Các cơ quan quản lý về khoa học và công nghệ địa phương sẽ tham gia vào một chương trình lớn mới nhằm giải quyết vấn đề lớn nhất trong vai trò trung gian khoa học của mình: giúp các doanh nghiệp và chính quyền địa phương phát triển một sản phẩm chủ lực.

Đại diện Bộ KH&CN đi thăm gian hàng triển lãm mô hình hệ thống giám sát kết cấu xây dựng dựa trên cảm biến quang học tại sự kiện Techconnect & Innovation Vietnam 2024. Ảnh: VKIST
Đại diện Bộ KH&CN đi thăm gian hàng triển lãm mô hình hệ thống giám sát kết cấu xây dựng dựa trên cảm biến quang học của VKIST tại sự kiện Techconnect & Innovation Vietnam 2024. Ảnh: VKIST

Ngày 2/10, trong khuôn khổ sự kiện “Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024” (TechConnect & Innovation Vietnam 2024), 60 Sở KH&CN đã thảo luận về hoạt động ứng dụng và chuyển giao công nghệ tại địa phương, một nhiệm vụ không hề đơn giản.

Việt Nam có một mạng lưới rộng lớn các trường đại học và viện nghiên cứu công lập, tạo ra nhiều nghiên cứu hữu dụng trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng phục vụ cho đời sống kinh tế-xã hội. Bên cạnh đó, mỗi tỉnh thành cũng có một Sở KH&CN, mà trong rất nhiều nhiệm vụ của họ có chức năng trung gian là giúp đỡ cho quá trình đưa các sáng kiến và cải tiến khoa học vào đời sống một cách dễ dàng hơn.

Các Sở KH&CN thường thực hiện sứ mệnh quan trọng này thông qua các Trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ (gọi tắt là Trung tâm). Các Trung tâm này hoạt động như một “doanh nghiệp” (mặc dù hiện nay họ đang bị rào cản định danh), cung cấp các dịch vụ về thông tin khoa học công nghệ, tiêu chuẩn đo lường, tư vấn chuyển giao công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ hoặc tiếp cận các nguồn vốn đầu tư, thí điểm các mô hình, triển khai nghiên cứu, thậm chí là trực tiếp sản xuất các sản phẩm ứng dụng công nghệ cung cấp cho thị trường. Các doanh nghiệp lớn nhỏ tại địa phương có thể dễ dàng đến những Trung tâm này để tìm câu trả lời công nghệ cho những bài toán phức tạp của mình.

Với kết cấu như thế, đáng lý ra hoạt động ứng dụng và chuyển giao công nghệ tại địa phương phải sôi nổi hơn. Nhưng trên thực tế, hoạt động kết nối giữa các bên cung và cầu công nghệ kém hiệu quả.

Mắc kẹt với năng lực R&D


Theo TS. Vũ Đức Lợi, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc (VKIST), ở giai đoạn hiện nay, nhu cầu của doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là ứng dụng công nghệ và chuyển giao công nghệ, mặc dù cũng đã xuất hiện một số ít doanh nghiệp có nhu cầu về đổi mới công nghệ và phát triển công nghệ.

Hơn nữa, các nghiên cứu để ứng dụng được cần phải trải qua một quá trình dài hoàn thiện công nghệ và ổn định công nghệ. “Thách thức khi chuyển giao là doanh nghiệp chỉ quan tâm đến những công nghệ đã hoàn thiện và sẵn sàng đưa vào sản xuất, trong khi nghiên cứu của các nhà khoa học chủ yếu vẫn nằm ở giai đoạn thử nghiệm hoặc quy mô phòng thí nghiệm. Sẽ phải mất một thời gian và cần sự hợp tác, thấu hiểu giữa hai bên để những công nghệ này khớp được với thực tế”, TS. Vũ Đức Lợi chia sẻ.

Đội ngũ nghiên cứu ở Việt Nam hiện có khoảng 22-30 ngàn người đang hoạt động. Không có con số thống kê đầy đủ về nhân sự hỗ trợ ở những trung tâm chuyển giao công nghệ trong các trường đại học, nhưng tại các Trung tâm trực thuộc Sở KH&CN, con số báo cáo vào khoảng 1.600 người.

