Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi thủy sản bằng lồng trên hồ Thác Bà” thuộc chương trình Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số (chương trình Nông thôn - Miền núi) giai đoạn 2016-2025 đã bước đầu thu được kết quả tốt.
Cá lớn nhanh, sạch bệnh
Thư ký quản lý dự án - bà Phạm Thị Đông, Công ty TNHH dịch vụ kỹ thuật nông - lâm - thủy sản TNĐ - cho biết, dự án được thực hiện trong 24 tháng (từ tháng 11/2016 đến tháng 10/2018). Đến nay, dự án đã triển khai được một vụ nuôi cá và đang tiến hành xây dựng các mô hình.
Cụ thể, với mô hình ương nuôi cá giống, 32.000 con cá 21 ngày tuổi
đã được tiến hành nuôi tại ao. Mô hình nuôi thương phẩm cá chép lai V1
đã thả được 7.500/15.000 con, kích cỡ 120-150gr/con. Mô hình nuôi thương
phẩm cá rô phi đã thả 43.750 con. Mô hình nuôi thương phẩm cá trắm đen
đã thả 2.000 con.
Ông Đào Văn Minh - Công ty cổ
phần nghiên cứu ứng dụng dịch vụ KHCN T&T, đơn vị tiếp nhận công
nghệ và xây dựng các mô hình thuộc dự án - cho biết, công ty đang triển
khai nuôi 55 lồng, mỗi lồng 700m3, gồm đủ loại cá diêu hồng, rô phi,
trắm đen, chép.
Với công nghệ lồng Na Uy, lồng được thiết kế bằng ống nhựa HDPE, lưới cước dệt và hệ thống phao nổi. Việc sử dụng ống nhựa HDPE có ưu thế lớn về sự bền vững của kết cấu lồng, độ bền và vững chắc của lồng, độ tiện lợi của quá trình thao tác.
“Một số lồng cá đã bắt đầu cho thu hoạch cá trắm đen, rô phi, cá chép. Thông qua dự án, các mô hình được hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ ương giống cá chép lai V1, cá rô phi đơn tính, cá trắm đen” - ông Minh nói và cho biết, các đơn vị tiếp nhận chuyển giao đã bước đầu làm chủ công nghệ.
Trước khi bắt đầu thả cá, nguồn nước được kiểm tra để đảm bảo an toàn. Thức ăn cho cá là cám kakiu không có chất kích thích tăng trưởng. Để phòng bệnh, hằng tháng cá được cho ăn tỏi. “Do nước hồ chảy liên tục nên rất sạch, giống lại sạch bệnh nên cá rất khỏe mạnh, lớn nhanh” - ông Minh nói.
Triển vọng nghề thủy sản ở hồ Thác Bà
Hồ Thác Bà có diện tích mặt nước lớn tới hơn 19.000ha, có tiềm năng lớn về khai thác và nuôi trồng thủy sản. Trước đây, hồ có rất nhiều cá với những loài quý như trắm, chép, chiên, lăng, nheo, thiểu gù... Sản lượng khai thác tự nhiên khoảng 10.000-12.000 tấn mỗi năm. Tuy nhiên, theo thời gian, nguồn lợi này cạn kiệt dần. Những năm gần đây, Yên Bái đã thực hiện nhiều giải pháp khôi phục nguồn lợi và phát triển nghề nuôi trồng thuỷ sản ở hồ Thác Bà.
Năm 2009, Công ty cổ phần cá tầm Phương Bắc đã tiến hành nuôi thương phẩm cá tầm bằng lồng lưới công nghệ cao HDPE trên hồ. Cá cho năng suất cao nhưng không cạnh tranh được với cá tầm nhập lậu. Gần đây, một số loài cá mới đã được đưa vào nuôi lồng tại hồ Thác Bà như điêu hồng, lăng, nheo, chiên..., bước đầu đã mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, giá cá nheo thời gian qua không ổn định nên người dân gặp khó khăn trong việc tiêu thụ, dẫn đến tình trạng tồn đọng cá thương phẩm, tổn thất lớn về kinh tế.
Chính vì thế, việc đưa ra quy trình ổn định công nghệ nuôi thương phẩm cá chép lai, cá rô phi và cá trắm đen bằng lồng trên hồ chứa được kỳ vọng sẽ trở thành mô hình mẫu để nhân rộng trong tỉnh.
Dự án sẽ góp phần giải quyết vấn đề kinh tế - xã hội cho một bộ phận dân nghèo sống quanh lòng hồ, thay đổi phương thức hoạt động nhằm ổn định cuộc sống của họ để giảm rủi ro và sự lệ thuộc vào thiên nhiên (như khai thác tối đa nguồn thuỷ sản).
Trong quá trình triển khai, dự án sẽ đào tạo, chuyển giao công nghệ ương/nuôi cá chép lai V1, cá rô phi đơn tính và cá trắm đen cho 10 kỹ thuật viên của doanh nghiệp, giúp họ nắm vững và làm chủ công nghệ ương giống (trong ao), nuôi thương phẩm bằng lồng nhựa HDPE. Dự án cũng tập huấn cho 150 chủ hộ nuôi cá lồng tại hồ Thác Bà về công nghệ nuôi cá lồng hồ chứa, đặc biệt là các đối tượng như cá chép lai V1, rô phi đơn tính và trắm đen.