Theo phát hiện mới của các nhà nghiên cứu tại Đại học California, thêm một chút rong biển trong thức ăn gia súc có thể làm giảm lượng khí thải mê-tan từ bò thịt tới 82%.

Các kết quả, được công bố mới đây trên tạp chí PLOS ONE, có thể mở đường cho sản xuất chăn nuôi bền vững trên toàn thế giới.

“Hiện chúng tôi đã có bằng chứng xác thực rằng thêm rong biển vào chế độ ăn của gia súc có hiệu quả trong việc giảm khí nhà kính, và hiệu quả này không suy giảm theo thời gian", Ermias Kebreab, giáo sư tại Khoa Khoa học động vật Đại học California và Giám đốc Trung tâm Lương thực Thế giới, cho biết. "Phát hiện này có thể giúp nông dân sản xuất bền vững thịt bò và các sản phẩm từ sữa mà thế giới luôn cần", Breanna Roque, nghiên cứu sinh và đồng tác giả của Kebreab, nói thêm.

Trong suốt 5 tháng mùa hè năm ngoái, Kebreab và các đồng nghiệp đã bổ sung một lượng nhỏ rong biển vào chế độ ăn của 21 con bò thịt và theo dõi sự tăng trọng cũng như lượng khí thải mê-tan của chúng. Gia súc tiêu thụ thêm khoảng 80 gram rong biển mỗi bữa sẽ vẫn tăng trọng lượng tương đương các con khác trong đàn, trong khi thải ra khí mê-tan ít hơn 82%.

Con bò này tại Đại học California đã được cho ăn một lượng nhỏ rong biển, dẫn đến việc giảm đáng kể lượng khí thải mê-tan.

Khí nhà kính là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu, và mê-tan là một loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh. Nông nghiệp chịu trách nhiệm cho 10% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính ở Mỹ, và một nửa trong số đó đến từ bò và các động vật nhai lại khác thải ra khí mê-tan và các khí khác suốt cả ngày trong quá trình chúng tiêu hóa thức ăn gia súc như cỏ và cỏ khô.

Vì gia súc là nguồn khí nhà kính hàng đầu trong nông nghiệp, nhiều nhà vận động khí hậu đã đề nghị mọi người ăn ít thịt hơn để góp phần giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Nhưng Kebreab tìm giải pháp khác: chế độ dinh dưỡng cho gia súc.

“Chỉ một phần rất nhỏ của diện tích trái đất thích hợp cho sản xuất cây trồng. Nhiều vùng đất chỉ thích hợp cho chăn thả gia súc, vì vậy chăn nuôi đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp thức ăn cho gần 10 tỷ người sinh sống trên hành tinh. Phần lớn khí thải mê-tan của chăn nuôi đến từ chính động vật, bởi vậy dinh dưỡng cho gia súc đóng một vai trò quan trọng trong việc tìm ra giải pháp", Kebreab giải thích.

Năm 2018, nhóm Kebreab đã có thể giảm hơn 50% lượng khí thải mê-tan từ bò sữa bằng cách bổ sung rong biển vào chế độ ăn của chúng trong hai tuần. Rong biển giúp ức chế một loại enzyme góp phần tạo ra khí mê-tan trong hệ tiêu hóa của bò.

Trong nghiên cứu mới, nhóm Kebreab đã kiểm tra xem liệu mức giảm đó có bền vững theo thời gian hay không, bằng cách cho bò ăn rong biển mỗi ngày trong 5 tháng, từ khi chúng còn nhỏ. Bốn lần một ngày, những con bò ăn được cho ăn từ một thiết bị có khả năng đo được khí mê-tan trong hơi thở của chúng. Kết quả khá rõ ràng: Gia súc ăn rong biển thải ra ít khí mê-tan hơn và hiệu quả hạn chế mê-tan không giảm theo thời gian.

Bước tiếp theo

Kết quả từ một bài kiểm tra hương vị cũng không tìm thấy sự khác biệt về hương vị thịt từ những con bò ăn rong biển so với bò bình thường. Các thử nghiệm tương tự với bò sữa cho thấy rong biển không ảnh hưởng đến mùi vị của sữa.

Ngoài ra, các nhà khoa học đang nghiên cứu cách nuôi trồng loại rong biển Asparagopsis taxiformis mà nhóm của Kebreab đã sử dụng trong các thử nghiệm. Loại rong này không có đủ trong tự nhiên để sử dụng rộng rãi.

Một thách thức khác là làm thế nào để các chủ trang trại cho gia súc ăn thêm rong biển khi chăn thả trên bãi đất trống rộng lớn? Đó là chủ đề của nghiên cứu tiếp theo của Kebreab.

Để thúc đẩy ứng dụng ý tưởng này, Kebreab và Roque đã hợp tác với một số cơ quan khoa học ở Úc: Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối thịnh vượng chung; Đại học James Cook; Tổ chức Thịt và Gia súc Úc; và Blue Ocean Barns, một công ty khởi nghiệp cung cấp thực phẩm bổ sung cho gia súc dựa trên rong biển.

Roque nói: “Còn nhiều việc phải làm, nhưng chúng tôi rất vui mừng trước những kết quả này. Giờ đây, chúng tôi đã có câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi liệu chất bổ sung rong biển có thể giảm phát thải khí mê-tan trong chăn nuôi một cách bền vững và hiệu quả của nó có lâu dài hay không."

Nguồn: