Theo một nghiên cứu mới, để giữ cho các vùng nhiệt đới không đạt đến nhiệt độ vượt quá khả năng chịu đựng của con người, cần hạn chế nóng lên toàn cầu theo các mục tiêu được đề xuất trong Thỏa thuận Paris.

Nghiên cứu mới tập trung vào một thước đo được gọi là nhiệt độ bầu ướt (Wet Bulb Temperature), tính toán cả nhiệt và độ ẩm, và cho thấy rằng nếu không thể giới hạn nóng lên toàn cầu trong mức 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp, các vùng nhiệt đới sẽ có nhiệt độ vượt qua 'giới hạn sinh tồn' của con người.

"Vấn đề là, cơ thể không chỉ phản ứng với nhiệt độ mà còn phản ứng với độ ẩm", Kristina Dahl, một nhà khoa học khí hậu không tham gia vào nghiên cứu cho biết. Dahl giải thích, cơ thể tự làm mát của con người chủ yếu thông qua bài tiết mồ hôi và sự bay hơi của mồ hôi từ da, đến một ngưỡng nhiệt độ và độ ẩm nhất định, quá trình này trở nên "khó khăn về mặt nhiệt động lực học".

Các nhà khoa học cho rằng nhiệt độ bầu ướt 35 độ C là giới hạn trên của khả năng chịu đựng của con người. Tuy mỗi người có mức nhiệt tối đa có thể chịu được khác nhau. Nhưng ở nhiệt độ bầu ướt 35 độ C, bất cứ ai tiếp xúc với nhiệt độ ngoài trời đều sẽ gặp vấn đề sức khỏe.

Cơ thể thường duy trì nhiệt độ bên trong khá ổn định ở mức 37 độ C. Nhiệt độ da phải thấp hơn một chút để nhiệt ở lõi cơ thể truyền được vào da. Nếu không, nhiệt độ bên trong của một người có thể không thoát ra được và nhanh chóng tăng lên, Yi Zhang, trưởng nhóm nghiên cứu của nghiên cứu mới, giải thích.

“Nhiệt độ lõi cao rất nguy hiểm hoặc thậm chí gây chết người," Zhang, nghiên cứu sinh về khoa học khí quyển và đại dương tại Đại học Princeton, New Jersey, cho biết.
Đối với nghiên cứu của mình, Zhang và các đồng nghiệp của cô đã đưa ra dự đoán về việc nóng lên toàn cầu có thể ảnh hưởng đến nhiệt độ bầu ướt ở vùng nhiệt đới (giữa 20 độ bắc và nam của đường xích đạo) như thế nào. Bao gồm vùng rừng mưa Amazon, phần lớn châu Phi, bán đảo Ấn Độ và một phần Đông Nam Á.

Các nhà nghiên cứu bắt đầu với giả thuyết rằng động lực học khí quyển cơ bản kiểm soát nhiệt độ bầu ướt trên khắp vùng nhiệt đới. Sau đó, họ sử dụng dữ liệu từ các trạm thời tiết, kéo dài hàng thập kỷ, để xác nhận giả thuyết này.

Từ đó, họ dự đoán rằng nếu nóng lên toàn cầu chỉ giới hạn trong phạm vị 1,5 độ C, "hầu hết các vùng nhiệt đới" sẽ không đạt đến nhiệt độ bầu ướt con người không thể chịu đựng được. Phát hiện được công bố ngày 8/3 trên tạp chí Nature Geoscience.

Theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, mục tiêu chung mà các nước trên thế giới đặt ra là hạn chế nóng lên toàn cầu ở mức "dưới 2 độ C" và lý tưởng nhất là dưới 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp. Những dự báo trong nghiên cứu mới nhất này nhấn mạnh tầm quan trọng của các mục tiêu đó.

Cần gì để hạn chế sự nóng lên toàn cầu? Câu trả lời ngắn gọn, theo Dahl, là ít phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch (dầu, than và khí đốt tự nhiên) và sử dụng nhiều hơn các nguồn năng lượng sạch hơn như năng lượng mặt trời và gió.

Khí thải do con người tạo ra - chủ yếu là carbon dioxide, cũng như oxit nitơ và mêtan - được cho là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu kể từ những năm 1950.

Nguồn: