Khuyến khích các nhà nghiên cứu công bố các công trình khoa học trên các tạp chí quốc tế, đang trở thành một xu thế tất yếu trong quá trình hội nhập và nâng cao chất lượng của khoa học và giáo dục đại học Việt Nam.

Tuy nhiên, công bố quốc tế cũng có đủ loại thượng vàng hạ cám: có những tạp chí uy tín, nhưng cũng tồn tại rất nhiều tạp chí bị nghi ngại. Bài viết giới thiệu đến bạn đọc một bức tranh khái quát về một số nhà xuất bản giàu truyền thống, nơi thường được các nhà nghiên cứu tin cậy tìm đến bởi các tạp chí khoa học chất lượng.

Elsevier

Elsevier ngày nay được xem là nhà xuất bản (NXB) ấn phẩm khoa học lớn nhất thế giới. NXB có trụ sở tại thủ đô Hà Lan, sở hữu khoảng 2.500 tạp chí khoa học đa lĩnh vực với đội ngũ các chuyên gia tham gia ban biên tập lên đến 20.000 người. Mỗi năm, Elsevier “cho ra lò” chừng 420.000 bài báo khoa học đã qua bình duyệt, với gần 1 tỷ lượt tải báo.

Tinh thần liên minh trong xuất bản thể hiện ở logo của Elsevier “non solus”. Ảnh: Elsevier

Ngược dòng lịch sử gần 140 năm. Trước cảnh sách báo in ra bán không chạy, chủ một nhà sách ở thành phố Rotterdam (Hà Lan) có tên Jacobus George Robbersbèn đứng ra kêu gọi một số nhà sách và NXB nhỏ khác liên minh lại để trở nên hiệu quả hơn. Họ thành lập NXB năm 1880, chọn cái tên chung là Elsevier, lấy cảm hứng từ tên gọi Elzevir của nhà sách gia đình truyền thống của Hà Lan ra đời trước đó ba thế kỷ, nhưng đã lụi tàn. Tinh thần gắn kết ấy thể hiện trên dòng chữ latinh giữa logo của Elsevier: non solus, nghĩa là không đơn độc. Sau khi thành lập ít lâu, Elsevier chuyển trụ sở đến Amsterdam, từ đó mở thêm nhiều chi nhánh ra nhiều thành phố khác trên thế giới.

Vào những ngày đầu, Elsevier chủ yếu bán sách văn học và làm từ điển. Đến năm 1930, Elsevier mở rộng sang làm các ấn phẩm đủ loại. Nhờ sự phát triển lớn mạnh, hơn 20 năm sau, Elsevier tiếp tục thâu tóm hai đối thủ khác trong nước là NXB Bắc Holland và Excerpta Medica. Hiện nay, Elsevier là một tập đoàn toàn cầu có doanh thu tới 2,3 tỷ USD.

Springer-Nature

Cách đây 175 năm, chủ một tiệm sách gốc Do Thái ở Berlin (Đức) tên là Julius Springer quyết định thành lập công ty mang tên mình chuyên về xuất bản. Khởi đầu năm 1842 với vỏn vẹn bốn người kiêm mọi việc từ in ấn, biên tập đến bán sách, Springer nhanh chóng vươn lên trở thành NXB lớn thứ hai nước Đức thời bấy giờ, chỉ trong vòng 30 năm.

Ngày nay, công ty có chi nhánh tại các thành phố lớn, gồm New York, Tokyo, Paris, Milan, Hong Kong và Delhi. Julius Springer sau này được bầu làm chủ tịch hiệp hội Nhà sách Đức, và là một trong những người đi đầu đấu tranh bảo vệ bản quyền xuất bản.

Trong quá trình phát triển, Springer đã liên tục thâu tóm và sáp nhập với các công ty xuất bản phẩm khác. Năm 2004, Springer mua NXB Kluwer Academic có trụ sở tại Hà Lan, chuyên làm sách khoa học. Năm 2008, Springer thâu tóm NXB truy cập mở có tiếng là BioMed Central. Ba năm sau đó, Spring thành lập Wolters Kluwer dựa trên Pharma Marketing & Publishing Services.

