Những thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn khiến ký ức về vụ trượt lở đất làm chết 3 người và bị thương 4 người trong một gia đình ở xóm Nà Tềnh, Cần Nông, Thông Nông, Cao Bằng trở lại ám ảnh kỹ sư Đào Văn Quyền - người chứng kiến thảm họa tối 2/8/2015.

Bóng ma thảm họa

Là người tham gia bảo trì quốc lộ (QL) 4A đoạn km231+150 thời điểm đó, thi công ngay sát nơi gia đình nạn nhân ở, kỹ sư Quyền - Công ty xây dựng Nam Hải - cho biết, khu vực này năm nào cũng xảy ra sạt - trượt. Mỗi mùa mưa, đất đá ven các sườn núi thường lao xuống phủ kín đường; nhiều khi giao thông tê liệt tới vài ngày.

“Về vụ trượt đất đêm 2/8/2015 ở Nà Tềnh, do mưa kéo dài từ 17h, người ta đã thấy những mạch bùn đùn lên phía sườn núi. Đất nứt ra. Trước đó, chính quyền đã cảnh báo và cấp tiền xây nhà để gia đình ông Khuôn di dời khỏi nơi nguy hiểm, nhưng họ vẫn ở đó, cho đến khi một mảng lớn đất đá trượt xuống trong đêm, cuốn phăng ngôi nhà đang chứa 10 người” - ông Quyền kể.

Ông bị ám ảnh nặng khi chứng kiến máy xúc tìm thi thể vợ chồng gia chủ và con trai 20 tuổi của họ suốt mấy ngày. Tai nạn trên không hề hi hữu.

Khắc phục hậu quả vụ sạt lở đất ở huyện Thông Nông, Cao Bằng năm2015. Ảnh: Quyền Đào
Khắc phục hậu quả vụ sạt lở đất ở huyện Thông Nông, Cao Bằng năm 2015. Ảnh: Quyền Đào

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương, từ năm 2000- 2014, cả nước xảy ra 250 đợt lũ quét, sạt lở đất, làm chết và mất tích 646 người, bị thương 351 người, thiệt hại trên 3.300 tỷ đồng. Con số thiệt mạng do trượt lở đất hằng năm vẫn tăng đều. Triển khai đề án phân vùng cảnh báo nguy cơ sạt lở đất đá các vùng miền núi, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) ghi nhận 10.266 điểm đang có nguy cơ sạt lở đất tại 10 tỉnh miền núi phía bắc; trong đó 2.110 điểm nguy cơ có khối lượng trượt lớn, rất lớn và đặc biệt lớn.

Nghiên cứu của Viện Khoa học công nghệ (KHCN) giao thông vận tải - ITST, Bộ Giao thông Vận tải - cho thấy, Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của bão, lượng mưa trung bình năm cao, địa hình chủ yếu là vùng núi, hoạt động kiến tạo cổ tạo ra các đứt gãy có quy luật theo hướng tây bắc - đông nam. Hoạt động sụt trượt đất đá trên các tuyến đường thuộc mức trung bình cao so với thế giới.

Theo Phó Giáo sư - tiến sỹ (PGS-TS) Nguyễn Bá Kế - nguyên Viện trưởng Viện KHCN xây dựng, Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội đồng khoa học Công ty cổ phần FECON, ở Việt Nam, nguyên nhân gây sạt - trượt chủ yếu là sự thay đổi môi trường sống, sự can thiệp của con người vào tự nhiên: “Trước đây, sạt lở đất xảy ra ít hơn. Những can thiệp xây dựng không theo quy định đã làm thay đổi dòng chảy, độ ẩm, sự tích nước của đất, dẫn đến sạt lở. Yếu tố dân sinh - khai thác, phá rừng, đào đường - làm mất đi sự cân bằng, ổn định của đất, rồi các tác động tự nhiên như chấn động của đất, gió bão, mưa xói cũng dẫn đến sạt - trượt”.


Công nghệ không thiếu, cần tầm nhìn vĩ mô

PGS Kế cho biết, nhiều nước có chương trình quản lý sạt - trượt rất tốt, bố trí các điểm dân cư tránh vùng nguy hiểm. Các điểm dân cư trong vùng nguy hiểm được củng cố, gia cường.

“Ở các nước phát triển, vấn đề này đã nghiên cứu từ rất lâu và bài bản, đồng thời có giải pháp hạn chế phù hợp với mức độ nguy cơ. Còn ở Việt Nam, các cấp chính quyền đã nhận thức được nhưng không đủ tiềm lực kinh tế để quản lý” - ông Kế nói và cho biết, hiện các tỉnh miền Bắc, miền Trung đều có bản đồ sạt lở nhưng quản lý thế nào lại là chuyện khác.

