Vốn là một giáo viên sống trong khu nhà ở xã hội, vào năm 2015, Sarah Adams đã bắt đầu công việc “tay trái” của mình bằng 5.000 USD trích từ khoản tiết kiệm về hưu của chồng. Kỳ thực đó là công việc bán bánh - những chiếc bánh rum truyền thống của người Jamaica. Adams đến các phiên chợ và lễ hội để mời mọi người dùng thử từng chiếc bánh. Từ những chiếc bánh tưởng chừng nhỏ bé đó, công ty Ms. Macs đã ra đời.
Công việc kinh doanh vẫn đang suôn sẻ cho đến khi đại dịch xảy đến vào năm 2020. Adams buộc phải thay đổi hòng thích nghi với tình hình mới. Ngoài thời gian giảng dạy trực tuyến cho học sinh, cô đã dồn số tiền tiết kiệm vào việc thử các công thức bánh muffin thuần chay, bánh quy ít đường và pizza ít carb.
Vài tháng trước, cô nhận được tin nhắn từ Cơ quan Quản lý Nhà ở New York, thông báo về một cuộc thi mới dành cho những người kinh doanh đang sống trong nhà ở xã hội. Giải thưởng lên tới 20.000 USD tiền mặt cùng các lớp học phát triển kinh doanh miễn phí. “Tôi cứ nghĩ đó là tin lừa đảo”, cô Adams nhớ lại. Cô đã gọi cho cơ quan quản lý nhà ở để chắc chắn rằng đó là một cuộc thi có thật.
Cuối cùng công ty của Adams, 47 tuổi, chính là một trong chín doanh nghiệp đã chiến thắng “NYC Boss Up”, một cuộc thi theo phong cách “Shark Tank”, nơi những cư dân có thu nhập thấp của New York đề xuất các ý tưởng kinh doanh của mình, với mong muốn có cơ hội mở rộng quy mô và nhận khoản tài trợ phù hợp. Tổng cộng có 279 hồ sơ đã được gửi đến, trong đó 23 hồ sơ lọt vào vòng chung kết. Tại vòng chung kết diễn ra hồi tháng ba, các doanh nhân tiếp tục trình bày kế hoạch kinh doanh và trả lời câu hỏi trước hội đồng giám khảo tại Thư viện Trung tâm ở Brooklyn.
Chương trình Boss Up diễn ra trong năm năm với khoản tài trợ trị giá 1 triệu USD từ quỹ gia đình của Ron Moelis, một nhà phát triển bất động sản, người đã có ý tưởng tổ chức chương trình sau khi đọc báo cáo năm 2022 của Trung tâm vì Tương lai Đô thị (CUF) - một tổ chức phi lợi nhuận. Báo cáo nhấn mạnh sự cần thiết của việc thúc đẩy tinh thần kinh doanh giữa các cư dân nhà ở xã hội.
“Rất khó để khởi nghiệp tại thành phố New York,” ông Moelis cho biết, sau khi lựa chọn những doanh nhân chiến thắng, ông đã gặp những người thua cuộc để đưa ra lời khuyên và khuyến khích họ thử lại vào năm tới.
Để xây dựng một chương trình thực sự có ích, ông Moelis đã hợp tác với Cơ quan Quản lý Nhà ở New York (cũng là nơi cung cấp các chương trình kinh doanh miễn phí cho cư dân), FJC (một tổ chức quản lý các giải thưởng), để xây dựng nên Boss Up.
Những người đăng ký tham gia chương trình Boss Up phải sống ở một trong những khu do Cơ quan Quản lý Nhà ở New York phát triển — có khoảng 368.000 cư dân — hoặc nhận trợ cấp tiền thuê nhà của liên bang thông qua chương trình Mục 8 (Section 8) của Đạo luật Nhà ở năm 1937. Giải thưởng sẽ không được tính vào thu nhập của người chiến thắng, bởi chính quyền thường dựa vào thu nhập để tính toán số tiền thuê nhà của hộ dân.
