Ở Pháp, từ thế kỷ 18, nhà nước thành lập các trường đại học tinh hoa, gọi là trường "đào tạo đặc biệt", sau này trở thành hệ thống các trường lớn - grandes écoles.

Mục đích của những trường này là để đáp ứng "nhu cầu đào tạo nhân sự chuyên nghiệp để nâng cao năng lực kiểm soát và thống trị của nhà nước, đồng thời giúp củng cố quyền lực của giới này" (van Zanten and Maxwell 2015).

Ở Anh, theo khảo sát GBCS do BBC thực hiện, cựu sinh viên nhóm trường tinh hoa Oxbridge chiếm tỷ lệ áp đảo trong số các lãnh đạo chính trị, quân đội, truyền thông và kinh doanh ở Anh (Wakeling and Savage 2015). Trong số 56 Thủ tướng Anh đến thời điểm hiện tại, có tới 42 người tốt nghiệp từ hai đại học Cambridge và Oxford. Ngoài ra còn nhiều nguyên thủ các nước, các thành viên hoàng gia các vương quốc khác trên thế giới tốt nghiệp từ hai ngôi trường này.

Ngay cận kề Việt Nam, Trung Quốc đã chủ trương phát triển các đại học tinh hoa thông qua các chương trình phát triển các đại học 'đẳng cấp thế giới' cách đây 25 năm. Nổi lên từ những nỗ lực này là hai đại học Bắc Kinh và Thanh Hoa, ngày càng có ảnh hưởng lớn hơn trong giới học thuật toàn cầu. Hai đại học này góp phần nâng cao vị thế của Trung Quốc trên thế giới, đồng thời hoàn thiện và phát triển các học thuyết phát triển Trung Hoa. Hai đại học này được cho là đã 'thâu nạp được các tiêu chuẩn quốc tế ở đẳng cấp cao nhất để xây dựng đại học đẳng cấp thế giới ngay trên đất Trung Hoa' (Yang 2017, tr. 1827).


Tài liệu tham khảo:

van Zanten, A., & Maxwell, C. (2015). Elite education and the State in France: durable ties and new challenges. British Journal of Sociology of Education, 36(1), 71-94, doi:10.1080/01425692.2014.968245.
Yang, R. (2017). The cultural mission of China’s elite universities: examples from Peking and Tsinghua. [Article]. Studies in Higher Education, 42(10), 1825-1838, doi:10.1080/03075079.2017.1376873.