Trong số các chương trình KH&CN trọng điểm quốc gia do Bộ KH&CN quản lý, chương trình KH&CN Net Zero được đặt kỳ vọng sẽ đem lại nhiều giải pháp hữu hiệu và có giá trị thực tiễn cao cho một quốc gia đang trên lộ trình giảm phát thải như Việt Nam.
Thiết kế một sân chơi mớiCùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang hướng tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (Net Zero). Chính phủ đã công bố
lộ trình Net Zero vào tháng 7/2022, trong đó đưa ra ba chiến lược chuyển đổi chính là “chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu”, “giảm phát thải khí nhà kính” và “hoàn thiện thể chế, nguồn lực”, và vạch ra năm lĩnh vực chính có thể can thiệp nhằm trực tiếp giảm phát thải khí nhà kính.
Để đạt được những mục tiêu này, Việt Nam cần nâng cao tiềm lực khoa học và năng lực đổi mới sáng tạo, không chỉ để tạo ra được các đột phá công nghệ mà còn đủ khả năng tiếp nhận những công nghệ tiên tiến.Đó là một trong những cơ sở nền tảng để Bộ KH&CN thiết kế một chương trình KH&CN cấp quốc gia mới, bên cạnh những chương trình KH&CN quốc gia đã có.
Tuy nhiên, làm thế nào để có được một chương trình hoàn toàn mới mẻ, vừa không trùng lắp với những chương trình hiện có hoặc với cả dự án, nhiệm vụ đã thực hiện, đồng thời vừa đủ lực khơi dậy và khuyến khích sức sáng tạo của cộng đồng khoa học trong nước là một điều không dễ. Vì vậy, việc đề ra dự thảo chương trình “Nghiên cứu KH&CN phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam vào năm 2050” (gọi tắt là chương trình KH&CN Net Zero) đã mất nhiều thời gian hơn dự kiến.
Việc lấy ý kiến rộng rãi trong cộng đồng khoa học cũng như nhà quản lý các cấp giúp cho Bộ KH&CN có độ lùi cần thiết để cân nhắc, lựa chọn và lên khung chương trình.
Theo thông tin tại hội thảo xin ý kiến về khung chương trình, được tổ chức vào ngày 18/7, giai đoạn đầu tiên (2024-2030) của chương trình Net Zero sẽ ưu tiên xây dựng nền tảng hạ tầng công nghệ cơ bản cần thiết để đạt được các mục tiêu chính sách.
Về cơ bản, Net Zero chính là đưa lượng khí thải nhà kính do hoạt động của con người (và cả lượng khí thải loại bỏ các khí này) đạt đến độ cân bằng trong một khoảng thời gian nhất định.
Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không, cần phải có hành động để giảm phát thải, ví dụ như chuyển từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng bền vững, bù đắp lượng khí thải còn lại của mình bằng cách mua tín chỉ carbon...
Phạm vi ảnh hưởng của Net Zero rất rộng trên khắp các lĩnh vực kinh tế xã hội. Do đó, tại hội thảo, các ý kiến đóng góp đều thống nhất với Bộ KH&CN là các nghiên cứu cấp quốc gia của chương trình sẽ xoay quanh việc phát triển những công nghệ giảm phát thải khí nhà kính và thu giữ carbon ảnh hưởng tới năm lĩnh vực: Nông-lâm nghiệp, giao thông vận tải, năng lượng và các quá trình công nghiệp, xây dựng, xử lý chất thải.
Ngoài ra, các nghiên cứu cũng cần hướng đến hoàn thiện các cơ sở khoa học, phương pháp tính toán, bộ chỉ số và cơ sở dữ liệu để quản lý hiệu quả tiến độ thực hiện mục tiêu Net Zero, bao gồm các phương pháp kiểm kê khí nhà kính và các phương pháp quản lý kỹ thuật về tiêu thụ năng lượng và phát thải khí nhà kính trong mỗi ngành.
Có rất nhiều công nghệ được đề cập tại buổi lấy ý kiến, trong đó có các công nghệ mới nổi như công nghệ năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), công nghệ lưu trữ mới (pin tích năng, thủy điện tích năng, trữ nhiệt), nhiên liệu sinh học, hạ tầng hydrogen, công nghệ thu hồi carbon, tái chế carbon sau thu hồi, công nghệ lò phản ứng hạt nhân nhỏ cho tàu thủy, công nghệ vật liệu mới, trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, nghiên cứu các giống mới thích ứng với biến đổi khí hậu.v.v
Khi nghĩ về chương trình mới, nhiều nhà khoa học cho rằng, từ nhiều năm nay, việc nghiên cứu những giải pháp công nghệ mới trong lĩnh vực Net Zero đã được thực hiện thông qua nhiều dự án và đề tài ở nhiều cơ sở nghiên cứu, đào tạo, theo các nguồn tài trợ trong nước và quốc tế, ví dụ như các chương trình KH&CN trọng điểm quốc gia, các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, Quỹ NAFOSTED cũng như nhiều chương trình cấp bộ, ngành khác.
Vì vậy, rất có thể sẽ xảy ra hiện tượng trùng lặp với đề tài, dự án do chương trình Net Zero tài trợ. Trước khả năng này, các nhà khoa học đều cho rằng, Ban chủ nhiệm chương trình Net Zero cần tiến hành rà soát để tránh sự trùng lặp song song với việc thiết kế các mục tiêu sao cho vừa thể hiện sự khác biệt, vừa có thể kế thừa sản phẩm đầu ra từ những chương trình đã có.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái cho biết, mặc dù chương trình KH&CN Net Zero sẽ do Bộ KH&CN quản lý, nhưng nó đóng vai trò như một khung chương trình chung để các bộ, ngành, địa phương và tổ chức có thể đặt hàng nhiệm vụ.
