Coi trọng vai trò của liên kết 4 nhà và phát huy vai trò trung tâm của doanh nghiệp từ hoạt động khoa học và công nghệ tạo lập được thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm nông sản cho địa phương… là bước đi mà tỉnh Vĩnh Phúc đang thực hiện.

Sáng 10/11, Hội nghị “Hợp tác phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) 5 tỉnh trung du miền núi phía Bắc lần thứ 9 năm 2017” đã diễn ra tại Vĩnh Phúc. Sự kiện do Sở KH&CN Vĩnh Phúc chủ trì tổ chức với sự tham dự của ông Vũ Việt Văn - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Chủ tịch Hội đồng khoa học và công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc, ông Chu Thúc Đạt - Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương, đại diện lãnh đạo các sở KH&CN các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, vùng Đồng bằng sông Hồng…

Trong bài phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Việt Văn đã dẫn nhiều con số minh chứng cho những đóng góp của KH&CN đối với sự phát triển kinh tế địa phương.

Ông Vũ Việt Văn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lê Loan.
Ông Vũ Việt Văn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lê Loan.

Theo ông Vũ Việt Văn, Vĩnh Phúc được tái lập từ năm 1997. Khi đó tỉnh bị xếp vào diện tỉnh nghèo, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thấp kém, thu ngân sách chưa đến 100 tỉ đồng, thu nhập bình quân đầu người 2,13 triệu đồng/tháng. Khi đó cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp chiếm trên 52%. Sau 20 năm tái lập, Vĩnh Phúc đã có sự chuyển tích cực, đến năm 2016 công nghiệp và xây dựng chiếm 81,27%, dịch vụ chiếm 12,93%, nông lâm nghiệp, thủy sản chỉ còn 5,83%. Năm 2016 thu ngân sách đạt trên 32 nghìn tỉ đồng.

“Có được những thành quả trên là kết quả phấn đấu không ngừng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của ngành KH&CN tỉnh” - ông Văn nhấn mạnh và cho biết hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ thời gian qua được coi trọng và có trọng tâm, trọng điểm góp phần đưa nhanh các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. Ngành KH&CN tỉnh đã đề xuất nhiều giải pháp hay, nhiều luận cứ khoa học để các ngành, các cấp làm cơ sở hoạch định các chính sách thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.

Ông NGuyễn Kim Tuấn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lê Loan.
Ông Nguyễn Kim Tuấn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lê Loan.

Dẫn thêm các kết quả cụ thể, ông Nguyễn Kim Tuấn - Phó Giám đốc Sở KH&CN Vĩnh Phúc cho biết, thực tế thời gian qua Sở KH&CN đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều chương trình, kế hoạch nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào đời sống.

Mới đây nhất Sở KH&CN đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt: 02 Chương trình nghiên cứu ứng dụng KH&CN: “Xây dựng mô hình thí điểm liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao đối với sản phẩm chuối tiêu hồng tại huyện Yên Lạc”, giai đoạn 2017-2020 và Chương trình nghiên cứu ứng dụng KH&CN "Xây dựng các mô hình thí điểm liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao đối với sản phẩm rau quả trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc”, giai đoạn 2017-2020; Kế hoạch số 641/KH-UBND ngày 25/01/2017 về “Xây dựng, áp dụng, duy trì, cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO: 9001 kết hợp ứng dụng CNTT (ISO điện tử) tại các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc năm 2017; Kế hoạch triển khai Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Lê Loan.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Lê Loan.

Theo ông Tuấn, việc UBND tỉnh phê duyệt có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Cụ thể chương trình đưa vào thực hiện khẳng định được vai trò của KH&CN trong liên kết 4 nhà. Đồng thời việc xây dựng các mô hình thí điểm liên kết chuỗi phát huy được vai trò trung tâm của doanh nghiệp, ổn định được thị trường. Từ hoạt động KH&CN tạo lập được thương hiệu, đảm bảo truy xuất nguồn gốc đảm bảo cả quyền lợi người tiêu dùng và nâng cao giá trị sản phẩm nông sản cho địa phương.

Nhấn mạnh về sự đổi mới công tác quản lý KH&CN khắc phục dần hiện tượng dàn trải trong nghiên cứu; công tác thẩm định, lựa chọn, đề xuất và triển khai các nhiệm vụ KH&CN, ông Tuấn cho biết nhiều đề tài, dự án nghiên cứu tập trung vào việc bảo tồn, phát huy giá trị cây - con đặc sản của địa phương.

Nhiều sản phẩm từ kết quả nghiên cứu giới thiệu tại hội nghị được các đại biểu quan tâm. Ảnh: Lê Loan.
Nhiều sản phẩm từ kết quả nghiên cứu giới thiệu tại hội nghị được các đại biểu quan tâm. Ảnh: Lê Loan.

Theo đó hiện Sở KH&CN Vĩnh Phúc đang triển khai 108 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, trong đó: 19 nhiệm vụ chuyển tiếp từ năm 2016, 89 nhiệm vụ mới năm 2017. Có 05 dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi, bao gồm 03 dự án triển khai thực hiện từ năm 2016 và 02 dự án bắt đầu triển khai thực hiện từ năm 2017, điển hình như: Mô hình nuôi cá tầm Xibêri (Acipenser Baeri) thương phẩm tại huyện Tam Đảo; Mô hình nâng cao chất lượng đàn bò và chế biến thức ăn thô trong chăn nuôi bò thịt tại huyện Sông Lô - tỉnh Vĩnh Phúc; Mô hình nhân giống, sản xuất dược liệu cúc hoa vàng (Chrysanthemum indicum L) và giảo cổ lam (Gynostemma pentaphyllum (Thunb; Makino) theo GACP lấy nguyên liệu sản xuất trà thảo mộc tại Vĩnh Phúc.