“Nếu bạn không tự tiến lên, nhận lấy công việc khó khăn, đàn ông sẽ giành lấy việc đó” - Giáo sư Carol Black - Hiệu trưởng Đại học Newnham, thuộc Đại học Cambridge (Anh) - nói về vấn đề thăng tiến của phụ nữ trong khoa học.

Theo bà Carol Black, nhà khoa học nữ cần biết cách tiến cử bản thân thì mới có thể đạt tới thành tựu đỉnh cao.

Số liệu năm 2014 được tờ Guardian trích dẫn cho hay, tại Anh, 45% số người làm trong lĩnh vực giảng dạy đại học là phụ nữ, nhưng chỉ hơn 20% đạt được học hàm giáo sư. Tỷ lệ này ở Đại học Cambridge chỉ là 15,3%. Đặc biệt, chỉ có 1,4% giáo sư ở Anh là phụ nữ da đen và thuộc dân tộc thiểu số. Tình trạng này không chỉ diễn ra ở Anh mà ở hầu như mọi quốc gia. Có khá nhiều nghiên cứu khoa học được thực hiện nhằm tìm ra nguyên nhân để giải thích cho hiện tượng này.

Mạnh dạn tự đề bạt

Lâu nay, sự kỳ thị giới tính, nghĩa vụ với gia đình... thường được viện dẫn để giải thích cho việc nữ giới nói chung và các nhà khoa học nữ nói riêng có rất ít người đạt thành tựu xuất chúng trong sự nghiệp.

Tuy nhiên, Giáo sư Carol Black lại không nghĩ như vậy. Bà nói: “Phụ nữ luôn phải đối diện với khó khăn và chúng tôi cần được học cách nhận lấy trách nhiệm cho việc phát triển sự nghiệp bản thân. Bạn không thể có công việc hay sự thăng tiến nếu bạn không ứng cử vào vị trí đó. Hãy mạnh dạn làm điều đó”.

Đồng tình với ý kiến này, Giáo sư Asiya Islam thuộc Đại học Kinh tế London (Anh) cho rằng: “Sau nhiều năm nghiên cứu về sự bình đẳng và đa dạng (về sắc tộc), tôi có được sự tự tin, kỹ năng và kinh nghiệm để tin rằng tôi có thể tự mình tiến lên nấc thang mới trong sự nghiệp. Tôi không hề do dự trong việc tự ứng cử cho những vị trí cao hơn”.

Giáo sư Carol Black - Hiệu trưởng Đại học Newnham, thuộc Đại học Cambridge, Anh. Ảnh: BBC
Giáo sư Carol Black - Hiệu trưởng Đại học Newnham, thuộc Đại học Cambridge, Anh. Ảnh: BBC

Về phần mình, Giáo sư Black cho biết trong sự nghiệp, bà đã rất nhiều lần tự ứng cử cho các vị trí mà mình mong muốn. Dù sau đó các chức vụ ấy lại thuộc về người khác, bà vẫn kiên định và tiếp tục phấn đấu, không bao giờ bỏ cuộc để có được thành công.

“Lúc đầu, thật dễ để từ bỏ, nhưng tôi đã học được tầm quan trọng của sự kiên định. Cuộc sống có rất nhiều sự cạnh tranh và điều này sẽ không đổi. Khi tự ứng cử, tự đề bạt hoặc cho mình cơ hội vào ban lãnh đạo, hãy chắc chắn rằng mình sẽ làm điều đó, chuẩn bị thật tốt và nói ra nguyện vọng của mình. Hãy xắn tay áo lên và bước đi trên con đường đưa mình tới đỉnh cao” - vị Hiệu trưởng Đại học Newnham nói.

Vượt qua các trở ngại thường gặp

Với các nhà khoa học nữ, gia đình có thể là một rào cản cho sự thành công trong sự nghiệp. Đàn ông - những người thường làm lãnh đạo - có thể tổ chức những cuộc họp lúc 8 giờ sáng - giờ mà các nhà khoa học nữ đang phải đưa con tới trường. “Cần biết chấp nhận việc dùng một phần lương để “mua” sự trợ giúp cần thiết, để bạn tiếp tục con đường sự nghiệp của mình” - Giáo sư Black nói.

Ngoài ra, theo phân tích của bà Black, phụ nữ không nên nghỉ việc quá dài bởi thời gian nuôi con cũng chính là thời gian dễ được thăng tiến. Và sau khi quay lại làm việc, họ cũng cần cân nhắc cẩn thận những lựa chọn của mình bởi điều này ảnh hưởng nhiều tới sự nghiệp của chính họ.


“Tôi sẽ không khuyên phụ nữ chọn một vai trò ít áp lực và thử thách để sống một cuộc sống dễ dàng. Các bạn cần phải nổi bật hơn cả khi trở lại với công việc. Nếu không làm được, bạn sẽ bị rớt lại phía sau. Nếu bạn không tự tiến lên, nhận lấy công việc khó khăn, đàn ông sẽ giành lấy việc đó” - bà Black bày tỏ quan điểm.

Theo Hiệu trưởng Đại học Newnham, không chỉ bản thân phái yếu, các nhà quản lý cũng cần nhận ra giá trị mà phụ nữ đem lại cho đơn vị mình, đồng thời tìm cách để họ phát huy được hết khả năng và tiến lên trên bậc thang cao hơn trong sự nghiệp. Trong khi đó, Giáo sư Asiya Islam cho rằng cách duy nhất có thể giải quyết vấn đề thiếu vắng phụ nữ ở những vị trí đỉnh cao là xóa bỏ những định kiến có tính hệ thống trong chính sách và quy trình vốn luôn dành ưu ái cho nam giới.

Về phần các công ty, nếu thực sự muốn chọn lựa được những người tài thực sự, họ phải có những thay đổi trong chính sách tuyển dụng và chọn lựa nhân tài không phân biệt giới tính, sắc tộc. Về điểm này, có thể học tập Clifford Chance - một trong 5 công ty luật lớn nhất nước Anh. Từ năm 2014, công ty này đã áp dụng chính sách sơ yếu lý lịch “mù” cho những ứng viên lọt vào vòng phỏng vấn cuối.

Theo đó, người tuyển dụng không được cung cấp thông tin như ứng viên tốt nghiệp trường đại học nào, học trường công hay tư. Tất cả những gì họ được biết chỉ là tên của ứng viên.