợ và điều hành. Theo Frost & Sullivan, khoảng 22% sinh viên Trung Quốc đang học ở các trường tư. Ba năm nữa, con số này sẽ lên đến 24%.