Bài viết của Tim Marshall vừa đăng trên trang Quartz cách đây ít lâu xem ra có vẻ khá lạc lõng trước trào lưu đẩy mạnh đầu tư cho “giáo dục STEM” trên toàn thế giới.


Ngôi đền Giáo dục khai phóng. Tranh: Jacques Sablet. Nguồn: medium.com

Thực ra, những lập luận về vai trò và tầm quan trọng của các ngành xã hội, nhân văn, khoa học và nghệ thuật (thường được gộp chung trong cụm từ “giáo dục khai phóng”) trong thời đại phát triển vũ bão của công nghệ đã tồn tại khoảng hai thập niên trở lại đây, bắt đầu từ những năm cuối của thế kỷ trước. Chỉ cần gõ cụm từ “the important role of liberal arts” (vai trò quan trọng của giáo dục khai phóng”) vào google, ta có thể thấy ngay hàng chục bài viết trên các tờ báo phổ thông cũng như các tạp chí tiếng Anh có tiếng tăm với những đối tượng độc giả đa dạng như Chronicle, Financial Times, Forbes, Huffington Post, US News, Scientist, và nhiều tờ báo hoặc tạp chí khác, tất cả đều khẳng định rằng khoa học kỹ thuật càng phát triển thì xã hội càng cần đến vai trò của các ngành “giáo dục khai phóng”.

Điểm mới trong bài báo của Tim Marshall là đã đưa ra một loạt những dẫn chứng rất thuyết phục về những tên tuổi lớn trong giới công nghệ thông tin - truyền thông hiện nay đều đánh giá cao vai trò của những ngành xem ra có vẻ “vô tích sự” như văn học, triết học, ngôn ngữ Anh, hoặc lịch sử văn chương mà họ từng theo học.

Nhưng có một nghịch lý không thể giải thích: Cũng trong cùng thời gian từ đầu thế kỷ 21 đến nay, các ngành “giáo dục khai phóng” ngày càng xuống dốc thê thảm, số sinh viên giảm sút nghiêm trọng, nhiều trường phải đóng cửa các ngành nhân văn, sinh viên tốt nghiệp không kiếm được việc làm hoặc phải chấp nhận những công việc với mức lương không được bằng một nửa so với các ngành kỹ thuật.

Rõ ràng là, đứng trước những viễn cảnh đen tối như vậy, thì những bài viết như của Tim Marshall mới đây, dù hết sức thuyết phục về mặt lập luận và cả chứng cứ thực tế, vẫn sẽ chẳng có tác dụng gì trong việc cổ động cho vai trò quan trọng của “giáo dục khai phóng”, bất chấp những cái lợi mà khối ngành này đem cho từng cá nhân và toàn xã hội, trong đó quan trọng nhất là là các kỹ năng sáng tạo, phản biện và học tập suốt đời, những kỹ năng mà ngày nay người ta gọi là “kỹ năng của thế kỷ 21”.

Vậy phải làm sao? Theo tôi, nếu chúng ta hiểu rằng qua bài viết của mình Tim Marshall đang khuyến khích mọi người phải lựa chọn “giáo dục khai phóng” thay vì “giáo dục STEM” thì đó là một sai lầm vô cùng nghiêm trọng. Đã vĩnh viễn qua rồi cái thế giới nơi mà người ta có thể hoàn toàn yên tâm hoạt động trong lĩnh vực hoàn toàn riêng biệt của mình -- hoặc kỹ thuật-công nghệ, hoặc khoa học-văn học-nghệ thuật -- mà không cần biết đến những thành tựu hoặc phát triển của các ngành khác.

Thế giới kết nối chằng chịt của ngày nay đòi hỏi mỗi người phải cần sử dụng cân bằng cả hai bán cầu não để có thể tồn tại và phát triển, và một nền giáo dục chỉ được xem là thành công nếu nó tạo ra được những con người phát triển toàn diện và có hiểu biết cả về kỹ thuật - công nghệ, môi trường tự nhiên-xã hội, lẫn khoa học, triết học, văn học và cả nghệ thuật sáng tạo nữa. Phải chăng đó chính là lý do tại sao nền giáo dục đại học của nước Mỹ, nơi luôn dẫn đầu thế giới về các thành tựu về khoa học công nghệ và số lượng các bằng sáng chế, từ bao năm nay vẫn với trung thành với đòi hỏi tất cả người học dù thuộc lĩnh vực chuyên môn nào cũng phải được cung cấp một nền tảng kiến thức rộng dựa trên nền tảng “giáo dục khai phóng” trước khi đi sâu vào các ngành học riêng biệt?

Và đến đây thì mục đích của bài viết của Tim Marshall đã trở nên rất rõ ràng. Đúng, “giáo dục khai phóng là mãi mãi” là hoàn toàn chính xác, nhưng lẽ nào chúng ta lại muốn nhân loại đi ngược về quá khứ, khi chính tác giả của bài viết cổ động cho tầm quan trọng của “giáo dục khai phóng” cũng phải thừa nhận ngay từ đầu, dù có lẽ với đôi chút miễn cưỡng, rằng “STEM có thể là tương lai”?