Theo kinh nghiệm của những người đi trước, để startup có thể sống sót đòi hỏi rất nhiều điều kiện đầy thách thức, nhưng chỉ cần đi đúng hướng thì các nhà đầu tư sẽ nối nhau tự tìm đến.
Đừng học theo Mark Zuckerberg
Nếu coi khởi nghiệp như một cái cây, thì kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm chính là bộ rễ giúp cây phát triển. Theo các chuyên gia thì “bộ rễ” này của không ít người trẻ Việt Nam đang tham gia khởi nghiệp chưa thực sự vững chắc.
Ông Nguyễn Trung Dũng - Tổng Giám đốc BK Holding (Công ty đầu tư và phát triển công nghệ Bách khoa Hà Nội) - cho rằng: “Để đưa ra được ý tưởng đột phá, các bạn trẻ cần có kiến thức sâu về một lĩnh vực. Kiến thức đó cần phải học, đừng theo chân Mark Zuckerberg hay Steve Jobs để nghĩ rằng bỏ học vẫn có thể thành tài”.
Ông Nguyễn Trung Dũng - Tổng Giám đốc BK Holdings. Ảnh: Loan Lê
Cùng chia sẻ quan điểm này, ông Đỗ Hoài Nam - người từng startup thành công ở Sillicon Valley với sản phẩm đình đám Emotiv Systems - cho rằng, vấn đề của giới trẻ tham gia khởi nghiệp hiện nay là thiếu kiến thức nền tảng.
Đồng sáng lập ứng dụng đọc não người này kể lại: “Có nhóm làm ứng dụng cho người bị tai biến đến gặp tôi để gọi đầu tư. Trình bày xong, họ quay sang hỏi vì sao tôi biết nhiều về lĩnh vực này như thế. Tôi tuy không tìm hiểu về tai biến, nhưng lại biết nhiều hơn chính người làm dự án thì chứng tỏ startup đó có vấn đề”.
Ông Đỗ Hoài Nam - nhà đầu tư. Ảnh: Loan Lê
Vấn đề về thiếu kiến thức và kinh nghiệm của các startup cũng chính là lý do khiến những thành tố hỗ trợ trong hệ sinh thái khởi nghiệp như vườn ươm, quỹ hỗ trợ… dù đang mọc lên như nấm tại Việt Nam cũng không phát huy nhiều hiệu quả.
Lý giải về thực tế này, ông Nguyễn Trung Dũng ví von: “Nếu hạt giống lép thì làm sao nảy mầm được. Muốn startup tốt phải đào tạo tốt. Bài toán dài hơi là nâng cao chất lượng giáo dục cả về chuyên môn và tinh thần khởi nghiệp”.
Không chỉ học trên ghế nhà trường, giới khởi nghiệp còn được khuyên tìm kiếm sự giúp đỡ ở những phần việc mình không giỏi và học hỏi từ đồng nghiệp, từ mentor và sách vở. Ngoài việc học, ông Ngô Xuân Huy - đồng sáng lập của ứng dụng quản lý chi tiêu Money Lover, đang có hàng triệu người dùng - khuyên các bạn trẻ hãy dành từ 3 đến 5 năm đi làm trong các công ty, tập đoàn để học hỏi chuyên môn, kỹ năng mềm và nắm bắt thị trường trước khi tính đến khởi nghiệp.
Đưa công nghệ vào nông nghiệp
Ngoài nền tảng kiến thức cần bồi đắp, kinh nghiệm từ những người khởi nghiệp thế hệ đầu cho thấy việc xác định lĩnh vực sở trường để khởi nghiệp cũng là một trong những yếu tố quyết định thành - bại. Hiện nay tại Việt Nam, đa phần các startup chọn lĩnh vực công nghệ để thử sức. Với kinh nghiệm dày dạn về web, mobile và hardware, ông Bùi Hải An - đồng sáng lập Công ty Silicon Straits Saigon - đánh giá đây là lĩnh vực phù hợp với điều kiện ở Việt Nam vì không cần quá nhiều vốn.
Ông Bùi Hải An - đồng sáng lập Công ty Silicon Straits Saigon. Ảnh: NVCC
Nhưng ông An có lời khuyên những người làm startup rằng, công nghệ có thể giải quyết vấn đề và mang đến kết quả vượt trội trong nhiều ngành nghề khác nhau. “Việt Nam là nước nông nghiệp nhưng sản xuất manh mún, hiệu quả kinh tế thấp. Do đó các startup có thể cân nhắc đưa công nghệ vào nông nghiệp để tạo ra sản phẩm có giá trị cao. Một vài công ty khởi nghiệp đã nhảy vào lĩnh vực này và tạo ra đột phá như Cầu Đất Farm, MimosaTek...”- ông chia sẻ thêm.
Ngoài ra, với thị trường xấp xỉ 100 triệu dân ở Việt Nam, “quỹ đất” trong các lĩnh vực khởi nghiệp luôn rộng mở. Vốn là người hiểu rõ bối cảnh và điều kiện khởi nghiệp trong và ngoài nước, ông Đỗ Hoài Nam cho rằng có 3 xu hướng chính mà cộng đồng startup có thể bắt nhịp với thế giới: “Sharing economy” (kinh tế chia sẻ - PV), Big Data (dữ liệu lớn - PV) và Hardware (sản phẩm phần cứng - PV).
Tiền đầu tư không thiếu
Tuy nhiên, dù theo xu hướng hay lĩnh vực nào thì sản phẩm startup cũng phải phù hợp với thị trường. Ông Đinh Viết Hùng - người sáng lập của ứng dụng Design Bold đang gây sốt ở Mỹ - nhấn mạnh một nguyên tắc cho khởi nghiệp: “Chúng ta phải bán những gì khách hàng cần, không phải bán những gì mình có. Sai lầm của startup không nằm ở ý tưởng mà ở việc sản phẩm chưa phù hợp với thị trường”.
Ông Đinh Viết Hùng - người sáng lập ứng dụng Design Bold. Ảnh: Lệ Hằng
Với kinh nghiệm khởi nghiệp ở nước ngoài, ông Đỗ Hoài Nam nhận xét rằng về mặt vĩ mô, thị trường Việt Nam cũng giống thế giới và điều khác biệt nằm ở văn hóa, nên nếu học hỏi mô hình của nước ngoài thì phải có sự thay đổi cho phù hợp.
Sản phẩm Money Lover của Ngô Xuân Huy là một ví dụ. Ứng dụng này hiện có 10 triệu lượt cài đặt với hơn 30 ngôn ngữ khác nhau. Trên thế giới có nhiều ứng dụng quản lý tài chính, nhưng đây là ứng dụng hiếm hoi đến từ một quốc gia đang phát triển được đón nhận rộng rãi.
“Bí quyết của tôi là đông hơn, rẻ hơn và đó cũng là ưu thế của Việt Nam. Ở nước ngoài, thuê 5 người làm đã khó khăn rồi thì đội của tôi đã có hơn 20 người. Chúng tôi lắng nghe và đáp ứng mọi phản hồi của người dùng và chi phí sản phẩm chỉ bằng một nửa so với của nước ngoài. Chúng tôi thắng vì quá chăm chỉ” - Huy kể.
Ông Ngô Xuân Huy - đồng sáng lập ứng dụng Money Lover. Ảnh: Loan Lê
Cũng theo founder của Money Lover, Việt Nam không phải là thị trường khó gọi vốn, thậm chí gọi vốn nhỏ còn dễ hơn ở Mỹ. Vậy tại sao nhiều founder phải chật vật trong việc gọi vốn và sản phẩm sớm chết yểu vì không tìm được đầu tư? Vấn đề nằm ở việc các nhà đầu tư không tìm được nhiều startup đủ hấp dẫn để họ “xuống tiền”. “Nếu bạn có sản phẩm khác biệt, tạo ra doanh thu, bộ máy hoạt động ổn định thì không cần đi đâu cả, nhà đầu tư sẽ tự tìm đến” - Ngô Xuân Huy nhấn mạnh.
Với tư cách là một người tiên phong khởi nghiệp và giờ hoạt động như một nhà đầu tư tại Việt Nam, ông Đỗ Hoài Nam cũng từng có nhiều trải nghiệm “đau thương” khi đi tìm startup để rót vốn. “Họ không biết nhà đầu tư cần gì. Các bạn muốn tôi đầu tư 200.000 USD nhưng chỉ nói về tỷ suất lợi nhuận, trong khi cái tôi cần biết là số tiền đó được sử dụng thế nào, tốc độ phát triển từng giai đoạn ra sao thì không rõ”.
Khởi nghiệp không có công thức để thành công, nhưng có những bài học để người sau không lặp lại thất bại của người đi trước. Lời khuyên từ trải nghiệm thực tế của những người tiên phong trong khởi nghiệp có thể giúp những người đang dấn thân trong hoạt động này có cái nhìn đầy đủ về con đường startup đầy thách thức.