Danh mục công ty con của Springer còn bao gồm: Apress, Palgrave MacMillan, MacMillan Education và tạp chí phổ biến kiến thức Scientific American. Năm 2015, Springer sáp nhập với Nature Publishing Group, chủ sở hữu của tạp chí khoa học Nature và các ấn phẩm theo chuyên ngành (Nature Physics, Nature Medicine, Nature Materials...), để tạo nên một NXB lớn hơn mang thương hiệu Springer-Nature.

Ngày nay, Springer-Nature sở hữu hoặc đồng sở hữu khoảng 2.500 tạp chí khoa học chuyên ngành bằng tiếng Anh và 200 ấn bản tiếng Đức và cổng thông tin tra cứu SpringerLink. Doanh thu của NXB này hàng năm đạt khoảng 0,6 tỷ USD.

Biển hiệu Springer Nature và Wiley trong một hội chợ sách ở Bắc Kinh. Ảnh: Nytimes

Wiley

Wiley là một tập đoàn lớn trong ngành xuất bản phẩm khoa học có truyền thống lâu đời hơn 200 năm. Năm 1807, Charles Wiley mở một hiệu in nhỏ trên khu phố sầm uất bậc nhất của Manhattan, thành phố New York (Mỹ). Qua thời gian, công ty dần trở thành nơi được tin tưởng gửi gắm tác phẩm của nhiều nhà văn Mỹ nổi tiếng thời bấy giờ. Ban đầu, Wiley theo đuổi dòng ấn phẩm luật pháp, tôn giáo, văn học hư cấu và hiện thực. Sau này, Wiley chuyển hẳn sang các ấn phẩm thuần tuý khoa học, kỹ thuật và công nghệ. Năm 2007, Wiley sáp nhập với công ty Blackwell để thành lập một NXB mới, quản lý các thương hiệu John Wiley & Sons, Wiley-Blackwell, Wiley-VCH và Jossey-Bass.

Thư viện trực tuyến của Wiley gồm 1.500 tạp chí khoa học, 14.000 đầu sách và các ấn phẩm khoa học với dung lượng lên đến 8,2 triệu trang. Tính đến nay, đã có hơn 450 học giả đạt giải Nobel đã có công trình công bố trên các ấn phẩm xuất bản bởi Wiley.Hiện Wiley còn mở rộng sang đào tạo và giáo dục; với doanh thu gộp lên đến 1,7 tỷ USD.

Taylor & Francis

Sinh ra tại một thị trấn nhỏ miền Đông nước Anh, cậu bé Richard Taylor không chỉ ham học, mà cũng thích công việc in ấn. Sau khi dành thời gian học việc về in tại thủ đô London, Taylor quyết định tham gia kinh doanh in ấn khi mới chỉ 17 tuổi. Say mê với khoa học, ông còn cho ra đời Tạp chí Triết học, hay cho xuất bản cuốn Biên niên sử về Khoa học Tự nhiên. Không chỉ làm kỹ thuật, ông từng bước chân vào lĩnh vực giáo dục bằng cách ủng hộ thành lập trường trung học London và đặt nền móng cho sự ra đời của đại học London (sau này đổi tên thành University College London), một cơ sở giáo dục hàng đầu của Anh.

Năm 1852, Taylor mời William Francis tham gia điều hành và chính thức thành lập NXB có tên gọi chung Taylor & Francis. Năm 2004, Taylor & Francis sáp nhập với tập đoàn truyền thông Informa, nhưng vẫn giữ thương hiệu Taylor & Francis cho các ấn phẩm.

Ngày nay, Taylor & Francis quản lý danh mục gồm 2.500 tạp chí khoa học nhiều thể loại. Hàng năm cho ra đời khoảng 6.500 đầu sách mới, bổ sung vào danh sách 130.000 đầu sách in và điện tử đang có. Ngoài đại bản doanh tại Oxford, Taylor & Francis hiện có chi nhánh tại 18 thành phố lớn trên thế giới, với doanh thu hàng năm đạt khoảng 0,7 tỷ USD.