Các mục tiêu khả thi?
Tại buổi hội thảo 18/7, PGS.TS Đỗ Văn Mạnh, Viện trưởng Viện KHCN Năng lượng và Môi trường (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), chủ nhiệm chương trình, đã giới thiệu sơ lược một số chỉ tiêu đánh giá đầu ra của chương trình. Theo phác thảo hiện nay, 80% công nghệ, giải pháp sẽ phải có khả năng đóng góp giảm ít nhất 30% khí nhà kính so với mức phát thải cơ sở trong lĩnh vực áp dụng, hoặc đạt chất lượng tương đương với công nghệ cùng loại của các nước tiên tiến.
Mục tiêu này cũng được bàn thảo tại cuộc họp. Có rất nhiều quan điểm khác nhau, có ý kiến cho rằng tỷ lệ giảm 30% khí nhà kính đang cao hơn mức giảm tự nguyện trong trường hợp Việt Nam không được quốc tế hỗ trợ là 15,8%, một số ý kiến đề nghị cân nhắc mức đóng góp giảm khí thải của các giải pháp công nghệ từ chương trình chỉ khoảng 20-25%; tuy nhiên có ý kiến lại nêu ngược lại là nên đặt mục tiêu cao hơn [30%] để nhắm tới tham vọng lớn hơn là phát thải ròng bằng 0 cho năm 2050…
Trước những ý kiến đó, GS.TS Mai Trọng Nhuận, Chủ tịch Hội đồng Đảm bảo chất lượng Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng các mục tiêu về mức giảm phát thải do quốc gia tự quyết định (NDC) và mục tiêu Net Zero không mâu thuẫn với nhau. Net Zero tính toán phát thải ròng, do vậy Việt Nam hoàn toàn có thể tìm cách giảm phát thải như tiến trình của NDC đồng thời phát triển các công nghệ thu giữ carbon để giải quyết phần phát thải thải còn lại.
“Suy cho cùng, cốt lõi nhắm tới của chúng ta không phải chỉ là con số giảm được bao nhiêu hay mức carbon ròng có lùi về 0 được hay không mà làm sao để mỗi bước tiến của chúng ta gắn liền với phát triển xanh, phát triển bền vững. Nói cách khác, chúng ta đang thông qua các mục tiêu [như NDC hay Net Zero] để thay đổi mô hình phát triển kinh tế xã hội của mình, để biến chúng từ mô hình phát triển dựa trên tài nguyên thiên nhiên và nhân công giá rẻ thành mô hình phát triển mới dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo’, ông nhận xét.
Mặc dù mới ở điểm xuất phát, PGS.TS Đỗ Văn Mạnh đã nêu một dự đoán là chương trình KH&CN Net Zero sẽ trở thành một trong những chương trình có mức độ ứng dụng cao.
Theo khung sơ bộ, ít nhất 50% số nhiệm vụ sẽ phải có kết quả “được ứng dụng”, trong đó 20% số nhiệm vụ sẽ phải có kết quả “có khả năng thương mại hóa”. Về mặt sở hữu trí tuệ, ít nhất 50% số nhiệm vụ có nộp đơn đăng ký bảo hộ các tài sản trí tuệ như sáng chế, giải pháp hữu ích v.v
Chương trình yêu cầu 100% các nhiệm vụ có kết quả phải được công bố trên các tạp chí khoa học KH&CN chuyên ngành chất lượng cao trong nước. Bên cạnh đó, đòi hỏi ít nhất 80% số nhiệm vụ phải có tham gia đào tạo sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ v.v), và tỷ lệ đào tạo tiến sĩ ít nhất là 20%.
Cũng như nhiều chương trình KH&CN quốc gia khác, mục tiêu cuối cùng của Net Zero là hướng đến các giải pháp hữu dụng trong thực tiễn. Để thúc đẩy quá trình đưa các giải pháp này vào thực tế, các nhà quản lý mong muốn các doanh nghiệp trên mọi miền đất nước cùng tham gia với các nhà khoa học trong tiến trình nghiên cứu, qua đó có được điều kiện thuận lợi hơn cho chuyển giao công nghệ trong giai đoạn tiếp theo.
Doanh nghiệp có thể đóng vai trò quan trọng trong các dự án - khoảng 20% số nhiệm vụ sẽ do doanh nghiệp chủ trì, và 50% nhiệm vụ buộc phải có sự tham gia phối hợp chặt chẽ của các doanh nghiệp.
Dẫu vậy có một thực tế mà Thứ trưởng Trần Hồng Thái trăn trở là các cơ chế tài chính nhà nước hiện tại không chỉ không có nhiều khuyến khích doanh nghiệp mà còn có điểm gây khó cho họ. Ông hy vọng điều này có thể sớm được khắc phục trong các cơ chế chính sách mới, các văn bản quy phạm pháp luật mà Bộ KH&CN đang phối hợp với các bộ ngành liên quan chỉnh sửa, xây dựng.
Trong thời gian tới, khung chương trình cho các mục tiêu và nội dung nghiên cứu vẫn tiếp tục được thảo luận để hoàn thiện, trước khi được phê duyệt vào tháng 9 năm nay. Ban chủ nhiệm chương trình cho rằng, các nhiệm vụ có thể được kêu gọi từ cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025. Chương trình sẽ kéo dài đến năm 2030 và có khả năng được mở rộng cho những năm tiếp theo nếu chứng minh được hiệu quả.
Đăng số 1302 (số 30/2024) KH&PT