Tôi luôn tự hỏi, điều gì đang chờ đợi người chủ trang trại có 5.000 con lợn chết ở Thanh Hóa trong trận ngập tuần trước? Phá sản là gần như chắc chắn. Họ sẽ đối mặt thế nào với số tiền vay ngân hàng để đầu tư? Bao giờ họ khôi phục được kinh tế? Còn với đồng bào các dân tộc thiểu số, sự phục hồi sau khi lũ cuốn sạch nhà cửa, tư liệu sản xuất còn khó hơn gấp bội.
Sạt lở, lũ quét là thiên tai nhưng cũng là nhân tai - như việc phá rừng
đầu nguồn, khai thác khoáng sản không đúng quy hoạch, xây các công trình
hạ tầng, đường, cầu... không đảm bảo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường,
người dân liều mình sống ở ven suối, sườn dốc, núi, chân taluy... bất
chấp cảnh báo.
Người Việt Nam có thể làm gì để giảm rủi ro khi có cảnh báo về trượt đất, lũ quét? Tôi đã chứng kiến cách người Mỹ đối mặt với cơn bão Irene đánh vào New York năm 2015 và nghĩ chúng ta cần học hỏi họ.
Trong những ngày trước và sau bão, các kênh truyền hình công của Mỹ chỉ cập nhật về cơn bão và chỉ dẫn người dân phải làm gì để vượt qua nó. Họ tư vấn chi tiết từ việc trữ nước sạch, dán băng dính vào cửa để nếu gió đánh vỡ cửa kính, mảnh thủy tinh không văng vào người. Khi đó, tôi đang ởmột khách sạn trung tâm thành phố và được sơ tán tới nơi an toàn hơn. Sau cơn bão, NewYork có 30 người thiệt mạng nhưng đều do bị bệnh và không liên hệ được với bác sỹ khi khẩn cấp.
Nên nhớ, trong kế hoạch hành động với nhiều hạng mục mà các quốc gia cần làm để bảo vệ con người và tài sản mà hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2005 đưa ra, giải pháp về con người được coi trọng không kém giải pháp công trình. Nếu trang bị kỹ kiến thức cho người dân, thiệt hại do trượt đất, lũ quét hoàn toàn có thể giảm thiểu.
Ở Việt Nam, điều này chưa được thực hiện đủ tốt để đạt hiệu quả. Việc cần làm là cảnh báo sớm, chính xác để sơ tán người, một số trường hợp phải chuyển vĩnh viễn chỗ ở, dù đây không phải việc dễ dàng, nhất là với đồng bào các dân tộc ít người.