Giải thưởng VinFuture (VFP) đang tạo được những ấn tượng đặc biệt trong cộng đồng khoa học quốc tế không chỉ bởi giá trị của Giải thưởng Chính lên đến 3 triệu USD, mà chủ yếu bởi những yếu tố mà không phải giải thưởng khoa học toàn cầu nào cũng có.

Nhà khoa học không làm nghiên cứu để kiếm giải thưởng, nhưng giải thưởng - đặc biệt là những giải thưởng danh giá - vẫn luôn có sức hút. Bước sang mùa thứ hai, gần 1.000 dự án nghiên cứu đã được đề cử cho Giải thưởng Khoa học và Công nghệ toàn cầu VinFuture, tăng gần gấp đôi so với năm ngoái; và quá nửa trong số đó được đề cử bởi những nhà khoa học uy tín (nằm trong top 2% các nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất thế giới).

Ấn tượng đầu tiên tạo nên sức hút của VinFuture, đó là nó đề cao những tác động trực diện của khoa học và công nghệ để tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn. Đương nhiên, VFP gây ‘sốc’ bởi Giải thưởng Chính trị giá 3 triệu USD, cao hơn cả giải Nobel - theo GS Quarraisha Abdool Karim, Trung tâm CAPRISA Nam Phi, người cùng với chồng là chủ nhân của VFP mùa 1 ở hạng mục Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển. Nhưng bà cho rằng, điều sẽ đưa VFP lên bản đồ những giải thưởng khoa học tầm vóc của thế giới - tương tự như Giải Kyoto của Quỹ Inamori, Nhật Bản hay Grande Médaille của Viện hàn lâm Khoa học Pháp - nằm ở chỗ nó tôn vinh những nghiên cứu tạo ra thay đổi có ý nghĩa đối với đời sống của hàng triệu người. “Đó là điều tôi ấn tượng nhất và khiến tôi không ngần ngại nhận lời làm giám khảo [Hội đồng Sơ khảo] tại VFP mùa 2.”

GS
GS Quarraisha Abdool Karim trong Tuần lễ KH&CN VinFuture 2022. Nguồn: Quỹ VinFuture

“Giải thưởng giờ đã được toàn cầu biết tới. Từ đồng nghiệp bên Mỹ của tôi đến các đồng nghiệp tôi gặp khi đi thuyết trình quốc tế đều bày tỏ khâm phục và ngưỡng mộ vì Việt Nam có một doanh nhân có tầm nhìn chú trọng kết nối toàn cầu và chú trọng khoa học-công nghệ như vậy,” GS Nguyễn Thục Quyên, ĐH California - Santa Barbara, người đồng hành với VFP từ mùa đầu, nói về ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Vingroup, người đã cùng vợ mình sáng lập Quỹ VinFuture với hoạt động trung tâm là VFP.

Cả GS Karim và GS Quyên còn có chung ấn tượng về số lượng và sự đa dạng của các đề cử ở mỗi hạng mục trong mùa 2. “Chất lượng của các nghiên cứu nhìn chung rất xuất sắc,” GS Quyên, đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo, nói. “Thành thử giám khảo làm việc rất cực nhưng cũng rất vui”.

Theo GS Sir Richard Henry Friend, ĐH Cambridge, Chủ tịch Hội đồng VFP, sau mùa giải đầu tiên tạo được tiếng vang trong cộng đồng khoa học toàn cầu bởi tính chuyên nghiệp, không có gì ngạc nhiên khi năm nay Hội đồng Giải thưởng phải “vất vả” hơn. Ông cho biết, nhiều phát minh trong mùa giải này mới mẻ ngay cả với các giám khảo. Ông bày tỏ niềm tin rằng những công trình thắng giải sẽ hoàn toàn chinh phục được cả giới chuyên môn và công chúng.

GS. Friend lưu ý, trên thế giới có nhiều giải thưởng khoa học lớn nhưng không có giải nào xây dựng được những hạng mục hướng tới nhiều cộng đồng khoa học, bao gồm nhà khoa học nữ và nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển, như VFP. Đồng thời, ông hết sức tâm đắc với chủ đề “Hồi sinh và Tái thiết” của VFP mùa 2 bởi nó nhấn mạnh vai trò hàn gắn của khoa học và công nghệ trong bối cảnh thế giới hậu COVID.

Nhưng VFP không chỉ dừng ở việc trao giải. “Bên cạnh việc trao giải, Quỹ VinFuture còn có hoạt động thứ hai là kết nối toàn cầu. Nếu các nhà khoa học trẻ Việt Nam muốn được kết nối để học hỏi kinh nghiệm hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ thì có thể liên lạc trực tiếp với Quỹ, Quỹ sẽ giúp việc đó,” GS Quyên cho biết.

Đề cập việc Quỹ VinFuture đã mang những nhà khoa học hàng đầu đến Việt Nam để kết nối, GS Quyên bày tỏ, “nếu có cơ sở hạ tầng để các nhà khoa học Việt Nam mình làm nghiên cứu hợp tác với quốc tế thì rất tốt. Tôi hy vọng trong tương lai, Chính phủ sẽ đầu tư thêm nhiều về cơ sở hạ tầng cho nghiên cứu.”

Trong khi đó, GS Karim trân trọng VFP như là nơi các nhà khoa học tương tác và tạo ra mạng lưới lâu dài. Sau khi nhận giải, bà đã thiết lập một số mối quan hệ hợp tác để đưa sinh viên y khoa Việt Nam đến Nam Phi và triển khai những dự án nghiên cứu chung về y tế giữa học giả hai nước. Điều đáng mừng nữa, đối với GS Karim, là “VFP đã cho chúng tôi tầm ảnh hưởng nhất định để có thể khuyến khích và giúp đỡ những người trẻ tuổi theo đuổi sự nghiệp khoa học.”

Tối 20/12, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Giải thưởng VinFuture 2022 vinh danh 9 nhà khoa học vớibốn công trìnhđã và đang tác động tới đời sống của nhân loại, hay nói như Chủ tịch Hội đồng Giám khảo, là những công trình vừa có tầm nhìn xa, vừa có tác động thực tế: Công nghệ mạng toàn cầu (Giải thưởng Chính, 3 triệu USD); Hệ thống trí tuệ nhân tạo giải mã protein AlphaFold 2 (Giải Đặc biệt dành cho Nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới, 500 nghìn USD); Phân lập gen Sub1A tạo giống lúa chịu ngập dài hạn (Giải Đặc biệt dành cho Nhà khoa học nữ, 500 nghìn USD); và Hệ thống lọc nước nhiễm Asen và kim loại nặng với chi phí thấp (Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển, 500 nghìn USD).

Nhà khoa học Việt nghĩ gì về VFP

Nơi
Tuần lễ KH&CN VinFuture 2022 là nơi gặp gỡ của nhiềunhà khoa học danh tiếng. Ảnh: Quỹ VinFuture

VFP dường như đã thuyết phục được cộng đồng khoa học quốc tế. Vậy còn cộng đồng khoa học trong nước nghĩ gì về Giải thưởng? Những nhà khoa học đến từ các trường đại học và viện nghiên cứu lớn mà chúng tôi có dịp trao đổi về vấn đề này đều bày tỏ thiện cảm và mối quan tâm dành cho VFP.

“Khi người ta tôn vinh giá trị gì thì giá trị đó sẽ phát triển, nên tôi nghĩ rằng, ở thời đại ngày nay, việc tôn vinh tri thức và các công trình nghiên cứu có giá trị cho cộng đồng là điều rất tự nhiên, cần làm nhiều hơn và cần làm tốt hơn,” một nữ tiến sĩ ngành sinh học, chia sẻ.

“Nhà khoa học là những người thích làm việc lặng lẽ để thỏa mãn óc tò mò của mình. Khi nghiên cứu của họ được công bố hay ứng dụng thì đó đã là sự tưởng thưởng lớn nhất đối với họ rồi," theo một nữ tiến sĩ Vật lý. "Nói vậy nhưng giải thưởng vẫn rất quan trọng, nó có thể mang đến một kiểu phấn chấn khác về tinh thần cho nhà khoa học, có khi còn tạo ra sự phấn chấn cho cả một cộng đồng như trường hợp GS Ngô Bảo Châu thắng giải Fields và niềm hân hoan của cả cộng đồng những người yêu toán học.”

Một tiến sĩ ngành khoa học dữ liệu tại ĐH Tổng hợp Umeå, Thụy Điển, thì hào hứng: “Trước giờ, nhiều người cho là giải thưởng thì để các nước bạn nghĩ ra và trao tặng, người Việt mình không nên phung phí tiền vào việc trao giải. Nhưng Việt Nam mình đã khác trước, trong một số ngành nghiên cứu, Việt Nam hoàn toàn có thể dẫn đầu và tạo xu hướng, thay vì chỉ theo xu hướng thế giới. Vì thế, một giải thưởng khoa học và công nghệ quốc tế uy tín được trao bởi Việt Nam, tại Việt Nam sẽ là nhân tố quan trọng thúc đẩy nghiên cứu và hợp tác quốc tế của Việt Nam.”

