Theo giới chuyên môn, Journal of Science: Advanced Materials and Devices của trường Đại học Quốc gia Hà Nội là tạp chí quốc tế tốt nhất hiện nay của Việt Nam trong lĩnh vực vật lý với một ban biên tập mà các nhà khoa học nước ngoài có uy tín chiếm đến 3/4.

Để làm được điều này, một trong những người có công đầu chính là PGS.TS Phan Mạnh Hưởng trong vai trò Trưởng ban biên tập.

May áo vừa sẽ không phải vá áo

Gặp PGS.TS Phan Mạnh Hưởng – giảng viên Khoa Vật lý, trường Đại học Nam Florida, Mỹ - ngay sau khi anh kết thúc hội thảo về từ học và vật liệu nano ở Phú Quốc, tôi được anh báo tin, đầu năm 2018 anh chính thức trở thành một trong bốn Trưởng ban biên tập chủ chốt của Journal of Electronic Materials (Tạp chí Vật liệu điện tử) - một tạp chí ISI uy tín của thế giới do nhà xuất bản Springer đảm nhiệm.

“Vui đấy nhưng trọng trách cũng nhiều thêm. Tuy nhiên đây là cơ hội tốt giúp tôi tích lũy kinh nghiệm trong việc phát triển Journal of Science: Advanced Materials and Devices (Tạp chí khoa học: Vật liệu và Thiết bị tiên tiến) của Đại học Quốc gia Hà Nội trở thành tạp chí quốc tế uy tín và có ảnh hưởng” - anh nói.

Trong một lần trò chuyện với TS Trần Quang Huy, Chủ tịch Viện Hàn lâm các nhà khoa học trẻ Việt Nam, tôi có nghe anh nhận xét: “PGS Hưởng là một nhà khoa học xuất sắc và điều đặc biệt là anh ấy rất ‘nặng tình’ với quê hương.”

Sự nặng tình với quê hương mà TS Trần Quang Huy nói tới chính là những lần kết nối đưa các nhà khoa học trẻ Việt Nam ra nước ngoài học tập, nghiên cứu; mời các chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam trao đổi về học thuật; và nhận lời trở thành Trưởng ban biên tập của Tạp chí khoa học: Vật liệu và Thiết bị tiên tiến.

PGS-TS Phan Mạnh Hưởng tại Hà Nội, tháng 12/2017. Ảnh: Đoàn Dung

“Khi nhận được lời mời của GS Nguyễn Hữu Đức - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Tổng biên tạp của tạp chí, tôi rất băn khoăn vì biết rằng để phát triển một tạp chí quốc tế, đặc biệt ở Việt Nam là rất khó” - PGS Hưởng tâm sự. Anh cho biết, việc đầu tiên GS Đức và anh làm là xây dựng tiêu chuẩn của tạp chí theo chuẩn quốc tế bởi “nếu không chuẩn ngay từ đầu thì sẽ giống như một cái áo may không vừa, phải sửa, sẽ thành áo vá”.

Cầm trên tay cuốn tạp chí do học trò tặng, GS.TSKH Nguyễn Châu, nhà từ học hàng đầu ở châu Á, nhận xét, “Tôi thấy trong danh sách ban cố vấn có rất nhiều nhà khoa học lớn, tầm cỡ thế giới mà để nhận được ‘cái gật đầu’ của họ,chắc chắn Hưởng đã phải kiên trì thuyết phục rất nhiều.”

Về phần mình, PGS Hưởng kể: Khi nhận được lời mời, các nhà khoa học đều bày tỏ sự ngần ngại đứng tên trong một tạp chí mới. “Tôi nói với họ rằng: ‘Điều chúng tôi muốn là phát triển một tạp chí quốc tế uy tín ở Việt Nam… Tôi rất muốn ngài có tên trong danh sách thành viên ban cố vấn, có thể đưa ra những lời khuyên cho tạp chí và tất nhiên không làm ảnh hưởng đến quỹ thời gian của ngài.’Thật may mắn, cuối cùng tất cả đều ủng hộ tôi.”

Nếu như việc thuyết phục các nhà khoa học uy tín tham gia ban biên tập khó một thì việc làm sao có được những bài báo chất lượng cho số tạp chí đầu tiên khó mười. Thời điểm đó, GS Đức và anh đã phải “gõ cửa” từng nhóm nghiên cứu ở Việt Nam và nước ngoài, vận động họ gửi bài. “Để có một bài báo khoa học, thường các nhóm phải mất từ sáu tháng đến một năm. Việc thuyết phục họ gửi bài cho tạp chí mới chưa có ‘hình hài’, chưa có chỉ số gần như là điều không tưởng” - anh nhớ lại.

“Do đó tôi tập trung vào các nhóm nghiên cứu mạnh của các nhà khoa học trẻ, năng động, ‘đánh’ trúng vào tâm lý muốn làm một cái gì đó cho tạp chí quốc tế của Việt Nam. Tôi vẫn thường nói với họ rằng, đóng góp của họ giống như đóng góp của những ‘khai quốc công thần’.”

Sau những tháng ngày phải ‘chạy ăn từng bữa’, đến nay số lượng bài gửi đến tạp chí đã tăng lên nhiều và tạp chí đã ‘tự chạy’ được. PGS Hưởng vui vẻ cho biết: Có nhiều người bạn gửi thư chúc mừng hoặc đến gặp tôi và nói rằng họ nhận thấy tạp chí phát triển tốt và muốn đóng góp bài.

Con đường ra quốc tế

Là người đứng đầu một trong những nhóm nghiên cứu Việt Nam gửi bài cho số tạp chí đầu tiên, GS Nguyễn Văn Hiếu - Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế về Khoa học Vật liệu ITIMS, Đại học Bách khoa Hà Nội- cho biết, Tạp chí khoa học: Vật liệu và Thiết bị tiên tiến được tổ chức chuyên nghiệp ngay từ đầu với các quy trình chuẩn quốc tế, điều rất hiếm ở các tạp chí khoa học của Việt Nam.

“Sau gần 2 năm ấn bản, tôi cho rằng đây là tạp chí quốc tế tốt nhất Việt Nam trong lĩnh vực vật lý. Có được thành công này là nhờ đóng góp rất lớn của PGS Phan Mạnh Hưởng - một người nhiệt tình và uy tín trong giới khoa học nên kêu gọi được nhiều người đóng góp bài tốt.” GS Nguyễn Châu thì khẳng định: “Một số tạp chí quốc tế khó có được những bài chất lượng như thế này.”

Hiện tạp chí đã được đưa vào hệ thống danh mục Web of Science. Kế hoạch tiếp theo của PGS Hưởng là đưa tạp chí vào hệ thống Scopus và có được chỉ số IF tốt trong thời gian tới. Với anh, ‘gia tài’ lớn nhất của tạp chí tính đến thời điểm này chính là số lượng trích dẫn các bài khá cao, có những bài mới đăng trong năm 2017 đã có 18 lần trích dẫn. “Đó là điều rất tuyệt vời vì cái khó của tạp chí mới là ít người biết và ít người trích dẫn” - PGS Hưởng chia sẻ.

Với sự phát triển như hiện nay, PGS Phan Mạnh Hưởng tin tưởng tạp chí sẽ có một chỗ đứng tốt, được quốc tế biết đến và đánh giá xứng đáng.