Và những “ông lớn” khác

Sân chơi xuất bản phẩm khoa học không chỉ bao gồm nhóm Big4 gồm NXB chuyên nghiệp kể trên, mà rộng lớn hơn rất nhiều, với hàng ngàn các NXB lớn nhỏ của các NXB chuyên nghiệp; các NXB thuộc trường đại học và viện nghiên cứu; các NXB trực thuộc hiệp hội khoa học chuyên ngành; và các tổ chức, cá nhân khác.

Các trường đại học hoặc viện nghiên cứu lớn thường thành lập các NXB hỗ trợ cho việc xuất bản của cán bộ trong và ngoài trường. Họ không chỉ làm sách, từ điển, mà còn mở rộng ra cả tạp chí khoa học. Đại học Cambridge được xem là nơi có NXB lâu đời nhất thế giới với hơn 480 năm lịch sử.

Năm 1893, NXB đại học Cambridge lần đầu cho ra đời tạp chí của mình, và ngày nay là nơi chịu trách nhiệm xuất bản khoảng 300 tạp chí khoa học uy tín trong nhiều lĩnh vực khác nhau, với doanh thu 0,4 tỷ USD. Ra đời sau 50 năm, NXB đại học Oxford cũng là đại bản doanh của khoảng 200 tạp chí đa ngành. Hầu hết các đại học lớn khác đều có NXB của mình, như đại học Harvard với khoảng 200 đầu sách mỗi năm; đại học California quản lý 30 đầu tạp chí khoa học và danh mục 4.000 đầu sách do mình phát hành.

Các hội khoa học chuyên ngành quốc tế cũng tham gia tích cực vào phát triển các ấn phẩm khoa học, nhờ tận dụng lợi thế là mạng lưới đông đảo các chuyên gia và hội nghị uy tín. Xin điểm qua một vài con số ví dụ: hội Kỹ sư điện và điện tử (IEEE) có khoảng 425.000 hội viên ở 160 nước, quản lý 175 đầu tạp chí khoa học trong lĩnh vực hẹp, gồm cả các tạp chí liên kết với Wiley.

Với 62.000 hội viên toàn cầu, hội Địa vật lý Mỹ (AGU) duy trì song so ng 20 tạp chí; hội Các Khoa học về địa châu Âu (EGU) cũng cạnh tranh với 17 tạp chí, nhờ mạng lưới khoa học gồm 11.000 chuyên gia. Trong lĩnh vực vật lý, hội Vật lý Mỹ (AIP) có khoảng 135.000 hội viên, với đầu mục 19 tạp chí có chất lượng và nhiều ấn phẩm phổ biến kiến thức.

Một số tổ chức, cá nhân hoặc trung tâm cũng cho ra đời và phát triển các tạp chí khoa học. Dù vậy, các tạp chí này thường khó cạnh tranh với các NXB hay hiệp hội chuyên ngành, trong việc thu hút các nhà nghiên cứu gửi bài, do nguồn lực về tài chính và con người hạn chế.

Đứng trên khía cạnh một nhà nghiên cứu, lựa chọn một địa chỉ phù hợp để gửi gắm công trình khoa học của mình, không phải lúc nào cũng dễ dàng. Hiểu về NXB định gửi bài chỉ là bước đầu tiên. Nhà nghiên cứu còn phải tự trả lời những câu hỏi khác sâu hơn: ban biên tập gồm những chuyên gia nào, quy trình biên tập có nghiêm mật không, tạp chí có thuộc danh mục Clarivate Analytics (trước là ISI) hay không, chỉ số ảnh hưởng (impact factor) bao nhiêu, kết quả của bài báo có phù hợp với chủ đề của nó không.

Trên thực tế, nhà nghiên cứu thường “đo ni đóng giầy”: ngắm trước nơi sẽ gửi đăng, trước khi bắt tay vào viết bài báo. Nhìn chung, hành trình để có được một công trình đăng trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín và chất lượng không rải hoa hồng. Bù lại, một trong những giây phút hạnh phúc của nhà nghiên cứu là nhận tin những tìm tòi của mình được nhận đăng trên một địa chỉ khoa học đáng tin cậy.

Tác giả cảm ơn TS Ngô Đức Thế và TS Trần Vũ Hùng đã có những góp ý và biên tập quan trọng cho bài viết.