Vùng biển Đông Nam Á, nơi có sự đa dạng sinh học bậc nhất trong các đại dương trên thế giới, đang đứng trước nguy cơ mất trắng kho báu có tuổi đời hàng triệu năm của mình vì những tác động của biến đổi khí hậu và trầm trọng hơn là từ chính con người.
Trên thực tế, nói đến Tam giác San hô là nói đến cả một vùng biển nhiệt đới trải rộng trên diện tích khoảng 5,7 triệu km2 được hình thành giữa các quốc gia như Indonesia, Malaysia, Papua New Guinea, Philippines, quần đảo Solomon và Timor-Leste; vùng biển của Việt Nam nằm ở đuôi Tam giác này. Cũng như các vùng biển khác, những rạn san hô ở Tam giác San hô là kết quả tích lũy hàng triệu năm của những cá thể polyp có kích cỡ vài milimet có khả năng tiết ra cacbonat canxi. Theo thời gian, các cấu trúc được tạo từ sự sống của polyp đã trở thành nơi trú ẩn, sinh trưởng của cả một hệ sinh thái biển khơi, nơi nhiều hình thức của sự sống khác như các loài nhuyễn thể, giáp xác, nhím biển, sao biển, giun biển, cỏ biển, tảo… đến các loại cá lớn nhỏ đều thấy chỗ của mình ở đó.
Sự đa dạng sinh học ở các rạn san hô ở Tam giác San hô có thể chỉ còn trong quá khứ. Nguồn: The Economist
Nguy cơ bị hủy hoại vì con người
Vào tháng 5/2009, Chính phủ các quốc gia Indonesia, Malaysia, Papua New Guinea, Philippines, quần đảo Solomon và Timor-Leste đã lập một chương trình bảo vệ các rạn san hô ở đây với tên gọi Sáng kiến Tam giác San hô (CTI-CFF), mở ra cơ hội cùng với các tổ chức quốc tế bảo vệ vùng biển này. Đây cũng là dịp để từng quốc gia nhìn lại “kho báu” san hô của mình.
Trong số này, Indonesia là một trường hợp đặc biệt bởi đây là một quần đảo lớn nhất thế giới, trải rộng từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương với 13.500 hòn đảo. 16% rạn san hô trên thế giới đều có mặt tại đây và chúng cũng hết sức phong phú về đa dạng sinh học. Không đơn thuần là câu chuyện về san hô, Indonesia còn được hưởng một nguồn lợi cá và các sản vật biển khơi lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Nhưng nghề cá của Indonesia lại là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng của các cách đánh bắt mang tính chất hủy diệt như bằng chất nổ, rõ ràng là không mất nhiều kinh phí đầu tư mà lại hiệu quả với lượng đánh bắt lớn, dẫn đến việc phá hủy các rạn san hô, tiêu diệt sự sống ở đó… Kết quả của việc đánh bắt bằng cách này đã làm suy giảm các rạn san hô lõi của Indonesia, từ 26 đến 50% - theo một báo cáo điều tra trong một thập kỷ tại Indonesia (Reef Check năm 1997-2006).
Những gì các rạn san hô đang phải hứng chịu ở Indonesia là tình trạng chung của các quốc gia khác trong khu vực Tam giác San hô, trong đó có Việt Nam. Không có quốc gia nào miễn nhiễm. Những con số thu được thực sự gây sốc, vi dụ gần như toàn bộ các rạn san hô ở Malaysia, Philippines đều bị đe dọa bởi hoạt động của con người, trong đó 40% ở mức nguy cơ cao và rất cao; ở Timor-Leste thì còn bi thảm hơn khi toàn bộ các rạn san hô đều như vậy và 92% ở mức cao và rất cao. Một số nhà khoa học nghi ngờ vào khả năng tồn tại của các rạn san hô vào thế kỷ tới, nếu còn duy trì tốc độ phá hủy như hiện nay.
Nguồn dinh dưỡng và thu nhập của những ngư dân Philippines sẽ bị ảnh hưởng trong tương lai gần. Nguồn: rural21.com
Mất vùng đệm chắn bão nhiệt đới
Điều khiến các nhà khoa học lo ngại không chỉ ở việc Tam giác San hô là cánh rừng nhiệt đới dưới biển mà nó còn là vùng đệm chắn bão nhiệt đới. Chúng đang chết dần đi ở thời điểm chúng ta cần chúng nhất, khi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, của sự ấm lên toàn cầu đang bị nghi ngờ là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng của cường độ, sự cực đoan của các cơn bão nhiệt đới trên Thái Bình Dương. “Các rạn san hô là vùng đệm bảo vệ cho khu vực ven bờ khỏi tác động của sóng và giúp ngăn ngừa xói mòn bờ biển, ngăn ngừa thiệt hại tài sản và con người. Chúng cũng bảo vệ các vùng đất ngập nước ven biển, các bến cảng và các nền kinh tế trên bờ. Ước tính, trên toàn cầu có nửa tỷ người sống trong phạm vi 100 km2 quanh các rạn san hô được hưởng lợi từ việc khai thác và bảo vệ nó", theo nhận định của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA).
Nhiều nhà khoa học quan tâm đến vai trò này của các rạn san hô với các cộng đồng ven biển. Năm 2014, một công bố trên Nature Communication của các nhà khoa học Mỹ cho thấy các mảng san hô làm giảm bớt 65% năng lượng sóng còn toàn bộ một rạn san hô làm tiêu tán 97% năng lượng sóng. Trên toàn cầu, gần như toàn bộ các nhóm cấu trúc địa lý đều được hưởng lợi điều đó từ san hô còn trong các quốc gia ở vùng Tam giác San hô, ước tính khoảng 45% vùng bờ biển an toàn trong sự bảo vệ của các rạn san hô, cao nhất là quần đảo Solomon với 70% và Philippines khoảng 65%, tiếp theo Indonesia, Papua New Guinea, và Sabah (Malaysia) cũng được coi là ở mức bảo vệ cao.
Nếu không có san hô thì chúng ta có cách nào giảm thiểu sự cuồng nộ của các cơn bão biển và các đợt sóng sinh ra từ nó? Chúng ta có thể xây dựng các đê chắn sóng nhiệt đới ở ven biển nhưng tương tự câu chuyện lợi về lực nhưng thiệt về đường đi, chi phí để xây dựng đê chắn sóng này không chỉ cao hơn chi phí đầu tư phục hồi các rạn san hô mà còn gây ra nhiều hậu quả khác như có thể dẫn đến ô nhiễm bờ biển, ngăn cách các dòng chảy tự nhiên, ảnh hưởng đến cảnh quan…, ví dụ việc xây bức tường chắn sóng cao 12,5 m ở vùng Đông Bắc bờ biển Nhật Bản khiến cho toàn bộ cư dân khu vực này không còn nhìn thấy biển nữa.
Theo Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), nhiệt độ trên bề mặt biển cao hơn so với ba thập kỷ trước và việc mất đi sự đa dạng sinh học của các rạn san hô cũng là một yếu tố góp phần thúc đẩy điều đó. Điều đáng chú ý là tất cả các cơn bão nhiệt đới đều hình thành từ việc nước bốc hơi trên mặt biển ấm và việc tiếp thêm nhiên liệu hình thành các cơn bão cũng như làm tăng tốc độ gió đều xuất phát từ nơi này. Do đó, nhiều nhà khoa học cho rằng, vùng Tam giác San hô cũng đang trở thành nạn nhân của chính mình, khi các rạn san hô chết không đủ sức làm giảm nhiệt độ bề mặt cũng như không đủ khả năng bảo vệ khu vực ven biển nữa.
Ai chịu thiệt?
Những thiệt hại từ việc mất đi các rạn san hô ở Tam giác San hô không chỉ liên quan đến sự tàn phá vẻ đẹp tự nhiên, sự đa dạng sinh học mà còn là mất đi nguồn kinh kế, yếu tố khiến cuộc sống ở khu vực Tam giác San hô bị đe dọa ở hiện tại và tương lai. Theo một ước tính năm 2012, 114 triệu người sống trong khu vực lân cận sẽ bị ảnh hưởng đến cuộc sống.
Trước hết, chúng ta hãy nhìn vào sự phụ thuộc vào dinh dưỡng của họ. Những rạn san hô là nơi cung cấp nguồn lương thực phong phú và đa dạng, nhiều loại trong số đó là nguồn protein động vật chất lượng cao mà giá thành thấp. Tại một số nơi, đặc biệt là các vùng biển hẻo lánh, các hòn đảo nhỏ có nguồn lực và giao thương giới hạn thì có thể Tam giác san hô là nơi cung cấp thực phẩm duy nhất. Rất nhiều quốc gia ở khu vực Tam giác san hô, việc tiêu thụ cá và các loại hải sản cao hơn lượng tiêu thụ trung bình của thế giới như Malaysia, Singapore, Philippines, Brunei, quần đảo Solomon, riêng ở Solomon thì cá đem lại tới hơn 90% lượng đạm từ động vật.
Thứ hai, về giá trị xuất khẩu. Việc xuất khẩu những loài cá đánh bắt quanh các rạn san hô và những sản phẩm khác từ đó là nguồn thu quan trọng của các quốc gia nhiệt đới. Ở Tam giác San hô, giá trị xuất khẩu từ các loại hải sản lên tới 3% tổng các sản phẩm xuất khẩu còn Indonesia và Philippines thuộc nhóm năm quốc gia có lượng hàng hóa khai thác từ các rạn san hô lớn nhất toàn cầu, với sản lượng xuất khẩu hơn 115 triệu USD.
Thứ ba là cơ hội nghề nghiệp. Ngư dân là một trong những người sống phụ thuộc vào đánh bắt, đó là sinh kế và thu nhập của gia đình họ, chủ yếu ở ba quốc gia là Indonesia, Philippines, Papua New Guinea. Đặc biệt ở Indonesia và Philippines thì hơn một triệu ngư dân sống hoàn toàn nhờ việc đánh bắt cá.
Thứ ba là nguồn thu từ du lịch. Dù có những tác hại đáng kể cho các rạn san hô nhưng không thể phủ nhận là du lịch ở Tam giác San hô là một nguồn thu đáng kể: Malaysia có hơn 17 triệu khách tới hằng năm. Salomon và Malaysia là hai quốc gia có thu nhập từ du lịch cao nhất vùng, nếu tính theo GDP, chiếm khoảng 9% GDP. Indonesia cũng là quốc gia có “nền công nghiệp” du lịch có sức tăng trưởng nóng với số lượng du khách tới tăng 40%, từ 4,9 triệu đến 7 triệu khách.
Đột nhiên, tất cả những điều đó sẽ không còn trong vài thập kỷ tới, khi các rạn san hô dần biến mất khỏi biển cả.
Vậy có giải pháp nào để cứu Tam giác San hô khỏi cái chết đã được báo trước? Câu trả lời là dù đã muộn nhưng có lẽ, các chính phủ cần vào cuộc một cách thực sự, mở rộng các khu bảo tồn biển cũng như ban hành các khung chính sách để tất cả mọi người dân có thể tham gia bảo vệ môi trường sống, thậm chí cả mạng sống của mình.
Nguồn: Báo cáo “Reefs at Risk Revisited in the Coral Triangle”, Nature, AseanPost…