Các nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học và Kỹ thuật Tính toán Oden thuộc Đại học Texas đã tạo ra một mô hình máy tính xác định tốc độ tan chảy của mặt trước sông băng Greenland.

Tình trạng tan chảy của dải băng Greenland là một yếu tố dự báo chính về mực nước biển dâng. Đây là dải băng lớn thứ hai trên Trái đất và chiếm khoảng 80% diện tích quốc gia Bắc Âu này. Nếu nó tan chảy hoàn toàn, như đã xảy ra ở đỉnh điểm thời kỳ băng tan Eemian khoảng 125.000 năm trước, mực nước biển toàn cầu có thể dâng thêm 6,1 mét.

Sông băng tan chảy bên bờ Greenland
Sông băng tan chảy bên bờ Greenland.

Trong nhiều thập kỷ, các nhà hải dương học không thể tiếp cận mặt trước sông băng Greenland, hay phần rìa bên ngoài hướng ra biển, do các tảng băng có nguy cơ rơi xuống. Bởi vậy, họ phải dùng thềm băng ổn định làm cơ sở cho các mô phỏng của mình.

Kirstin Schulz, giám sát viên nghiên cứu thuộc Nhóm Nghiên cứu Tính toán trong Nhóm Hệ thống Băng và Đại dương (CRIOS) của Viện Oden, cho biết: “Trong nhiều năm, người ta lấy mô hình tốc độ tan chảy của các sông băng trôi nổi ở Nam Cực để áp dụng cho mặt trước sông băng của Greenland. Đó là giải pháp tốt nhất mà chúng ta có thể làm do hạn chế về quan sát. Ai biết được nó đúng hay sai? Nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy phương pháp truyền thống tính toán tốc độ tan chảy của Greenland quá chậm [so với thực tế]."

Schulz cùng các đồng tác giả Nguyễn T. An và Helen Pillar đã chọn một con đường khác. Khi thiết kế mô hình này, họ đã kết hợp tính chất vật lý độc đáo của mặt trước sông băng Greenland và cho nó dữ liệu lấy gần địa điểm này hơn bao giờ hết.

Bốn năm trước, Rebecca Jackson tại Trường Khoa học Môi trường và Sinh học tại Rutgers đã phóng những chiếc thuyền kayak robot chứa cảm biến hải dương học vào phạm vi 400 mét của sông băng LeConte của Alaska, đây là nơi không ai dám tiến vào. Bộ dữ liệu của bà đã cho thấy điều bất ngờ: Mặt trước sông băng LeConte đang tan chảy nhanh gấp 100 lần so với dự đoán của các mô hình tính tốc độ sông băng tan chảy hiện có. Với bộ dữ liệu này, Schulz đã hợp tác với Nguyễn và Pillar để phát triển một mô hình tốt hơn.

Schulz nói: “Kết quả từ mô hình khí hậu đại dương rất phù hợp để loài người dự đoán các xu hướng liên quan đến biến đổi khí hậu. Đây là một bước vô cùng quan trọng để làm ra những mô hình khí hậu tốt hơn”.

Nghiên cứu của nhóm Schulz đã được công bố trên tạp chí Geophysical Research Letters.


Nguồn: