Thông tin này được TS Nguyễn Đức Mạnh chia sẻ tại hội thảo Sạt lở đất – Lũ quét và giải pháp cho sự phát triển bền vững do Ủy ban dân tộc tổ chức sáng 14/10. Hội thảo có sự tham dự của ông Đinh Quế Hải – Phó chủ nhiệm Uỷ ban dân tộc, ông Nguyễn Linh Ngọc - Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường, và lãnh đạo, đại diện Ủy ban Dân tộc các tỉnh miền núi phía Bắc, đại diện các bộ, ngành.
Theo thống kê của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, từ năm 2000 đến năm 2015, cả nước ghi nhận trên 150 đợt lũ quét, sạt lở, làm chết và mất tích hơn 646 người, hơn 9.700 ngôi nhà bị hư hỏng, nhiều công trình dân sinh, giao thông, thủy lợi bị hư hại, thiệt hại kinh tế ước tính 3300 tỷ đồng. Chỉ tính riêng đợt mưa lũ lịch sử diễn ra vào ngày 10/10 vừa qua, đã có gần 50 người thiệt mạng, nâng tổng số người chết do sạt trượt, lũ quét từ đầu năm 2017 lên đến hơn 100 người.
Theo ông Đinh Quế Hải, tình trạng sạt lở đất đã gây ra nhiều thiệt hại về người, trong đó Hòa Bình là tỉnh thiệt hại nặng nhất. Ông Hải đã cùng với lãnh đạo các bộ, ngành đi thăm xóm Thanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, Hòa Bình, nơi có 5 gia đình bị chôn sâu dưới đất do sạt lở. Tổng số người chết và mất tích trong tại nạn này là 18 người.
Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm phòng chống giảm nhẹ thiên tai cũng như khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, do mức độ ảnh hưởng của thiên tai, mức độ phòng chống của người dân còn hạn chế nên hầu như năm nào cũng bị ảnh hưởng. Điều này gây ra thiệt hại nghiêm trọng về tư liệu sản xuất và lương thực tích trữ của người dân.
“Nhận thức được những nguy hiểm của sạt lở đất, Ủy ban Dân tộc đã đề xuất với Chính phủ cần giải quyết một cách căn bản các ảnh hưởng của thiên tai, đề đồng bào sinh sống tại những khu vực này có cuộc sống ổn định an toàn hơn” - ông Hải nói.
Bên cạnh hoàn thiện các cơ chế quản lý về thể chế chính sách, TS Nguyễn Đức Mạnh - ĐH Giao thông vận tải, người trực tiếp xử lý sạt trượt tại đồi Ông Tượng (TP Hòa Bình) nhấn mạnh: “Việc xử lý sạt trượt vào thời điểm thích hợp nhất là khi chưa xảy ra. Thời điểm xử lý là vô cùng quan trọng. Bởi lẽ, đã xảy ra rồi thì chi phí xử lý và các giải pháp kỹ thuật sẽ phức tạp và khó khăn hơn nhiều”.
Dẫn chứng bằng việc xử lý tại đồi Ông Tượng, là khu vực TS Mạnh xử lý 2 lần vào năm 2013 và 2015. Khi xảy ra sạt trượt ở giai đoạn đầu, phương án xử lý tiêu tốn khoảng 8,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp nên chủ đầu tư - tỉnh Hòa Bình - buộc phải chia nhỏ các giải pháp kỹ thuật. Khi đang xử lý dang dở vào năm 2013, do một số vấn đề, việc chống sạt trượt được dừng lại. Đến năm 2015, do mưa lớn, sạt trượt sảy ra nặng nề hơn và lúc này, TS Nguyễn Đức Mạnh lại tiếp tục phải đưa ra các giải pháp khác để chống đỡ.
“Sau khi hoàn thành cả 2 giai đoạn, tổng kinh phí lên tới hơn 30 tỷ đồng. Như vậy, so với phương án ban đầu là 8,5 tỷ đồng thì việc để sạt trượt xảy ra rồi mới xử lý tốn kém và phức tạp hơn nhiều. Vì thế, cần có những nghiên cứu cụ thể để xử lý kịp thời đúng thời điểm là cách tiết kiệm nhất” - TS Mạnh nói.
Đồng ý với quan điểm này, TS Đinh Văn Tiến – Viện Khoa học Công nghệ Giao thông Vận tại - cho rằng, việc cần làm là xây dựng cơ sở dữ liệu về trượt đất và đặc điểm trượt đất của những vùng cụ thể. Với những khu vực được dự báo là nhạy cảm, cần có thiết bị quan trắc để từ các chỉ số thống kê. Bản đồ này phải xây dựng cho từng xã, từng địa phương với những khu vực thường xuyên xảy ra để từ đó đưa ra được cảnh báo về nguy cơ kịp thời đến người dân.
Cho rằng việc cảnh báo không chỉ nên phụ thuộc vào hệ thống mà còn cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà khoa học, nhà quản lý và người dân, PGS-TS Đỗ Đức Minh - ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) - cho rằng ngay cả ở Nhật Bản – quốc gia hàng đầu về sạt trượt - cũng không thể cảnh báo chính xác 100%.
“Trong vụ ngập lụt cách đây vài năm ở Hiroshima, dù đã có cảnh báo sạt trượt nhưng người dân không tin vì vài lần trước đó cảnh báo đã sai. Khi sự việc xảy ra vào 3 giờ sáng, trời mưa rất to, người dân khó di chuyển đã dẫn đến sự việc đau lòng” - ông Minh nói.