Tại nhiều diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các địa phương căn cứ số liệu quan trắc để báo động sạt lở cho người dân. Tuy nhiên, PGS Kế cho rằng, từ thu thập thông tin đến báo động là cả một vấn đề, nếu phản hồi báo lên nhưng không ai xử lý thì cũng không có ý nghĩa. Trong khi đó, đầu tư hệ thống quan trắc cảnh báo rất tốn tiền.

Các nước nhỏ như Thuỵ Điển chỉ dự báo sạt lở ở những vùng quan trọng bằng hệ thống tự động. Hệ thống trị giá 200-300 triệu USD của nước này thông báo về độ ẩm, nguy cơ sạt - trượt, tốc độ ôtô hợp lý khi đường ướt... Còn Nhật Bản có hệ thống quan trắc từ máy bay và vệ tinh, thống kê các điểm cảnh báo, kết nối với vệ tinh và gửi về trung tâm.

“Về giải pháp công nghệ, các nhà khoa học Việt Nam đều biết cả, nhưng mình không đủ tiềm lực kinh tế và kỹ thuật để áp dụng. Lắp đặt là một chuyện, quản lý hệ thống phân tích cảnh báo là chuyện khác, phải đào tạo cả một hệ thống quản lý các trạm quan trắc” - ông Kế nói.

TS Đinh Văn Tiến - ITST - cho rằng để chống sạt - trượt hiệu quả, cần cái nhìn tổng quan ở tầm vĩ mô, có các công cụ hữu hiệu để quản lý, gồm: Xây dựng cơ sở dữ liệu các vùng nguy cơ; xây dựng hệ thống quan trắc tại các địa phương; lập 4 loại bản đồ cơ bản (nhận dạng trượt đất, đánh giá khu vực nhạy cảm, đánh giá rủi ro các điểm từng trượt lở; khu vực ảnh hưởng khi trượt đất).

Giải pháp kỹ thuật chống đá rơi, đá lở bằng lưới thép cường độ cao chống ăn mòn ở QL6. Ảnh: Ngọc Vũ
Giải pháp kỹ thuật chống đá rơi, đá lở bằng lưới thép cường độ cao chống ăn mòn ở QL6. Ảnh: Ngọc Vũ

“Từ cơ sở thông tin tổng quan này mới có thể xây dựng kế hoạch, kịch bản ứng phó phù hợp” - ông Tiến nhấn mạnh. Mặc dù Việt Nam đã có nhiều công trình nghiên cứu, khảo sát địa chất, nguy cơ sạt lở đất, lập bản đồ phân vùng... song theo TS Nguyễn Đức Mạnh - Đại học Giao thông Vận tải, mảng sạt - trượt chưa được quan tâm đúng mức, trong đó ngoài vấn đề kinh phí, việc nhiều nhà quản lý chưa thực sự quan tâm là một nguyên nhân.

“Chính vì thế nên mỗi mùa mưa bão, nhiều khu vực luôn trong tình trạng cảnh báo đỏ. Như ở thị trấn Xín Mần (Hà Giang), các khối trượt đã hình thành và cả thị trấn nằm trên khối trượt này. Nhiều nghiên cứu đã chỉ rõ nguy cơ nhưng địa phương chưa có tiền để xử lý” - ông Mạnh nói và cho rằng, tuy Chính phủ đã đưa ra định hướng rất rõ với dạng thiên tai này là xây dựng kế hoạch phòng tránh - phản ứng - giảm thiểu, nhưng việc triển khai xuống đến địa phương chưa hiệu quả. Do đó, cần có chính sách triển khai bám sát.

Về phía nhà cung cấp giải pháp, bà Trần Thị Ái Vân - Giám đốc Viện Nền móng và Công trình ngầm FECON - cho rằng muốn có một giải pháp triệt để thì phải chấp nhận đầu tư kinh phí lớn: “Chúng ta cần cân nhắc giữa việc bỏ kinh phí để phòng, chống với việc đi khắc phục hậu quả, phương án nào có lợi về kinh tế hơn? Đó là chưa nói đến mặt xã hội. Hiện chúng ta chỉ giải quyết từng điểm - thường là gắn liền với một công trình cụ thể (như tòa nhà, công trình giao thông nào đó...) hoặc chỉ giải quyết sự cố đã xảy ra chứ không hướng tới việc xử lý bền vững cho cả một khu dân cư, một vùng”.