Tuy nhiên, hầu hết các nhà khoa học mà chúng tôi trao đổi cùng đều “mặc định” VFP là giải thưởng dành cho nhà khoa học nước ngoài vì các phát kiến của Việt Nam chưa đạt đến mức độ “đột phá”. (Thực tế, số đề cử đến từ Việt Nam còn rất ít, qua cả hai mùa giải VFP).

“VFP có quy mô toàn cầu, do đó những người đoạt giải - trừ giải đặc biệt dành cho nhà khoa học từ các nước đang phát triển - chắc chắn đều đến từ những quốc gia có nền khoa học rất phát triển và tiên phong dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực khoa học được giải,” một tiến sĩ ngành vật liệu bình luận. “Nên logic mà nói thì đây không phải là sân chơi cho các nhà khoa học Việt Nam. Thực tế càng chứng minh như vậy. Việt Nam mới bắt đầu nhen nhóm có thành tựu khoa học trên bình diện thế giới trong vòng 10 năm trở lại đây, quá lên là 20 năm. Nên có thể nói nền khoa học Việt Nam rất non trẻ, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ. Với một nền khoa học như vậy, các nhà khoa học làm việc tại Việt Nam hầu như không thể cạnh tranh tại VFP,” theo tiến sĩ ngành vật liệu.

Mối quan tâm của các nhà khoa học Việt Nam đối với VFP bởi vậy tạm thời dừng ở chỗ, liệu những nhà khoa học với trình độ thế giới đến Việt Nam qua kết nối của Quỹ VinFuture và VFP có thể giúp gì cho cộng đồng khoa học Việt Nam nói chung, hay một tổ chức khoa học và công nghệ cụ thể nào đó nói riêng. “Thực tế thì chưa thể thấy ảnh hưởng trong vòng ít năm, tuy nhiên nếu có sự thấu hiểu về văn hóa làm việc của hai bên, ở đây là cộng đồng khoa học Việt Nam và các nhà khoa học tầm cỡ thế giới, thì rõ ràng ảnh hưởng sẽ xuất hiện trong dài hạn. Còn hiện nay thì tôi thấy cộng đồng khoa học và công nghệ Việt Nam chưa thật sự liên quan, cả về trình độ lẫn văn hóa làm việc và các mối bận tâm thực tế,” tiến sĩ ngành vật liệu nói.

Cũng đặt kỳ vọng vào mục đích kết nối của Quỹ VinFuture, nữ tiến sĩ ngành sinh học tỏ ra khá "hụt hẫng" khi mục đích đó chưa đạt được tại chuỗi tọa đàm trong khuôn khổ Tuần lễ KH&CN VinFuture 2022 mà chị cất công đường xa đến dự. “Các chủ đề tọa đàm đều rất hot: năng lượng, nông nghiệp bền vững, vật liệu mới, điều trị ung thư… Với các khách mời có trình độ như hôm đó, lẽ ra có thể tạo được ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều. Đối với mỗi vấn đề, người nghe đều muốn được tiếp cận từ các hướng - kỹ thuật, tiềm năng triển khai, chính sách, cơ hội hợp tác. Đáng tiếc là các nội dung trình bày đều còn chung chung và chưa trọn vẹn.”

Nói hơi lạc ra ngoài câu chuyện về VFP, tiến sĩ ngành vật liệu cho rằng, “Không có giải Nobel thì một ngày đẹp trời nào đó sóng hấp dẫn vẫn được quan sát trên Trái đất. Còn nếu không có môi trường làm việc trọng dụng, tin tưởng tài năng và tạo điều kiện thì khoa học khó mà có thành tựu lớn. Nói đâu xa, ở Việt Nam hiện nay, việc quản lý dự án/đề tài khoa học gần giống với quản lý xây dựng cơ bản, cũng bởi thiếu sự tin tưởng vào người làm khoa học.”

Quỹ VinFuture ra đời vào ngày 20/12/2020, cũng là Ngày Quốc tế Đoàn kết Nhân loại. Vào thời điểm đó, đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành ở nhiều quốc gia nhưng vaccine mRNA vừa được chấp thuận khẩn cấp. Có thể đoán rằng, thông qua sự trùng hợp này, những nhà sáng lập Quỹ VinFuture muốn đề cao bài học về tình đoàn kết, một bài học trên thực tế đã giúp các vaccine Covid-19 ra đời nhanh hơn và sau đó được chia sẻ công bằng hơn giữa các quốc gia, đưa toàn cầu dần vượt qua đại dịch.