Một nhóm nhà khoa học Việt Nam và Thụy Sĩ đã thực hiện nghiên cứu đầu tiên so sánh các yếu tố hành vi-xã hội ảnh hưởng tới mức độ tiêu thụ thịt và ý định giảm ăn thịt ở từng cá nhân.

Việt Nam là một trong năm quốc gia có mức tiêu thụ thịt lợn và gia cầm trên bình quân đầu người tăng cao nhất. Ảnh: VTCnews
Việt Nam là một trong năm quốc gia có mức tiêu thụ thịt lợn và gia cầm trên bình quân đầu người tăng cao nhất trong khảo sát của OECD. Ảnh: VTCnews

Thịt mang lại nhiều chất dinh dưỡng quan trọng cho cơ thể của chúng ta. Tuy nhiên, ăn nhiều thịt đỏ và thịt chế biến sẵn liên quan tới các nguy cơ về sức khỏe như thừa cân, béo phì và các bệnh mãn tính.

Xu hướng tiêu thụ thịt có sự khác biệt giữa nước đang phát triển và nước đã phát triển. Các nước đã phát triển giảm lượng thịt tiêu thụ, trong khi các quốc gia đang phát triển lại ăn nhiều thịt hơn. Việt Nam và Thụy Sĩ đang trải qua xu hướng như vậy.

Tại Việt Nam, mức tiêu thụ thịt bình quân đầu người hằng năm tăng từ 12kg năm 1990 lên 54kg vào năm 2023 (OECD, 2023). Trong khi đó, người Thụy Sĩ giảm tiêu thụ thịt bình quân đầu người từ 62kg xuống còn 51kg (OECD, 2023). Lượng tiêu thụ thịt bình quân ở cả hai quốc gia đều cao hơn nhiều so với mức tiêu thụ thịt tối đa được Ủy ban Lancet EAT khuyến nghị là 31,3kg. Đặc biệt, Việt Nam là một trong năm quốc gia có mức tiêu thụ thịt lợn và gia cầm trên bình quân đầu người tăng cao nhất, còn Thụy Sĩ nằm trong năm quốc gia có mức tiêu thụ thịt lợn giảm mạnh nhất - theo khảo sát có 37 nước tham gia do OECD thực hiện năm 2023.

Do có mức tiêu thụ thịt cao, cả hai nước đều có nhu cầu giảm ăn thịt để cải thiện sức khỏe cộng đồng. Để làm được việc này, cần hiểu rõ nhận thức và thái độ của người tiêu dùng với thịt.

Các nhà khoa học từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Nông - Lâm Bắc Giang và Đại học Khoa học Ứng dụng Bern đã hợp tác thực hiện nghiên cứu đầu tiên so sánh các yếu tố hành vi-xã hội ảnh hưởng tới mức độ tiêu thụ thịt và ý định giảm ăn thịt ở từng cá nhân.

Nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát người tiêu dùng trực tuyến vào cuối năm 2022, thu được 552 câu trả lời hữu ích từ Thụy Sĩ và 592 câu trả lời từ Việt Nam.

Dựa trên Lý thuyết Động lực Bảo vệ mở rộng, họ xem xét một cách có hệ thống hàng loạt các yếu tố xã hội (ví dụ: ảnh hưởng gia đình), yếu tố kinh tế-xã hội (thu nhập, tuổi tác, giáo dục) và yếu tố hành vi (nhận thức, thái độ và niềm tin). Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng tới động lực tiêu thụ hay bớt tiêu thụ thịt. Sử dụng mô hình phương trình cấu trúc, họ phát hiện những điểm tương đồng cũng như khác biệt trong các yếu tố quyết định hành vi tiêu thụ thịt giữa hai nước.

Kết quả, nhóm nghiên cứu xác định được những yếu tố tương đồng thúc đẩy ý định giảm ăn thịt ở cả hai quốc gia bao gồm: nhận thức về nguy cơ sức khỏe do tiêu thụ quá nhiều thịt, khả năng tự chủ ăn bớt thịt, thái độ đối với các vấn đề đạo đức và môi trường, áp lực từ việc người nhà không muốn thay đổi chế độ ăn.

Còn liên quan đến mức độ tiêu thụ thịt, các yếu tố mang tính quyết định nhất không chỉ ở Thụy Sĩ mà còn ở Việt Nam là khẩu vị và trải nghiệm đối với thịt. Thịt có vai trò phức tạp trong bữa ăn của chúng ta. Nó đem lại trải nghiệm vị giác độc đáo, và chính cảm giác này là động lực chính khiến chúng ta ăn thịt. Thịt cũng đem lại gắn kết xã hội khi chúng ta ăn uống với nhau - điều này giải thích vì sao chúng ta ăn nhiều thịt hơn khi ăn cùng người khác, nhất là với gia đình và bạn bè. Những yếu tố này là rào cản lớn nhất đối với ý định giảm ăn thịt ở các cá nhân.

Sự khác biệt giữa hai nước nằm ở chỗ, khả năng tự chủ ăn bớt thịt chỉ ảnh hưởng tới mức độ tiêu thụ thịt ở Thụy Sĩ. Tương tự, thái độ đạo đức và môi trường tạo điều kiện đáng kể cho ý định giảm thịt chỉ ở người Thụy Sĩ.

Nghiên cứu này có thể hữu ích cho các bác sĩ và nhà hoạch định chính sách đang phát triển các biện pháp can thiệp tiềm năng nhằm thay đổi hành vi ăn uống. Nó cũng có thể hữu ích cho các nhà sản xuất thực phẩm với mối quan tâm thường trực là làm sao để sản xuất thịt đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng.

Nguồn: