Ở Việt Nam, các website chiếu phim lậu có lợi thế lớn so với các dịch vụ chiếu phim có bản quyền theo yêu cầu trên nền tảng Internet (dịch vụ chiếu phim bản quyền trên Internet) - vốn được đầu tư hàng triệu USD và thu phí rất rẻ.

Với kho nội dung cực kỳ phong phú và không thu phí, các trang phim lậu thu hút lượng người xem lớn và thu bộn tiền quảng cáo.

Khó cạnh tranh vì... mua bản quyền

Theo số liệu được Hiệp hội Điện ảnh Mỹ công bố cuối năm 2016, hiện có hơn 200 website chuyên chiếu phim lậu tại Việt Nam, nhiều trang có đến hàng chục triệu người truy cập mỗi tháng. Rất ít đơn vị được cấp phép bản quyền chiếu phim theo yêu cầu trên nền tảng Internet. Bà Phan Cẩm Tú - đại diện Hiệp hội Điện ảnh Mỹ - nói: “Theo tôi biết, Việt Nam hiện có 2 đơn vị được cấp phép chiếu phim bản quyền theo yêu cầu trên Internet là Film+ (thuộc Galaxy) và Danet (thuộc BHD)”.

Lý giải tình trạng tràn ngập các website vi phạm bản quyền, ông Phan Thanh Giản - CEO của trang ClipTV thuộc Vega Corp, một đơn vị cung cấp dịch vụ chiếu phim bản quyền theo yêu cầu - giải thích: “Các web này vẫn tồn tại vì nhu cầu xem phim không bản quyền rất lớn. Hơn nữa, họ có nguồn thu từ quảng cáo và phí thành viên (VIP)”. Rõ ràng, các web chuyên chiếu phim lậu có lợi thế hơn rất nhiều so với những dịch vụ được doanh nghiệp bỏ ra hàng triệu USD để mua bản quyền.

Ông Giản nhận định, đây là thời điểm khó khăn của dịch vụ chiếu phim bản quyền trên Internet bởi kho nội dung của các web lậu rất lớn và hot, trong khi dịch vụ chiếu phim bản quyền - với chi phí hạn hẹp - khó có thể cạnh tranh, chưa kể tiền bản quyền chiếm đến 60% tổng chi phí. “Các website lậu không chịu chi phí này nên dễ dàng có lợi nhuận.

Bên cạnh đó, giá phim quốc tế bị đội lên nhiều lần, phim trong nước thì khó tiếp cận. Dựa vào các số liệu có được, chúng tôi dự đoán hầu hết các đơn vị dịch vụ bản quyền tại Việt Nam đang lỗ rất nặng” - ông Giản nói.

Hình ảnh trong một bộ phim trên Clip TV - một dịch vụ chiếu theo yêu cầu. Ảnh: ClipTV
Hình ảnh trong một bộ phim trên Clip TV - một dịch vụ chiếu theo yêu cầu. Ảnh: ClipTV

Ngoài khó khăn trên, doanh nghiệp đầu tư phim bản quyền còn gặp vấn đề về công nghệ và thói quen người dùng. “Chi phí đầu tư bản quyền cao nhưng người dùng chưa quen trả phí dù rất rẻ, chỉ bằng một tô phở cho một tháng xem phim và truyền hình” - ông Giản nói.

Đồng quan điểm, ông Châu Quang Phước - đại diện truyền thông của trang Danet - cho rằng: “Để thay đổi thói quen người dùng trong nước, chúng ta còn phải đi một chặng đường dài”.

Cùng với sự phát triển của công nghệ, hiện không chỉ có website lậu mà còn xuất hiện nhiều dịch vụ chiếu phim lậu trên nền tảng Internet khác như các ứng dụng, các kênh trên các mạng xã hội như Youtube, Facebook... Điều này càng làm các đơn vị làm ăn chính đáng gặp nhiều khó khăn.

Sự hỗ trợ của cơ quan pháp quyền

Tháng 7/2013, Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã yêu cầu pub.vn, phim47.com, v1vn.com - 3 website chuyên chiếu phim của các thành viên MPA không phép - chấm dứt vi phạm, gỡ bỏ bản sao các tác phẩm điện ảnh không bản quyền. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã nhiều lần “dọn dẹp” các trang web chiếu phim lậu. Năm 2015, cơ quan này cho đóng cửa trang web chiếu phim lậu www.hayhaytv.vn.


Gần đây, một lãnh đạo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, một doanh nghiệp quảng cáo đang nắm giữ 58% thị phần quảng cáo ở Việt Nam đã yêu cầu các đại lý rút toàn bộ quảng cáo trên 50 trang web vi phạm bản quyền. Đây là một biện pháp do Bộ Thông tin và Truyền thông và đơn vị quảng cáo phối hợp thực hiện nhằm ngăn chặn sự phát triển của các trang web lậu.

Ngoài những biện pháp trên, chúng ta còn vũ khí pháp luật. Theo luật sư Lê Xuân Lộc - Công ty luật TNHH T&G, có 3 biện pháp chính để đối phó với các trang web chiếu phim lậu: Dân sự, hành chính và hình sự. “Với biện pháp dân sự, nhà sản xuất phim có quyền kiện ra tòa án, yêu cầu người vận hành website chiếu phim lậu phải chấm dứt tải phim của mình lên để người khác xem, đồng thời yêu cầu chủ sở hữu website đó bồi thường thiệt hại do chiếu phim lậu và phí thuê luật sư khởi kiện” - ông Lộc nói.

Biện pháp hành chính có thể thực hiện là yêu cầu thanh tra và cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả và quyền liên quan, yêu cầu đối tượng vi phạm chấm dứt hành vi sai trái. Cuối cùng, cơ quan chức năng có thể áp dụng biện pháp hình sự để xử lý hành vi vi phạm quyền của người sở hữu trang web chiếu phim lậu. Luật sư Lộc cho biết, một số quốc gia như Mỹ còn áp dụng biện pháp “bắt giữ tên miền” với các trang web vi phạm bản quyền và biện pháp này tỏ ra khá hiệu quả.

Tuy nhiên, vị luật sư này cũng thừa nhận, việc xử lý các trang web lậu còn rất khó khăn: “Nhiều chủ sở hữu trang web, người vận hành web thoắt ẩn thoắt hiện, không ở Việt Nam nên rất khó xác định”.