Một trong những người chiến thắng, Valeria Ortiz Martinez, 18 tuổi, sống tại khu Dyckman ở Inwood, đã nhặt được một tờ bướm quảng cáo cho cuộc thi ở sảnh khu nhà. Cô ấy đã biến ý tưởng của mình về một danh thiếp kỹ thuật số có thể tùy chỉnh — trông giống như thẻ tín dụng - thành một doanh nghiệp có tên ConnectoTap. Người dùng chỉ cần chạm vào điện thoại để chuyển thông tin danh thiếp cho người khác.
Cuộc thi đã giúp Martinez có cơ hội thành lập startup của riêng mình. Cuộc thi đồng thời cũng trợ giúp những người khác, vốn đã có một doanh nghiệp nhỏ, về cả tiền bạc lẫn đường hướng phát triển để tiếp tục con đường mà mình đang đi - như trường hợp của Adams. Adams dự định sử dụng khoản tiền 20.000 USD vào việc giới thiệu dòng sản phẩm bánh nướng tốt cho sức khỏe và tập trung nhiều hơn vào hoạt động tiếp thị.
Kat Perez, một người chiến thắng khác, bắt đầu vận hành công ty Kat D Productions của mình vào năm 2019 với thiết bị quay phim mượn từ Đại học Mount Saint Vincent - trường cũ của cô. Trường đồng thời cũng là khách hàng đầu tiên của Perez. Khi tham dự chương trình, Perez và một người bạn đã thực hiện hai video về cách các sinh viên định nghĩa các từ lóng. Hai video này đã thu hút hơn sáu triệu lượt xem.
Kể từ đó, Perez đã quay hơn 50 video và thu về 38.300 USD vào năm ngoái. “Tôi cảm thấy như cuối cùng mình đã có nền tảng để phát triển việc kinh doanh, nhưng tôi lại không có vốn hay nguồn lực để tiếp tục”, Perez, 25 tuổi, sống cùng mẹ ở Bronx, cho biết. Với số tiền thưởng, Perez có kế hoạch thuê một trợ lý, mua thêm thiết bị sản xuất video và quảng bá công ty của mình trên mạng xã hội.
Tạo động lực thúc đẩyChỉ hơn một thập kỷ trước, chỉ có 286 cư dân báo cáo về việc sở hữu một cơ sở kinh doanh, theo CUF. Eli Dvorkin, Giám đốc Chính sách và Biên tập của CUF, nghi ngờ rằng con số đích thực còn nhiều hơn, nhưng họ vận hành trong lặng thầm. “Đại đa số không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào cho công việc kinh doanh của mình. Họ phải vật lộn để tận dụng số tiền ít ỏi trong tài khoản tiết kiệm làm vốn liếng ban đầu”.
Vì sao họ không báo cáo về vấn đề kinh doanh của mình? Một trong số những rào cản lớn đó là cư dân tại các khu nhà ở xã hội phải chứng minh thu nhập của họ. Báo cáo của CUF lập luận rằng nỗi sợ tăng tiền thuê nhà hoặc khả năng mất viện trợ của chính phủ khiến người dân không mặn mà với việc kinh doanh.
Từ năm 2015, Cơ quan Quản lý Nhà ở New York đã triển khai chương trình Lộ trình Kinh doanh, nhắm mục tiêu đến các doanh nhân nhỏ lẻ, giúp họ tiếp cận các khóa đào tạo, cố vấn và hướng dẫn về cách phát triển doanh nghiệp. Ngày càng nhiều cư dân báo cáo có thu nhập từ công việc tự kinh doanh, số lượng đã tăng gấp 5 lần lên 1.636 người. Nhưng con số này còn có thể cao hơn: số lượng chủ doanh nghiệp vẫn chiếm chưa đến 1% cư dân nhà ở xã hội, so với trung bình New York, nơi tỷ lệ lao động tự làm chủ là 9,8% vào năm 2021. Tinh thần kinh doanh đại diện cho “một cơ hội to lớn chưa được khai thác” để tăng thu nhập cho cư dân nhà ở xã hội.
Vào tháng ba, Chủ tịch Hội đồng thành phố Adrienne Adams đã chia sẻ kế hoạch hỗ trợ các chủ doanh nghiệp sống tại khu nhà ở xã hội bằng cách mở rộng các chương trình giáo dục, giúp cư dân bảo toàn vốn và tận dụng các không gian trống trong khuôn viên nhà ở để hợp tác hoặc tổ chức các cửa hàng nhỏ. “Tiềm năng hiện diện ở khắp mọi nơi trong thành phố của chúng ta”, Adams phát biểu khi giới thiệu kế hoạch của mình. “Để tối đa hóa nó, chúng ta cần hướng đến những cộng đồng có nhiều tài năng nhưng ít xuất hiện trong các không gian khởi nghiệp chính thức”.
Bà đồng thời kêu gọi cư dân tích cực ghi danh vào chương trình Gia đình Tự túc (FSS). Chương trình cung cấp cơ hội học tập, đào tạo nghề, việc làm và quản lý tiền bạc cho các hộ gia đình và cá nhân muốn theo đuổi sự độc lập tài chính. Khi thu nhập của hộ gia đình tăng lên, tiền thuê nhà sẽ tăng theo. Khoản chênh lệch khi tiền thuê nhà tăng sẽ được gửi vào tài khoản ký thác. Về sau, khi cá nhân hoặc gia đình đã có thể tự túc mà không cần hỗ trợ của chính quyền, họ sẽ nhận lại được đầy đủ tiền trong tài khoản ký thác này.
Bên cạnh đó, các chương trình hỗ trợ hiện nay như Boss Up đều không tính giải thưởng vào thu nhập. Các ứng viên chỉ cần gửi thông tin chi tiết về hoạt động kinh doanh, kế hoạch ngân sách và mục tiêu của họ. Chương trình cũng không đòi hỏi ứng viên phải có những kế hoạch phức tạp, công nghệ cao. Họ hỗ trợ cho các tài năng trong nhiều lĩnh vực khác nhau: nghệ sĩ, người quay phim, chuyên gia thẩm mỹ v.v.
Đối với Michael Watson, một nghệ sĩ sống ở Harlem, chiến thắng trong cuộc thi là cơ hội để anh xây dựng doanh nghiệp nghệ thuật của mình, Fable Jones Studios. Trong thời gian xảy ra đại dịch, Watson lao vào vẽ và chỉ vẽ, đồng thời tiết kiệm đủ tiền để mở một phòng tranh ở Bushwick, Brooklyn, vào năm 2020. Tại đó, Watson, 35 tuổi, đã trưng bày các tác phẩm màu nước của mình và cũng trưng bày các tác phẩm của những nghệ sĩ, nhạc sĩ, người biểu diễn khác. Hầu hết trong số họ là người da màu.
Daniel Wool, người đã thành lập công ty Digital Design Truested Technologies vào năm 2022, có kế hoạch sử dụng 20.000 USD vào việc đa dạng hóa và tiếp thị công ty của mình, trả tiền cho các tình nguyện viên kiểm tra hệ thống phần cứng và phần mềm cho các đối tác. “Tôi nghĩ chương trình thực sự đã cho tôi động lực để tiến về phía trước”, ông Wool, 45 tuổi, sống tại nhà ở xã hội ở Morningside Heights, nhận xét..
Có thể đối với nhiều startup, vài chục nghìn đô chỉ là một con số nhỏ đủ để họ chi trả một số khoản lặt vặt trong quá trình vận hành, mỗi vòng tài trợ của họ sẽ lên tới vài chục triệu đô. Song đối với những cư dân trong các khu nhà ở xã hội, 20.000 USD là một khoản tiền lớn đủ để họ nuôi dưỡng giấc mơ của mình.
Michael Watson đã phải đóng cửa phòng trưng bày một năm sau đó khi chủ nhà lấy lại mặt bằng để cho người khác thuê, anh đang ấp ủ kế hoạch mở lại ở một địa điểm khác. Tuy nhiên, hiện tại, anh ấy vẫn đang cân nhắc kĩ tất cả các lựa chọn của mình. “Tôi chưa tiêu một xu nào [trong khoản tiền tài trợ] vì tôi muốn đảm bảo kế hoạch mà tôi có trên tay là kế hoạch tốt nhất,” anh nói. “Tôi không muốn phạm phải bất cứ sai lầm nào”.