Như vậy, tỷ lệ nhà nghiên cứu và tỷ lệ cán bộ “khuyến khoa” trên tổng số doanh nghiệp trong nền kinh tế lần lượt vào khoảng 1:30 và 1:600 (*số liệu tính toán của KH&PT). Điều đó có nghĩa là, đối với hàng chục doanh nghiệp, chúng ta có một nhà nghiên cứu có khả năng giúp đỡ họ ứng dụng, chuyển giao hoặc đổi mới công nghệ. Và với số lượng doanh nghiệp gấp hàng chục lần con số đó, chúng ta chỉ có một nhân viên hỗ trợ quá trình chuyển giao. Dữ liệu này cũng cho thấy có lẽ Việt Nam cần phải tăng số lượng cán bộ “khuyến khoa” để theo sát tình hình hai bên cung-cầu công nghệ và hỗ trợ cho những hoạt động chuyển giao quan trọng.

Cuối cùng là vấn đề về thông tin. Theo nhiều ý kiến tại hội thảo, trong nhiều năm trời, các hệ thống “khuyến nông” ở địa phương cũng bắt đầu có một số cơ sở dữ liệu về các mô hình, chuyên gia và công nghệ. Ngược lại, hệ thống “khuyến khoa” còn đang rất chật vật trong việc xây dựng được các hệ thống thông tin KH&CN tốt cho địa phương của mình.

Mức độ nhu cầu tương ứng theo năng lực công nghệ của doanh nghiệp. Ảnh: VKIST
Mức độ nhu cầu tương ứng theo năng lực công nghệ của doanh nghiệp. Ảnh: VKIST

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chánh Văn phòng Bộ KH&CN phụ trách khu vực phía Nam, nhận xét rằng nếu không có được thông tin KH&CN đầy đủ thì các Trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ sẽ không thể tư vấn tốt cho doanh nghiệp được. Đó là điều tối thiểu mà các Trung tâm “khuyến khoa” ở những địa phương khó khăn nhất cũng phải làm được - cung cấp thông tin.

Ở góc độ thị trường, TS. Vũ Đức Lợi đặt câu hỏi theo chiều ngược lại: Liệu các Trung tâm chuyển giao công nghệ có thực sự lấy nhu cầu của thị trường làm trung tâm, hay vẫn đang hoạt động theo cách cung cấp những công nghệ mà họ có sẵn? Họ có khảo sát được các doanh nghiệp trên địa bàn thực sự cần gì? Họ có thường xuyên tiếp xúc với các thương nhân, chủ sản xuất, hợp tác xã, hiệp hội ngành nghề và cả nhà hoạch định chính sách để nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng nổi bật ở địa phương? Đó là những thông tin rất quan trọng cho một bên trung gian kết nối cung-cầu.

Chẳng hạn, với tư cách là một bên cung cấp công nghệ, viện nghiên cứu VKIST đã nhận được “đầu bài” trực tiếp từ các tỉnh. VKIST đã khám phá ra rất nhiều nhu cầu khác nhau tại địa phương. Ví dụ, các tỉnh trồng sầu riêng phía Nam đang muốn có một công nghệ chính xác nhằm xác định quả sầu riêng đã chín hay không mà không cần phải gõ tay với sai số lên tới 40% như hiện nay. Các tỉnh phía Bắc có nhiều khu công nghiệp hiện đại đang muốn có công nghệ robot tự động trong các nhà máy sản xuất để tăng năng xuất lao động. Một số nơi muốn triển khai quản lý cơ sở hạ tầng thông minh nên đã quan tâm đến công nghệ IoT, như camera giao thông hoặc cảm biến giám sát vết nứt cho các cây cầu từ xa mà không cần phải tới hiện trường thường xuyên.

“Nhu cầu sẽ rất khác nhau đối với từng địa phương, thậm chí là từng nhóm doanh nghiệp. Chúng ta càng làm rõ nhu cầu và đặt ra nhiều câu hỏi chi tiết với họ thì sẽ càng dễ tìm được công nghệ phù hợp”, TS. Vũ Đức Lợi nhận xét.

Ở góc độ quản lý, Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh cho rằng từng địa phương sẽ gặp thất bại trong việc xây dựng những nền tảng hoặc sàn giao dịch công nghệ địa phương, vì sẽ không có đủ thông tin và nguồn cung công nghệ. Hơn nữa, chúng có thể vấp phải những vấn đề pháp lý khi không tách bạch được giao dịch công nghệ với giao dịch thiết bị, máy móc hoặc giao dịch dự án, hoặc các vấn đề liên quan tới định giá.

Theo thứ trưởng, điều này chỉ nên được thực hiện ở cấp độ quốc gia, tức một sàn giao dịch công nghệ tập trung với một hệ thống điều hành chuyên nghiệp. Khi đó, các Trung tâm chuyển giao công nghệ địa phương sẽ có được luồng tiếp cận thông tin KH&CN tốt hơn.

Một kế hoạch mới

Bộ KH&CN đang có kế hoạch mở ra một chương trình mới để thúc đẩy hoạt động ứng dụng và chuyển giao công nghệ tại địa phương. Kế hoạch sơ bộ được công bố vào ngày 2/10, theo đó đây sẽ là chương trình nối tiếp, thay thế cho chương trình “Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số”, hay còn được biết đến với tên gọi Chương trình nông thôn miền núi.

Vụ trưởng Vụ Ứng dụng công nghệ và Tiến bộ kỹ thuật Chu Thức Đạt cho biết,Chương trình nông thôn miền núi đã triển khai được 26 năm và đạt được nhiều thành quả. Giai đoạn gần nhất (2016-2025) đã xây dựng được gần 1.700 mô hình ứng dụng công nghệ và chuyển giao 2.560 công nghệ, quy trình kỹ thuật mới cho các tỉnh, địa bàn trên cả nước, đạt khoảng 77-85% mục tiêu đề ra. Chương trình này sẽ khép lại trong năm sau.

Một số kết quả thực hiện chương trình nông thôn miền núi giai đoạn 2016-2025. Số liệu cập nhật đến năm 2024. Ảnh: Vụ Ứng dụng công nghệ và Tiến bộ kỹ thuật/Vụ Địa Phương.
Một số kết quả thực hiện chương trình nông thôn miền núi giai đoạn 2016-2025. Số liệu cập nhật đến năm 2024. Số liệu: Vụ Ứng dụng công nghệ và Tiến bộ kỹ thuật (Vụ Địa Phương).

Chương trình mới với tên gọi dự kiến “Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương” sẽ kế thừa các bài học của chương trình cũ, và phát triển theo hướng tập trung hơn, tức nâng đỡ cho một vài sản phẩm chủ lực của địa phương. Mục tiêu là nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của các sản phẩm này để bán được nhiều hơn, cả trong nước và xuất khẩu.

“Sẽ có khoảng 80 sản phẩm chủ lực của địa phương được chọn từ danh mục đề xuất của các tỉnh. Tôi nghĩ chúng sẽ rơi nhiều vào các sản phẩm OCOP nông nghiệp ba sao, bốn sao. Nhưng cũng có cơ hội là các tỉnh sẽ chọn những sản phẩm mới, gắn với định hướng công nghiệp hoặc dịch vụ của địa phương”, ông Chu Thức Đạt tiết lộ.

Báo cáo trước đó của Cục Ứng dụng công nghệ và Đổi mới sáng tạo chỉ ra, phần lớn các hợp đồng tư vấn chuyển giao công nghệ ở địa phương hiện nằm ở lĩnh vực nông nghiệp và rất ít khi có ở những ngành khác như môi trường, năng lượng, y tế, xây dựng, vận tải v.v. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý khoa học muốn tăng tỷ trọng cho các hoạt động chuyển giao ngoài nông nghiệp.

Theo phác thảo của Chương trình sản phẩm chủ lực địa phương, việc hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ sẽ được liên kết theo chuỗi giá trị. Ở đây, không chỉ đơn thuần là mang các nhà khoa học và công nghệ tới để giới thiệu cho các doanh nghiệp với kỳ vọng rằng họ sẽ áp dụng chúng trong một công đoạn sản xuất của mình, mà còn là một quá trình dài đồng hành cùng địa phương trong việc thiết lập các mô hình kinh doanh.

Các công nghệ được áp dụng và chuyển giao sẽ là những công nghệ tiên tiến, gắn với định hướng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững. Hơn nữa, chương trình sẽ tìm cách triển khai một mô hình tài chính và quản lý mới, khiến cho việc hợp tác với doanh nghiệp trở nên nhanh gọn hơn.

“Chúng tôi không muốn đi theo mô hình nhiệm vụ khoa học công nghệ như trước kia vì chúng tạo ra nhiều rào cản. Chúng tôi đang cố gắng thảo luận với các Bộ, Ngành liên quan để nới lỏng cơ chế tài chính, cho phép ngân sách hỗ trợ doanh nghiệp các khoản tiền lớn hơn mà không phải bồi hoàn”, ông Chu Thức Đạt nói.

Một số cơ sở dữ liệu cho chương trình đang trong quá trình thực hiện, trong đó quan trọng nhất là danh mục đề xuất các sản phẩm chủ lực của địa phương và các đề xuất nhu cầu công nghệ. Bình luận về điều này, ông Chu Thức Đạt cho rằng các Trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ nói riêng và Sở KH&CN địa phương nói chung sẽ được hưởng lợi từ những dữ liệu này. Họ cũng có thể tham gia sâu hơn vào việc hỗ trợ các dự án sẽ được triển khai và nâng cao năng lực của mình.