Lần đầu các nước trên thế giới đạt được một thỏa thuận đặt ra các mục tiêu định lượng về đa dạng sinh học, tương tự như mục tiêu giữ cho nóng lên toàn cầu trong phạm vi 1,5–2ºC so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Ngày 19/12, hơn 190 quốc gia đã ký thỏa thuận Khuôn khổ Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal tại hội nghị thượng đỉnh đa dạng sinh học quốc tế COP15 ở Montreal, Canada. Đây là lần đầu các nước đạt được một thỏa thuận đặt ra các mục tiêu định lượng về đa dạng sinh học, tương tự như mục tiêu giữ cho nóng lên toàn cầu trong phạm vi 1,5–2ºC so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Mục tiêu chính của thỏa thuận này nhằm bảo vệ và khôi phục 30% diện tích đất và biển trên toàn cầu vào năm 2030, đồng thời tôn trọng quyền của người dân bản địa, những người sinh sống dựa vào và quản lý phần lớn các khu vực đa dạng sinh học còn lại của Trái đất. Một mục tiêu khác là các quốc gia ký kết sẽ giảm tỷ lệ tuyệt chủng của các loài động vật.

Steven Guilbeault, Bộ trưởng Môi trường Canada, mô tả COP15 là hội nghị đa dạng sinh học quan trọng nhất từng được tổ chức. “Chúng ta đã đạt được một bước tiến lớn trong lịch sử”, Guilbeault nói tại phiên họp toàn thể, nơi Khuôn khổ được thông qua.

Các nhà khoa học và các nhóm bảo tồn hoan nghênh thỏa thuận này, nhấn mạnh rằng chưa bao giờ có một thỏa thuận quốc tế bảo vệ thiên nhiên ở quy mô như vậy, coi đây là một thời khắc lịch sử đối với đa dạng sinh học.

Các nhà đàm phán đại diện cho nhiều quốc gia ký thỏa thuận bảo vệ thiên nhiên vào ngày 19/12 tại Montreal.

Vẫn còn lỗ hổng

Một số nước hài lòng với thỏa thuận mới, trong khi một số nước cho rằng tiếng nói của họ chưa được lắng nghe.

Vào những giờ đàm phán cuối cùng, Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) đã phản đối cách tài trợ cho khuôn khổ này. Dù vậy, Huang Runqiu, Bộ trưởng Môi trường của Trung Quốc và là chủ tịch của COP15, vẫn cho kết thúc thảo luận và đi đến thỏa thuận cuối cùng.

Tranh cãi về tài trợ từ lâu đã là một rào cản lớn trong việc đi đến thỏa thuận quốc tế về bảo vệ đa dạng sinh học. Trong thỏa thuận cuối cùng, đến năm 2030, tài trợ cho đa dạng sinh học từ tất cả các nguồn công và tư phải tăng lên ít nhất 200 tỷ USD mỗi năm, trong đó bao gồm ít nhất 30 tỷ USD là đóng góp từ các quốc gia giàu có dành cho các quốc gia có thu nhập thấp. Khoản tài trợ hiện tại cho đa dạng sinh học chỉ bằng 1/3 con số này, dù vậy, thỏa thuận vẫn chưa đạt đến 700 tỷ USD mỗi năm, mức ước tính cần để bảo vệ và khôi phục hoàn toàn môi trường tự nhiên.

Các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình (LMICs), trong đó có DRC, đã kêu gọi thành lập một quỹ độc lập, hoàn toàn mới để tài trợ cho đa dạng sinh học. Lee White, Bộ trưởng Môi trường Gabon, nói rằng khối LMICs đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF), do Ngân hàng Thế giới nắm giữ, bởi việc phân bổ vốn chậm.

Nhưng Pháp và Liên minh châu Âu phản đối gay gắt việc thành lập một quỹ mới, với lý do sẽ mất quá nhiều thời gian. Thay vào đó, Khuôn khổ thỏa hiệp bằng cách thành lập một quỹ ủy thác vào năm tới, thuộc GEF. Thỏa thuận cuối cùng cũng kêu gọi GEF cải cách quy trình để giải quyết các mối quan tâm của LMICs.

Ngoài ra còn một số thiếu sót khác. Thỏa thuận không đưa ra yêu cầu bắt buộc đối với các công ty và tập đoàn trong việc theo dõi và minh bạch tác động của họ đối với đa dạng sinh học, trong khi chỉ hành động tự nguyện thôi thì không đủ.

Thỏa thuận cũng không "mạnh tay" giải quyết các nguyên nhân gây mất đa dạng sinh học, bởi không chỉ ra cụ thể các ngành gây tổn hại đến hệ sinh thái nhất, chẳng hạn như đánh bắt cá thương mại và nông nghiệp, và cũng không đặt ra các mục tiêu chính xác để các ngành này phải quan tâm hơn đến bảo tồn đa dạng sinh học làm trọng tâm của mình, theo các nhà nghiên cứu.

“Tôi muốn thấy nhiều tham vọng và tiêu chí chính xác hơn trong việc giải quyết những nguyên nhân này", Sandra Diaz, nhà sinh thái học tại Đại học Quốc gia Córdoba, Argentina, nói.

Thỏa thuận này không ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng các quốc gia sẽ phải chứng minh tiến trình đạt các mục tiêu của Khuôn khổ thông qua các đánh giá ở cấp độ quốc gia và toàn cầu. Thỏa thuận quốc tế về đa dạng sinh học trước đây, Mục tiêu đa dạng sinh học Aichi, được đặt ra vào năm 2010 và hết hạn vào năm 2020, đã không được hiện thực hóa. Các nhà khoa học cho rằng thất bại này xảy ra do thiếu cơ chế chịu trách nhiệm.

Nhìn chung, thỏa thuận mới đánh dấu sự tiến bộ trong việc giải quyết vấn đề mất đa dạng sinh học, nhưng đó không phải là sự thay đổi mạnh mẽ mà các nhà khoa học mong đợi. Diaz nói: “Tôi không chắc thỏa thuận này có đủ cứng rắn để hạn chế các hoạt động gây hại nhiều nhất hay không".

Nguồn: